Khoa học công nghệ ở ĐBSCL – những vấn đề đang đặt ra

Bài 5: Thất thoát - Nỗi khổ của nhà nông

Bài 5: Thất thoát - Nỗi khổ của nhà nông

Hiện nay, sản xuất hàng hóa nông sản của nước ta còn đứng trước nhiều khó khăn. Sau những gánh nặng về giống, vốn, phân bón và kỹ thuật canh tác, nhà nông còn phải đối mặt với tình trạng thất thoát sau thu hoạch. Đây là nỗi khổ thật sự, vì chỉ tính “sơ sơ” tổn thất lúa gạo, mỗi năm nước ta mất hơn 3.000 tỷ đồng.

  • Lúa gạo và rau quả: thất thoát rất lớn

Theo Bộ NN-PTNT, tổn thất sau thu hoạch đối với lúa gạo của Việt Nam vào loại cao nhất châu Á: 9% - 17%, có lúc 30%. Dù được mệnh danh là cường quốc xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, nhưng giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn thường thấp hơn gạo cùng loại trên thị trường thế giới (ví dụ như thấp hơn gạo Thái Lan 10-20 USD/tấn).

Bài 5: Thất thoát - Nỗi khổ của nhà nông ảnh 1
Vận chuyển gạo xuất khẩu ở Nông trường Sông Hậu.

Những thị trường nhập khẩu gạo cao cấp trên thế giới vẫn do Thái Lan nắm giữ có liên quan không ít đến quá trình áp dụng công nghệ sau thu hoạch ở nước ta.

Các nhà khoa học cho biết, ĐBSCL là vùng có tỷ lệ tổn thất cao nhất nước. Năm 1999, khu vực này sản xuất gần 17 triệu tấn lúa. Với mức thất thoát 20%, ĐBSCL mất 3 - 3,5 triệu tấn lúa. Do 1% thất thoát làm thiệt hại khoảng 7 triệu USD nên hàng năm nước ta mất xấp xỉ 140 triệu USD.

Không chỉ có vậy, thất thoát sau thu hoạch còn ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nông dân và của quốc gia. Ví dụ như với sản lượng 2 triệu tấn lúa/năm, nếu TP Cần Thơ giảm được một nửa mức tổn thất, nông dân sẽ thu thêm khoảng 40 tỷ đồng/năm.

Không chỉ có lúa gạo, rau, quả cũng chịu nhiều mất mát do sản phẩm không được sơ chế, bảo quản và tiêu thụ kịp thời. Việc thiếu công nghệ bảo quản phù hợp; yếu kém và không đồng bộ trong kiểm dịch, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... cũng đã hạn chế đáng kể lượng rau quả xuất sang thị trường các nước phát triển.

Việt Nam hiện có gần 400.000ha rau, gần 600.000ha cây ăn quả, sản lượng 4 triệu tấn/năm. Nhưng theo đánh giá của các nhà khoa học, sản xuất và tiêu thụ rau quả ở Việt Nam vẫn ở dạng quy mô hộ gia đình, rất ít trang trại sản xuất rau quả chuyên canh, quy mô lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu. Phần lớn rau quả ở Việt Nam được sử dụng dưới dạng tươi sống. Năng lực chế biến chỉ khoảng 200.000 tấn/năm (tương đương 5% sản lượng), chủ yếu là các loại rau quả đóng hộp, nước quả đóng lon. Tổn thất sau thu hoạch đối với các loại quả hơn 25% và đối với các loại rau hơn 30%.

  • Công nghệ thu hoạch, chế biến... đều kém

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát sau thu hoạch. Đó là do nông dân thiếu sân phơi. Việc thu hoạch thường rộ mùa, thiếu nhân công nên để lúa chín rục lâu ngày mới gặt. Theo các nhà khoa học, khi phơi lúa qua đêm, độ ẩm gạo tăng do hút sương; ngày nắng, nhiệt độ cao, độ ẩm giảm quá mức làm hạt gạo rạn vỡ từ trong vỏ lúa, khi xay xát bị gãy hơn 60%. Lúa để chín khô lâu ngày, gạo bị dòn độ ẩm thấp xuống, tỷ lệ gạo vỡ cũng cao. Tỷ lệ gạo gãy càng cao, giá bán càng thấp.

