Về vùng “đất Trạng”

Về vùng “đất Trạng”
Về vùng “đất Trạng” ảnh 1

Thế hệ học sinh Hoằng Lộc hôm nay

Xã Hoằng Lộc (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) nổi tiếng không chỉ bởi là nơi “phát tích” của Truyện Trạng Quỳnh mà còn là vùng đất học. Dưới các triều đại phong kiến, Hoằng Hóa có 12 vị đại khoa, trong đó có 7 tiến sĩ được ghi trên bia đá tại Văn miếu Quốc tử giám. Từ năm 1945 đến nay, Hoằng Hóa có 26 tiến sĩ, 8 giáo sư - phó giáo sư, 21 thạc sĩ, trên 600 người đã và đang học đại học. Có gia đình 4 con là tiến sĩ, mỗi năm xã có 25-30 học sinh đỗ đại học...

  • Từ người trông coi bảng Môn Đình

Cụ Nguyễn Văn Tỵ, 79 tuổi, người trông coi bảng Môn Đình, cho biết:  “Bảng Môn Đình được xây dựng từ thời Lê (khoảng cuối thế kỷ XV) và đã được xếp hạng Di tích Văn hóa - lịch sử quốc gia. Đây không chỉ là nơi thờ Thành hoàng làng mà còn là nơi quy tụ, vinh danh những người đỗ đạt, thành tài của làng. Mỗi năm vào tháng giêng, đây là nơi những người con đỗ đạt của làng trở về vinh quy bái tổ”. Bảng Môn Đình có tục lệ đặc biệt là “trọng khoa hơn trọng hoạn” (trọng người đỗ đạt, có học vị hơn người phẩm trật, quan tước).

Giai thoại kể rằng, có một vị quan có phẩm tước lớn nhưng đỗ đạt không bằng một số vị khác nên vào đình phải ngồi chiếu dưới. Vị này không bằng lòng, muốn dân làng đổi tên “bảng Môn Đình” thành một tên khác với ý muốn đưa người có quan tước, phẩm trật lên trước. Làng ra điều kiện nếu vị này đối được vế đối do làng đưa ra thì đổi, còn không thì vẫn giữ nguyên. Cụ Tỵ mỉm cười: “Làng tôi phần đông đều hay chữ nghĩa, cả tập thể tập trung lại nên vị quan ấy không thể không vui lòng ngồi chiếu dưới”.

Tại bảng Môn Đình có vinh danh 12 vị đại khoa. Trong số này, có 7 vị được khắc tên trên bia đá ở Văn miếu Quốc tử giám như: Nguyễn Nhân Lễ, Nguyễn Thanh, Nguyễn Sư Lộ,… Theo thống kê chưa đầy đủ, dưới triều Lê-Mạc, Hoằng Lộc có 149 người đỗ Hương cống, Hương tiến; dưới triều Nguyễn có 37 người đỗ Hương cống, cử nhân, 140 tú tài… Bảng Môn Đình có đôi câu đối: “Địa vị quân tử hương, thanh danh sở tụy/Nhân tại văn hiến ấp, phong tiết từ trì” (tạm dịch: Đất sinh người quân tử tiếng tăm tụ hội/Người ở làng văn hiến khí tiết vững bền). Trong đình có một chiếc trống đại (còn gọi là trống Cù) ngày trước là lớn nhất vùng. Mỗi khi tiếng trống vang lên, khắp hang cùng ngõ hẻm người dân đều nghe thấy và biết rằng có người vừa “vinh quy bái tổ”.

  • Đến chủ tịch Hội khuyến học xã

Ông là Nguyễn Văn Kỳ. Vừa giới thiệu về việc học của xã, ông Kỳ vừa khoe: “Những năm gần đây, Hoằng Lộc mỗi năm có từ 25-30 học sinh đỗ đại học. “Trội” hơn trong thời gian qua, em Nguyễn Phi Lê đã đoạt HCB môn Toán Olympic châu Á- Thái Bình Dương, em Bùi Lê Na đoạt HCĐ Lý quốc tế, Bùi Thị Loan, giải nhất môn Văn toàn quốc… Toàn xã có 3 gia đình có 5 con đại học, 7 gia đình có 4 con đại học, 41 gia đình có 3 con đại học, còn gia đình có 2 con đại học thì… thống kê chưa đầy đủ! Sau 2 nhiệm kỳ làm chủ tịch xã, nghỉ hưu là ông Kỳ nguyện đi làm khuyến học. Ông phấn khởi: “Xã còn những 236 hộ nghèo nhưng chúng tôi có trên 600 con cháu đã và đang học đại học, chưa kể cao đẳng và trung cấp”. 

Từ năm 1945 đến nay, Hoằng Lộc có 26 tiến sĩ, 8 giáo sư và phó giáo sư, 21 thạc sĩ… mỗi người thành danh ở mỗi lĩnh vực. GS–TS Nguyễn Xuân Đặng,  người có nhiều thành tích trong đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh, có đóng góp trong xây dựng đồ án thiết kế nhiều công trình thủy lợi lớn của đất nước. GS Nguyễn Bính đã từng cầm súng thời kháng chiến chống Pháp, sang thời chống Mỹ trở thành cán bộ giảng dạy tại ĐH Bách Khoa. Ông đã cùng một nhóm nhà khoa học chế tạo thành công thiết bị phát xung làm vô hiệu hóa hoặc gây nổ thủy lôi có điều khiển và bom từ trường.

GS-TS Nguyễn Xinh, người có nhiều sáng tác, công trình nghiên cứu lý luận về lịch sử âm nhạc dân tộc, TS Nguyễn Văn Hùng, TS Nguyễn Song Hoan, TS Nguyễn Thị Bạch Yến, TS Nguyễn Thị Anh Thơ,… Những cái tên ấy giờ đây góp thêm những tấm gương cho thế hệ trẻ ở Hoằng Lộc. Chúng tôi đến thăm nhà cụ Nguyễn Thế Hồng ở thôn Hưng Tiến. Cụ Hồng mất năm ngoái, cụ bà đi thăm con ngoài Hà Nội chưa về. Cụ Hồng có 3 người con và 1 dâu đều là tiến sĩ. Gia đình ông Nguyễn Huy Thanh ở thôn Đồng Mậu cũng có 2 con là tiến sĩ.

  • “Nhìn người xung quanh mà học”

Chúng tôi đến viếng thăm nhà thờ Nguyễn Quỳnh (1677-1748). Đương thời, ông là người có sức học kinh luân, có tài ứng đối, có tư tưởng “phản phong” sâu sắc và tài châm biếm. Người thời ấy từng có câu ví “Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham thiên hạ vô tam”, (Nguyễn Nham, người Thạch Thất, Hà Tây, đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi - 1715). Nguyễn Quỳnh chỉ còn để lại 2 bài phú nổi tiếng là “Kim bạch tài vật phú” và “Cung tần phụ nữ” và một số tác phẩm khác như: “Hành nghĩa ký”, “Từ mẫu đường”, “Khấp đệ cầu”… Xung quanh cuộc đời ông và truyện Trạng Quỳnh vẫn còn nhiều điều đang được nghiên cứu.

“Việc khuyến học ở Hoằng Lộc có gì khác các địa phương khác?”, trả lời chúng tôi, ông Kỳ nói: “Chúng tôi cũng không có gì khác các địa phương khác cả, cũng lập các hội khuyến học ở thôn, họ tộc,... cũng treo thưởng, trao thưởng theo từng thành tích. Nhưng chính yếu có lẽ là xuất phát từ truyền thống quê hương”. Chỉ ông Nguyễn Tiến Ninh ở thôn Bắc Nam, vừa đến thắp hương cụ Nguyễn Quỳnh, ông Kỳ bảo, “ông ấy có 4 người con thì cả 4 đều đại học”. “Ông chắc phải quan tâm các con sát sao lắm?”, ông Ninh cười thật thà: “Nói thật tôi không quan tâm nhiều lắm đâu, tự chúng biết lấy. Tôi chỉ lo cho chúng ăn ngủ, sách vở… Có nói thì tôi chỉ nói với các con “hãy nhìn những người xung quanh mà học, thế thôi”. Chân chất mà cũng đầy khí chất, như câu ca từ xa xưa của vùng quê này: “Trai thời chiếm bảng đề danh/Gái thời dệt vải vừa lanh vừa tài”.

Lê Duy Cường

Tin cùng chuyên mục