Đức giám mục, nhà văn Bùi Tuần

Đức giám mục, nhà văn Bùi Tuần

Ngày 30-4 vừa qua, giáo xứ Long Xuyên đón lễ tưng bừng hơn mọi năm, với cuộc gặp mặt mang nhiều nỗi mừng. Mừng thượng thọ bát tuần, 32 năm giám mục và đón bộ sách “Thao thức” 5 tập của Đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần. Đây là vị giám mục duy nhất của Việt Nam được thụ phong đúng vào ngày 30-4-1975 lịch sử.

Hơn 300 vị khách, đại biểu Ban tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc tỉnh An Giang, Cần Thơ, các linh mục, cựu chủng sinh Long Xuyên, người dự đông đến chỗ ngồi không đủ. Nhà thơ Đình Bảng làm MC luôn thông báo tin tức bên lề: Ngoài hội trường, ở dưới sân có nhiều bà con giáo dân ngồi ở dưới lắng nghe, không khí trang trọng mà quá vui.

MC cũng thông báo tình hình ở quầy bán sách, chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ, số đăng ký lên tới 1.140 bộ. Tổng giám mục Hà Nội mua 50 bộ. Một giáo dân ở TPHCM mua 100 bộ, một Việt kiều ở nước ngoài vốn là cựu chủng sinh Long Xuyên đăng ký mua 1.000 bộ sách. Cứ dựa vào tốc độ này, thì đây có thể coi là một kỷ lục, một bộ sách best seller.

Đức giám mục, nhà văn Bùi Tuần ảnh 1

Đại diện NXB Tổng hợp TPHCM tặng quà Đức giám mục.

“Thao thức” hơn 2.500 trang, tập hợp các bài viết của Đức giám mục trong nhiều năm do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành. Đây không chỉ là cuốn sách, mà còn là tư duy sâu sắc của nhà hiền triết cùng với những trăn trở suy tư của con người hôm nay.

Đúng như Giám mục chánh tòa Long Xuyên Trần Xuân Tiếu phát biểu về Đức giám mục Bùi Tuần, người tiền nhiệm của mình: “Con người giám mục nơi ngài hội tụ nhiều khuôn mặt làm nên một con người đáng cho chúng ta phải khâm phục”. Ngài là một nhà giáo uyên bác, nhà đạo đức có nền tảng nội tâm sâu sắc, nhà văn với tư tưởng thâm sâu với lối hành văn nhẹ nhàng lôi cuốn không thể lẫn lộn với ai khác, một nhà báo luôn đi sát với thời cuộc, một nhà tiên tri...

Trong lời tâm sự, Đức giám mục Bùi Tuần nói lên mối tương quan giữa đạo với đời, giữa sách báo và não trạng của quần chúng, giữa tình yêu và chân lý, tư tưởng và hành động... Đức giám mục cho biết cách đó mấy ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có điện thoại chia sẻ suy nghĩ về các mối tương quan giữa chính trị và tín ngưỡng, giữa sự ổn định chính trị và sự phát triển đời sống đồng bào, giữa Nhà nước và Giáo hội, giữa Việt Nam và Tòa thánh... Thủ tướng cũng có nhã ý muốn đọc bộ sách...

Đức giám mục Bùi Tuần viết rất nhiều. Có người muốn biết đã có bao nhiêu tác phẩm tất cả? Như một cụ già hiền hậu và một thi nhân, Đức giám mục trả lời không nhớ. Có ba thứ cụ không bao giờ nhớ: số điện thoại của mình, tiền để đâu và sách viết ra. Vị giám mục về hưu này một đêm chỉ ngủ có 2 tiếng. Trong căn phòng nhỏ, không biết tác giả đã viết lách ở đâu. Không có vi tính, tất cả đều viết tay trên một tấm gỗ giấu bên dưới mặt chiếc bàn nhỏ có thể kéo ra, đẩy vào. Nó độc đáo đến nỗi nhà báo Khổng Thành Ngọc viết hẳn một bài báo đầy cảm xúc “Từ bàn viết của một cụ già”.

Cụ già ấy hóm hỉnh cầm ngón tay của mình bảo: “Phải trao huân chương cho ngón tay này. Viết nhiều đến nỗi nó không co lại được. Đau lắm”. Trên cái tấm gỗ ấy, cụ viết ra bao cảm nghiệm của mình. “Mà giấy nháp trắng quá viết không ra, phải vàng vàng đục đục quen thuộc với cái nghèo khổ của một quá khứ đau thương của đất nước, xứ sở”.

“Tôi không nhắn riêng cho người Công giáo mà viết cho mọi người thiện chí. Có người bảo: Sao lại khoe cái tôi? Là bởi đây là những cảm nghiệm của tôi”. Cụ kể, thời kỳ sang Đức làm luận án triết học, ông giáo bên ấy bảo, không nên dùng “chúng ta” “người ta”, mà khi nói quan điểm của mình nên dùng “tôi”, phải chịu trách nhiệm lời anh nói.

Một vị giám mục đã tốt nghiệp, đã học triết học nhiều năm: Cử nhân tại Rôm, Tiến sĩ triết 3 năm tại Thụy Sĩ, sang Đức cũng học 1 năm triết... nhưng khởi nguồn lại rất yêu thơ, thích nhạc tiền chiến, dân ca. Cho đến nay cụ vẫn coi “thơ là lương thực của tinh thần”. Ngày còn nhỏ đi học thường dành tiền mua thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, không những học thuộc lòng, cụ còn diễn ra văn xuôi để tập viết câu.

