Nhiều nước phản ứng sau công bố mới của Hồ sơ Panama

Cơ sở dữ liệu hơn 200.000 công ty hải ngoại cùng thông tin liên quan nhiều cá nhân giàu có và quyền lực, một phần Hồ sơ Panama, do Hiệp hội Quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) công bố ngày 9-5 đang thúc đẩy nhiều nước tìm giải pháp chống tham nhũng và trốn thuế.
Nhiều nước phản ứng sau công bố mới của Hồ sơ Panama

Cơ sở dữ liệu hơn 200.000 công ty hải ngoại cùng thông tin liên quan nhiều cá nhân giàu có và quyền lực, một phần Hồ sơ Panama, do Hiệp hội Quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) công bố ngày 9-5 đang thúc đẩy nhiều nước tìm giải pháp chống tham nhũng và trốn thuế.

Ngày 10-5, phát ngôn viên Chính phủ Nhật Bản cho biết, Tokyo dự định đề xuất một kế hoạch hành động chống tham nhũng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức vào ngày 26 và 27-5 ở Ise, Nhật Bản.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói, là chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G7, Nhật Bản hy vọng có các đề xuất chống trốn thuế, như tăng yêu cầu công bố thông tin, đính kèm trong tuyên bố chung của các lãnh đạo G7 khi kết thúc hội nghị.

ICIJ công bố cơ sở dữ liệu hơn 200.000 công ty hải ngoại cùng thông tin liên quan nhiều cá nhân giàu có và quyền lực, một phần Hồ sơ Panama. Ảnh: REUTERS

Phát ngôn viên Bộ Tài chính Ấn Độ S.D. Malik cho biết, cơ quan thuế thu nhập Ấn Độ đã gửi thông báo cho tất cả người Ấn có tên trong cơ sở dữ liệu ICIJ vừa công bố và sẽ điều tra từng người dựa trên các câu trả lời của họ.

Tổng chưởng lý Ecuador Galo Chiriboga cho biết, sẽ đề xuất phối hợp Panama điều tra các hành vi sai trái khi ông gặp người đồng cấp Panama vào cuối tháng 5.

Tổng thống Panama Juan Carlos Varela tuyên bố, Panama sẽ chia sẻ thông tin và hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Chính phủ New Zealand cho biết, sẵn sàng thay đổi các quy định, sau khi đã bổ nhiệm trong tháng 4 một chuyên gia thuế để xem xét các quy định công bố thông tin của các quỹ tín thác và công ty hải ngoại.

Cơ sở dữ liệu ICIJ mới công bố ngày 9-5 chứa thông tin cơ bản về hơn 200.000 công ty và quỹ tín thác được lập tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm Hồng Công (Trung Quốc) và bang Nevada (Mỹ). Người dùng có thể tìm kiếm mạng lưới liên quan các công ty hải ngoại, bao gồm các hồ sơ nội bộ của Hãng luật Mossack Fonseca về các chủ sở hữu đích thực.

Cơ sở dữ liệu cho thấy một số quốc gia nhỏ ở Nam Thái Bình Dương đã trở thành thiên đường các công ty và quỹ tín thác hải ngoại. Chẳng hạn, Niue, dân số chỉ khoảng 1.200, có gần 10.000 công ty và quỹ tín thác được lập. Samoa, dân số 200.000 người, có hơn 13.000 công ty và quỹ tín thác. Quần đảo Cook, dân số 10.000 người, có hơn 500 công ty và quỹ tín thác...

Báo cáo của ICIJ cho biết, khối lượng lớn giao dịch từ năm 2005 đến 2015 Mossack Fonseca lập hơn 100.000 quỹ tín thác và công ty hải ngoại - có thể đã gây khó khăn cho Mossack Fonseca trong việc theo dõi nguồn gốc và các hoạt động của mọi khách hàng.

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục