"Nín thở" sống giữa cồn An Lạc

"Nín thở" sống giữa cồn An Lạc

Câu chuyện đời ông, nói đúng hơn là số phận của 3 thế hệ gồm 17 người đã làm tôi xúc động. Không hẳn vì họ nghèo khổ, cũng chẳng phải vì họ sống cô độc nơi cồn An Lạc - ngay giữa lòng thị xã Đông Hà (Quảng Trị) - mà vì họ đã bị “tước mất’’ quyền công dân của mình suốt 30 năm qua.

  • An Lạc nhưng cư không “an”, nghiệp không “lạc”

"Nín thở" sống giữa cồn An Lạc ảnh 1

“Phía sau” sự nghèo khổ của gia đình ông Hùng là chợ Đông Hà giàu sang.

Ông Nguyễn Văn Hùng, “chủ nhân” của cồn An Lạc và “thủ lĩnh” một đại gia đình hẹn chúng tôi tại mép sông gần chợ Đông Hà rồi dùng ghe chở ra thăm nơi ở. “Suốt 30 năm sống ở đây, các anh là những vị khách đầu tiên tới thăm chúng tôi” - ông nói với giọng buồn bã.

Quả thật, dẫu đã được ông báo trước nhưng lúc thấy chúng tôi, cả nhà cứ nháo nhác. Vợ ông tìm chiếc áo dài tay mặc thêm vào người. Phương - con trai ông Hùng - hối vợ chèo xuồng sang chợ mua gói thuốc về mời khách.

Đàn cháu nội, ngoại gần 10 đứa áo quần lấm lem, hiếu kỳ nhưng có vẻ sợ sệt níu chặt tay người lớn. Không khí nhà ông bỗng dưng rộn ràng. Ngồi dưới mái nhà tôn thấp tè nóng bức, chúng tôi nghe ông Hùng kể về những khúc đoạn trầm luân của gia đình.

Tổ tiên ông làm nghề chài lưới có gốc gác ở Triệu Thành (huyện Triệu Phong, Quảng Trị), vì mưu sinh nên phải lưu lạc theo ngọn nguồn sông nước. Dân chài lưới thường sống quần tụ với nhau, lập nên các vạn chài cùng đỏ đèn lúc trời tối.

Trước và sau năm 1975, gia đình ông sống tại vạn chài phường 4, thị xã Đông Hà. Những năm đói kém, không ít hộ phải chịu cảnh tha phương cầu thực. Với tâm nguyện rời bỏ cảnh sống lay lắt trên thuyền, gia đình ông mang theo tấm hộ khẩu cũ nát tìm về cồn An Lạc (phường 1).

Dẫu không thuần thục với canh nông, ông cũng cần mẫn khai phá đất đai, trồng ngô trỉa đậu. Mấy người con thì chú tâm theo nghề chài lưới để kiếm con cá, con tôm đổi lấy gạo nuôi sống qua ngày. Rồi con cái ông kiếm vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái. Cuộc sống cứ ngày nối tháng theo năm trôi đi giữa dòng đời tấp nập...

Cả 10 người con của ông đều thất học, còn ông thì 30 năm qua không được tham dự một lần hội họp nào, thậm chí là đi bầu cử. Có lần ông thấy tức tối, nhờ người dắt đến trụ sở UBND phường 1 đòi quyền lợi thì họ bảo hộ khẩu của gia đình ông xưa nay đăng ký tại phường 4. Lên phường 4 hỏi thì cán bộ phường dửng dưng bảo ông không cư trú tại địa bàn. Vậy thì gia đình ông đang sống ở đâu?

Dù băn khoăn với câu hỏi này nhưng rồi trước cuộc mưu sinh nhọc nhằn, ông cũng không đủ thời gian, tâm sức mà tìm kiếm công bằng cho bản thân và con cháu của mình. Nỗi niềm canh cánh trong lòng ông Hùng là tương lai của gần chục đứa cháu. Ông nói mà rơm rớm nước mắt: “Đời tôi coi như bỏ, 10 đứa con cũng bỏ. Chỉ thương mấy đứa cháu, chúng có tội tình chi mà phải chịu cảnh mù chữ suốt đời”.

  • Đói cơm, đói chữ...

Ngôi nhà của ông nằm đơn độc giữa cồn An Lạc nhưng lại rộn ràng như một xóm nhỏ. Từ mép sông vào nhà khoảng 30 mét nhưng thấy chật chội bởi lưới chài, nơm đó... Dù đã xế trưa, bọn trẻ vẫn chưa có miếng gì lót dạ. Chúng cứ hau háu nhìn ra bến sông đợi mẹ đi chợ về.

