Ngay trung tâm TPHCM vẫn bị chết vì sốt xuất huyết

Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn và quận 12 là những quận huyện có người bị SXH nhiều. Trong đó, quận 12 là địa phương có tỷ lệ người bị SXH tăng cao nhất, đến 135%.

Ngày 5-9, tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội tháng 8-2017 và 8 tháng đầu năm 2017, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM nhận xét dịch sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng tăng trong mùa mưa. Ông Ngọc Anh khuyến cáo các ngành, các địa phương cần có giải pháp để phòng chống.

Ngay trung tâm TPHCM vẫn bị chết vì sốt xuất huyết ảnh 1 Quận 12 có tỷ lệ người bị sốt xuất huyết tăng đến 135% so với cùng kỳ
Tính từ đầu năm 2017 đến 15-8, tại TPHCM có 12.406 ca sốt SXH, tăng hơn 27,7% so với cùng kỳ. Trong số này, có đến 4 ca tử vong ở các quận 5, 12, quận Bình Tân và Bình Thạnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế, số ca nghi ngờ SXH nhập viện ở TPHCM trong tháng 8-2017 là 2.261 ca, tăng 12,8% so với tháng trước (tháng trước có 2.004 ca). Mặc dù không có ca nào tử vong nhưng số ca nghi ngờ SXH nhập viện tăng hơn 100% so với cùng kỳ (cùng kỳ có 1.130 ca).

Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế, nhận xét tình trạng SXH trên địa bàn TPHCM tạm thời đã dừng nhưng ở mức cao với cùng kỳ là 26% (cả nước tăng 43%).

“Các địa phương có người bị SXH nhiều là quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và quận 12. Trong đó, quận 12 là địa phương có tỷ lệ người bị SXH tăng cao nhất, đến 135%”, ông Tăng Chí Thượng thông tin.

Để ngăn ngừa, giảm thiểu SXH, Phó Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết TPHCM đã xây dựng đề án mạng lưới cộng tác viên trong công tác phòng chống dịch SXH.

Ngay trung tâm TPHCM vẫn bị chết vì sốt xuất huyết ảnh 2 Phun thuốc diệt muỗi nhằm ngăn ngừa SXH

Ngoài ra, Sở Y tế, Sở TN-MT và Thành đoàn TPHCM đã ký kết kế hoạch liên tịch về hoạt động diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng chống SXH hàng tuần từ nay đến Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng có văn bản chỉ đạo các bệnh viện tăng cường công tác điều trị đối với bệnh SXH.

“Hàng tuần, Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan ra quân tổ chức diệt mũi, lăng quăng. Bằng các biện pháp này, theo đánh giá của Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, dịch SXH đã chựng lại. Hy vọng trong thời gian tới, số ca bị SXH cũng sẽ giảm xuống”, ông Tăng Chí Thượng nói.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, các cơ quan chức năng khuyến cáo trong thời điểm đang có dịch SXH như hiện nay thì nếu có triệu chứng sốt nên đến các cơ sở y tế thăm khám, xét nghiệm.

Sau đó, khi đã xác định sốt do nguyên nhân gì thì bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị theo nguyên nhân.

Khi dùng thuốc hạ sốt, chỉ được dùng paracetamol, không dùng các thuốc khác như aspirin hay ibuprofen vì nếu mắc SXH, sẽ làm tình trạng xuất huyết nặng thêm.

Tương tự, trong tháng 8-2017, số ca nghi ngờ tay chân miệng nhập viện gần 700 ca, tăng 27% so với tháng trước và tăng 71,3% so với cùng kỳ, không có ca tử vong. Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2017 đến ngày 15-8 thì tổng số ca nghi ngờ tay chân miệng nhập viên là 3.051 ca, giảm 3,6% so với cùng kỳ và không có ca tử vong.

Ngoài ra, trong tháng 8-2017, TPHCM không ghi nhận trường hợp mắc bệnh Zika. Đồng thời, TPHCM cũng khống chế các bệnh gây dịch khác như quai bị, thủy đậu và không để lan rộng trong cộng đồng.

                                 Các sai lầm "chết người" của người bị SXH

- Giảm sốt là hết bệnh:

SXH thường kéo dài từ 7-10 ngày. Trong 3 ngày đầu, người bệnh thường bị sốt cao (có khi tới 39 hoặc 400C), đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Đây không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không có các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà và chỉ cần hạ sốt, uống orezol.

Từ ngày thứ 4 người bệnh thường không có biểu hiện của sốt nên nhiều người cho rằng bệnh đã bớt. Tuy nhiên, đây thời điểm nguy hiểm nhất, dễ bị biến chứng gây ra tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu hoặc xuất huyết do giảm tiểu cầu làm bệnh nhân chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da… Vì vậy, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế làm xét nghiệm để điều trị.

- Uống thuốc aspirin và ibuprofen:

Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của SXH như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt... nhiều người thường nghĩ bị cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen. 

Tuy nhiên, aspirin và ibuprofen sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Các bác sĩ khuyến cáo đối không tự ý uống hai loại thuốc kể trên khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết.

Chữa sốt xuất huyết bằng tía tô, kinh giới: 

Mạng facebook xã hội đang lan truyền bài thuốc chữa SXH bằng tía tô, kinh giới với lời giới thiệu “gia đình làm thuốc nam nhiều đời nên mách để cứu giúp dân tình”. Tuy nhiên, các bác sĩ khẳng định tía tô, kinh giới không có giá trị gì trong chữa SXH. Với bệnh SXH, muỗi truyền thẳng virus vào máu, không qua đường hô hấp. Nếu nhiều người tin làm theo và không may gặp SXH biến chứng thì có thể mất mạng.

Đặc biệt, Bộ Y tế đã quy định chỉ điều trị theo Đông y với SXH độ 1, độ 2. Khi SXH ở độ 3, độ 4 thì cấm điều trị theo Đông y vì khi tiểu cầu xuống dưới 50.000 hay có dấu hiệu cảnh báo như mất nước hay cô đặc máu thì không điều trị Đông y.

Tin cùng chuyên mục