''Hồ sơ Panama'' chứa gì?

(SGGPO).- Ngày 3-4, hơn 100 phương tiện truyền thông thế giới gây chấn động khi đồng loạt công bố thông tin về tài sản bí mật của nhiều nhà lãnh đạo và người nổi tiếng khắp thế giới, từ kho tài liệu khổng lồ bị rò rỉ gọi là ''Hồ sơ Panama''.
''Hồ sơ Panama'' chứa gì?

(SGGPO).- Ngày 3-4, hơn 100 phương tiện truyền thông thế giới gây chấn động khi đồng loạt công bố thông tin về tài sản bí mật của nhiều nhà lãnh đạo và người nổi tiếng khắp thế giới, từ kho tài liệu khổng lồ bị rò rỉ gọi là ''Hồ sơ Panama''.

''Hồ sơ Panama'' là gì?

Sueddeutsche Zeitung, tờ báo ở Munich, Đức, hơn một năm trước đã nhận được từ một nguồn tin giấu tên kho tài liệu khổng lồ từ cơ sở dữ liệu nội bộ của công ty luật Mossack Fonseca ở quốc gia Trung Mỹ Panama.

Đây là một trong những vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất thế giới. Hồ sơ Panama bao gồm khoảng 11,5 triệu tài liệu, tương đương 2,6 terabyte dữ liệu, nhiều hơn cả toàn bộ dữ liệu từ các vụ rò rỉ tài liệu mật lớn khác trước đây là Wikileaks, Offshore Leaks, Lux Leaks và Swiss Leaks.

Kho tài liệu, gồm email, tập tin PDF, tập tin hình ảnh liên quan 214.000 công ty vỏ bọc hải ngoại từ giữa thập niên 1970 đến năm 2016, đã được Süddeutsche Zeitung chia sẻ với Hiệp hội Quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) và hơn 100 tờ báo ở gần 80 quốc gia. Gần 400 nhà báo đã nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu trong một năm qua trước khi đồng loạt công bố ngày 3-4.

Tòa nhà Arango Orillac nơi hãng luật Mossack Fonseca đăt trụ sở ở Panama City, Panama. Ảnh: AP

''Hồ sơ Panama'' chứa gì?

''Hồ sơ Panama''
phơi bày tài sản của nhiều người, từ các nhà lãnh đạo thế giới hiện tại và trước đây đến các tỷ phú, từ những người nổi tiếng đến các ngôi sao thể thao... cùng chi tiết các giao dịch tài chính bí mật của hơn 128 chính trị gia và quan chức khắp thế giới, bao gồm ít nhất 33 cá nhân và công ty bị Chính phủ Mỹ liệt vào các danh sách đen vì những hoạt động bất hợp pháp như kinh doanh với các trùm ma túy Mexico, các nhóm khủng bố hoặc với các quốc gia bị trừng phạt như CHDND Triều Tiên và Iran.

Các ngân hàng lớn thuê các hãng luật như Mossack Fonseca quản lý tài chính cho khách hàng giàu có của họ. Các ngân hàng cũng đứng sau việc lập những công ty vỏ bọc hải ngoại khó lần ra dấu vết ở những thiên đường thuế. Commerzbank, HSBC và Societe Generale nằm trong số khách hàng của Mossack Fonseca. Hồ sơ Panama có tên 29 tỷ phú trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes.

Tài liệu rò rỉ cho thấy cách những người nổi tiếng và giàu có khai thác công ty vỏ bọc hải ngoại và tiết lộ một mô hình chưa từng thấy của tham nhũng trên toàn cầu trong 40 năm qua, bao gồm những âm mưu của các đại gia ngân hàng lập những công ty khó lần ra dấu vết.

''Hồ sơ Panama'' cho thấy cách một ngành công nghiệp toàn cầu của đại gia ngân hàng, hãng luật, công ty quản lý tài sản, bí mật quản lý tài sản của các chính trị gia, người giàu có và nổi tiếng trên thế giới.

Mossack Fonseca làm gì?

Hãng luật trụ sở tại Panama này chuyên về luật thương mại, dịch vụ ủy thác, tư vấn đầu tư và doanh nghiệp quốc tế. Mossack Fonseca là nhà cung cấp lớn thứ tư thế giới về dịch vụ hải ngoại, có mạng lưới toàn cầu với 600 người làm việc tại 42 quốc gia khắp thế giới.

Mossack Fonseca hoạt động chủ yếu tại các thiên đường thuế, đã đăng ký hơn 300.000 công ty, quỹ, hội khắp thế giới, trong đó khoảng một nửa ở quần đảo Virgin thuộc Anh, còn lại ở Panama, Seychelle, Bahama, Samoa... Phần lớn công ty này chỉ tồn tại trên giấy và không có văn phòng hay nhân viên nào.
Theo tài liệu rò rỉ, chỉ từ giữa năm 2007 đến giữa năm 2015, hoạt động quản lý tài sản nội bộ của Mossack Fonseca đã xử lý hơn 4.700 giao dịch với ít nhất 1,2 tỷ USD của khách hàng.

Công ty vỏ bọc hải ngoại là gì?

Còn gọi công ty lá chắn, một trong những hình thức được sử dụng làm phương tiện cho các giao dịch tài chính khác nhau mà không có tài sản hoặc hoạt động đáng kể. Nó cũng có thể là một công ty "ngủ đông" chờ được sử dụng trong tương lai.

Công ty vỏ bọc hải ngoại hầu hết đăng ký ở các quốc gia cung cấp các điều kiện miễn thuế cũng như lỏng lẻo yêu cầu công bố cổ đông, giám đốc và quan trọng nhất là lỏng lẻo yêu cầu công bố chủ sở hữu thực sự của công ty. Chi phí lập một công ty vỏ bọc hải ngoại từ 200-2.000 USD, loại hình công ty phổ biến là "đầu tư" và "quản lý tài sản".

Công ty vỏ bọc hải ngoại là phương tiện hoàn hảo để chuyển tiền lớn qua biên giới không để lại dấu vết. Những năm gần đây, Nga và Trung Quốc đã tìm cách thu hồi hàng tỷ USD do các quan chức tham nhũng chuyển ra nước ngoài bằng cách này.

Công ty vỏ bọc hải ngoại không phải bất hợp pháp. Có nhiều lý do chính đáng để lập công ty vỏ bọc hải ngoại. Doanh nghiệp chuyển tài sản ra nước ngoài vì nhiều lý do khác nhau, như để bảo vệ khỏi bị tội phạm tấn công, để tránh những giới hạn tiền tệ trong nước, hoặc vì lý do thừa kế hay lập kế hoạch tài sản.
Tuy nhiên, công ty vỏ bọc hải ngoại thường được sử dụng làm nơi trốn thuế hay gian lận, chẳng hạn lập một công ty vỏ bọc "rỗng" lấy tên tương tự một tên thực, sau đó đẩy giá lên và bán lại.

Mossack Fonseca nói gì?

Mossack Fonseca bảo vệ hoạt động của mình và phủ nhận các cáo buộc hoạt động bất hợp pháp. Công ty nói sẽ không thảo luận về các trường hợp cụ thể bị cáo buộc sai trái, với lý do bảo mật khách hàng. Mossack Fonseca nói công ty tuân thủ luật chống rửa tiền và thẩm định kỹ lưỡng tất cả khách hàng. Công ty nói lấy làm tiếc vì bất kỳ sự lạm dụng dịch vụ của mình và nỗ lực ngăn chặn. Công ty cho biết không thể đổ lỗi cho những thực thể trung gian, bao gồm các ngân hàng, công ty luật và kế toán.

''Hồ sơ Panama'' có thể đem lại hậu quả gì?

Luật pháp mỗi quốc gia khác nhau, việc xử lý có thể khác nhau và theo các công ước quốc tế liên quan. Nhưng hậu quả chính trị đã bắt đầu. Một nhà lãnh đạo có tên trong Hồ sơ Panama với cáo buộc liên quan các công ty vỏ bọc hải ngoại là Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson đang phải đối mặt những kêu gọi bầu cử sớm, The Guardian cho biết.

GIA HY

>> ''Hồ sơ Panama'' tiết lộ gây chấn động về tham nhũng của các nhà lãnh đạo thế giới

Tin cùng chuyên mục