Tôi hỏi bà Hường (vợ ông Hùng) sao không nấu cơm cho bọn trẻ thì được bà giải thích: “Một ngày chỉ ăn hai bữa. Một bữa từ sáng sớm để cha mạ nó đi bủa lưới, buổi trưa chỉ ăn quấy quá vài cái kẹo, đợi đến chiều tối mới có cơm”.

“Vậy chúng không đi học à”? Tôi buột miệng hỏi thì bị ông Hùng trách cứ: “Đã bảo với chú rồi, cả nhà chỉ có 1 đứa con của thằng Phương đi học lớp 2, còn lại mù chữ cả. 10 đứa con của tôi - kể cả vợ chúng - không có ai biết một chữ đui. Tôi thì biết đọc trọ trẹ đôi câu nhưng dạo ni cũng quên mất”!

Tôi hỏi Phương (sinh năm 1974) bằng cách nào lấy được vợ, cậu cười hiền lành bảo rằng cả hai cùng đi làm nghề trên sông, quen nhau gần gũi rồi nên vợ nên chồng. “Tụi em thương nhau thì về ở rồi đẻ con, chứ có đăng ký kết hôn gì đâu”, Phương chép miệng nói. Dường như tôi đã chạm phải niềm đau ẩn khuất của một chàng trai đã bước qua tuổi “tam thập nhi lập” nhưng không biết gì hơn ngoài công việc đánh cá và gia sản duy nhất là bà vợ với 3 đứa con.

Ông Hùng vẫn đau đáu một tâm nguyện là bản thân mình được tham gia vào các hoạt động của xã hội và đàn cháu được học hành. Ông nói: “Xem đài, chúng tôi được biết nhà nước có nhiều chính sách chăm lo cho người nghèo nhưng gia đình tôi có được tham gia chuyện gì đâu. Lũ lụt, mưa gió, vợ chồng con cái chỉ cắn răng ôm nhau nhịn đói chứ biết kêu xin ai. Tội nghiệp nhất vẫn là mấy đứa cháu. Chúng thèm đi học nhưng làm chi có đủ tiền để vào bờ mà trọ học”.

Tôi hỏi bọn trẻ: “Các cháu muốn đi học không”. Không ai bảo ai, chúng đồng thanh đáp: Dạ muốn! Tôi viết lên trang giấy chữ A rồi bảo các cháu đọc theo, chúng ngoan ngoãn đọc say sưa. Nhìn thấy sự khát khao “con chữ” của bọn trẻ, lòng tôi nhói đau!

  • Đời người lay lắt giữa đời sông…

Cồn An Lạc không cách xa đất liền là mấy. Từ mép sông nhà ông, muốn sang chợ Đông Hà chỉ mất 50 nhịp chèo. Vậy mà suốt 30 năm qua, gia đình ông phải chịu cảnh sống tuồng như trên hoang đảo, chưa có một tổ chức đoàn thể nào quan tâm đến.

Ông Hùng kể về trận lũ năm 1999, nhà ông nước ngập đến mái, mọi người chen nhau lên hai chiếc xuồng đã được ông neo chặt vào thân cây và dùng dây cột chặt lấy nhau, phòng khi lũ cuốn trôi thì khỏi thất lạc xác. Trận lũ qua đi nhưng vẫn neo lại trong tâm trí ông sự khủng khiếp khi đối mặt giữa sự sống và cái chết, ông thấy kinh sợ với sông nước và muốn được lên bờ.

Cồn An Lạc mấy năm trở lại đây bị xói lở nhiều và khả năng không bao lâu nữa sẽ xói lở đến chân nhà. Ông giật thót mình: “Lúc đó chúng tôi sống ở đâu nhỉ”? Tôi nghe mà chỉ biết lặng im bước đi. Sóng ở mép sông vẫn ầm ào vỗ làm những thớ đất ngã sụp. Tôi biết sông đang quần thảo theo vòng xoáy của tạo hóa để đi hết một đời sông. Riêng cuộc đời ông Hùng và con cháu ông thì sao?

Phương chở chúng tôi qua sông. Trước mặt tôi là chợ Đông Hà duyên dáng, xa hơn là chốn thị thành tấp nập giàu sang… Nhưng phía sau chúng tôi là sự sống lắt lay của hơn chục phận người, đang “nín thở” để tồn tại với tháng năm dài rộng.

HỒ NGUYÊN KHA

Tin cùng chuyên mục