Rau quả cũng vậy, thu hoạch không đúng độ chín là chuyện xảy ra thường xuyên, bởi việc này phụ thuộc rất nhiều vào thị trường và thời tiết. Quá trình thu hoạch chưa được cơ giới hóa, thiếu cách thu hoạch thích hợp với từng loại rau, quả, khiến chúng bị tổn thương cơ học và độ thối rửa cao. Đặc biệt, việc phân loại, sơ chế và vận chuyển thường không đảm bảo do thiết bị đóng gói kém. Ngoài ra, giống cũng là nguyên nhân làm cho tỷ lệ thất thoát cao.

Hầu hết giống lúa hiện nay đều rất dễ rụng hạt khi đã chín. Ngược lại, cũng có một số giống hạt lúa lại bám quá dai, cho vào máy suốt cũng không làm rơi ra hết, thế là lúa cứ lẫn vào trong rơm mà thất thoát đi. Thân cây lúa trong vụ hè-thu cũng rất dễ ngã đổ khi gặp mưa gió, khiến cho việc sử dụng các loại máy móc thu hoạch lúa trong vụ này rất khó thực hiện được.

Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp đã nghiên cứu, chuyển giao một số công nghệ sau thu hoạch đến nông dân nhằm giảm thất thoát. Đồng thời đẩy mạnh cải tiến giống lúa; cơ khí hóa sản xuất. Theo ông Nguyễn Kim Vũ, Viện phó Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch, những công đoạn sau thu hoạch đã có mặt ở Việt Nam không thua kém một số nước trong khu vực, nhưng vấn đề là cần ghép nối chúng lại thành một khâu hoàn chỉnh khép kín để sản phẩm từ đồng ruộng được quan tâm phân loại, áp dụng các công nghệ bảo quản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị của sản phẩm, đặc biệt là mặt hàng rau quả.

Hiện nay, ĐBSCL có gần 3.000 máy gặt, máy tuốt cơ khí và 3.600 máy sấy. Thế nhưng, năng lực máy sấy đáp ứng không quá 20% nhu cầu, đặc biệt là cho vụ hè-thu tại ĐBSCL. Việc bảo quản tập trung, sử dụng các giải pháp tiên tiến ít được chú trọng nghiên cứu và triển khai, mà chủ yếu vẫn dùng các biện pháp truyền thống, như trong bồ, cót quây, thùng, chum...

Thêm vào đó, trên thế giới không có quốc gia nào sấy gạo, ngoại trừ Việt Nam. Lúa phơi không đủ nắng cho ra gạo ướt dùng cho xuất khẩu, gạo có độ ẩm cao, khi qua hệ thống sấy, hạt gạo bị nát và xỉn màu, chất lượng rất kém. Ngoài ra, kho bãi bảo quản cũng là một vấn đề nan giải. Mỗi năm sản lượng lương thực ở ĐBSCL hơn 17 triệu tấn nhưng toàn vùng chỉ có một cụm silo bảo quản và tồn trữ lúa gạo có công suất 30.000 tấn. Còn lại, nông dân tự bảo quản bằng phương tiện thủ công thô sơ. 

Kết quả điều tra của Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) cho thấy tỷ lệ thất thoát và hao hụt trong quá trình thu hoạch, bảo quản và chế biến ở nước ta vẫn còn khá cao. Cụ thể:

- Thất thoát trong khâu cắt gom từ 1,5% - 2% (đông-xuân) đến 3,5% - 4% (hè-thu) - vụ hè-thu tổn thất nhiều do thường gặp mưa, bão, lũ lụt.

- Thất thoát trong khâu suốt lúa khoảng 0,8% - 1% (đông-xuân) và 1,8% - 2% (hè-thu). Nhất là suốt lúa vào những ngày có mưa, lúa bị ướt sẽ theo rơm ra ngoài rất nhiều và hạt chưa rụng khỏi bông khi suốt cũng như rơi vãi trong quá trình vận chuyển lúa lên máy suốt.

- Thất thoát trong khâu phơi sấy khoảng 0,5% - 7% (đông-xuân) và 1,2% - 1,4% (hè-thu).

- Thất thoát trong khâu bảo quản khoảng 1,9% - 2% trong cả 2 vụ đông-xuân và hè-thu do chuột, côn trùng, sâu mọt.

- Thất thoát trong khâu xay xát khoảng 7% - 12% từ những máy xay lưu động, chủ yếu do những máy này làm gạo bị gãy nhiều.

Bài 1: Lỏng lẻo liên kết “4 nhà”
Bài 2: Ngổn ngang giống lúa 
Bài 3: Trái cây - thua do đâu?
Bài 4: Loay hoay với tôm, cá
  

Tin cùng chuyên mục