Cụ nói: “Thời kỳ làm thầy giảng mỗi ngày tôi làm một bài thơ định để gửi cho Xuân Diệu”. Trong thơ, có màu xanh nhưng các lá xanh khác nhau ra sao, ban đêm tiếng sáo khác tiếng tiêu thế nào. “Chính những quan sát đó giúp tôi học triết tốt sau này.

Tôi thích quan sát, phân tích, tổng hợp. Việc viết sách của tôi có sự chuẩn bị từ lâu rồi. Chuẩn bị lâu, vốn sống và học”. Những bài cảm nghiệm nhiều, chứ không phải lý thuyết. Cái “gắn liền” nhiều lắm. Gắn lý thuyết với kinh nghiệm, đức tin với thực tế, đất nước với Giáo hội. Nhiều người hỏi nhau: Đức cha đọc sách nào mà viết hay vậy nhỉ. Đó là vốn sống thao thức với thời cuộc mấy chục năm. Không đánh mất mình, tìm sự thật và yêu mến sự khôn ngoan.

Điều gì khiến đức cha thao thức nhất? Đức giám mục Bùi Tuần bảo: Làm sao có sự hòa hợp trong đất nước, trong Công giáo, đó là điều tôi tha thiết nhất. Làm sao dân tộc mình hòa hợp nhau, thương yêu thật sự. Là bởi bản tính người Việt mình cũng có khi hay có sự chia rẽ, ngôi thứ không chan hòa...

Đất nước ta tiềm năng lớn. Làm sao cho nông thôn đừng quá nghèo. Lứa trẻ đừng đánh mất bản thân. Giới trẻ phải có trình độ suy nghĩ nhiều hơn. Đừng quá vay mượn của người khác...

Những câu chuyện lớn về cuộc đời, con người, việc viết lách được nói như lời trò chuyện thật giản dị trong căn phòng của vị giám mục sức khỏe đã giảm sút nhiều. Cụ tự trào: “Khỏe là không bình thường, không khỏe mới là bình thường” và tự tìm nguyên nhân: do đau sầu, hơi nhạy bén, “đau mướn” nỗi đau người khác. Nhớ âm thầm.

“Quê tôi ở Thái Bình. Gia đình gốc nông dân nghèo lắm. Bố đi ở, mẹ đi ở. Bố không đủ tiền nộp thuế bị trói đánh ngoài đình. Thuở nhỏ tôi đã trải qua cảnh cơn bão lớn, nước dâng lên cao, mẹ ôm tôi trên mái nhà nhai gạo sống cho con ăn. Đã có lần tôi thấy lính đi đốt làng, bắt người kẹp chân lên băng ghế, dùng búa đập. Nỗi đau thương của đất nước nó vào thành vết thương đời mình”.

Đức giám mục, nhà văn Bùi Tuần ảnh 2

Đức giám mục, nhà văn Bùi Tuần.

Đức giám mục hay nhà văn? Khi qua Liên Xô, thấy một người cô đơn cầm hòn đá ném xuống dòng sông vẻ mặt thẫn thờ. Sang Đức, vào nhà thờ chính thống vắng vẻ tưởng không có ai, hóa ra trong góc tối có một ông già ngồi khóc.

Tất cả ăn sâu vào lòng thương, sống trong tâm tưởng làm nên tính nhân văn sâu sắc nơi vị giám mục. Có một lần (những năm 80? Đức giám mục không còn nhớ rõ) cụ đã ra Hà Nội tìm đến nhạc sĩ Văn Cao. “Mình thấy nhà Văn Cao cũng nghèo. Chúng tôi trò chuyện: bài Làng Tôi có chịu ảnh hưởng âm nhạc nhà thờ không. Tôi thích bài Đàn chim Việt, Thiên Thai. Những năm ở ngoại quốc, ngồi trên taxi nghe những bài này tôi thường khóc. Văn Cao nói về sáng tác có khi xuất thần lóe ánh sáng bất ngờ. Giống như tôi lóe ánh sáng thiêng liêng khi làm lễ, lúc thường tìm không ra”.

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu còn cho biết chi tiết: sau lần Đức giám mục tìm Văn Cao ấy, do không vào Nam được, Văn Cao muốn đáp lễ, đã đến thăm Đức Hồng y Tụng ở Hà Nội.

Một lần, Đức giám mục Bùi Tuần ra Nha Trang tìm thăm nhà văn Võ Hồng. “Tôi hỏi: trong đời anh nhớ thương ai nhất. Võ Hồng bảo: Vợ tôi. Xưa cô ấy là con nhà giàu, tôi nghèo, cô ấy vẫn bỏ gia đình đến với tôi. Gánh nước sông như người nhà quê”.

Võ Hồng dẫn vị giám mục ra hàng hiên chỉ cho xem chiếc ghế sắt ngày nào ông cũng ngồi nhìn ra biển chờ vợ về, dù vợ ông mất đã lâu rồi...

Những gương sáng tình chung thủy với đất nước, thầy trò, cha con... những câu chuyện cuộc đời được vị giám mục - nhà hiền triết - nhà văn tâm sự hôm đó như chuyện riêng tư kể giữa những người thân yêu.

Những điều đó làm nên sự hấp dẫn và xao xuyến lòng người của một vị giám mục, một nhà văn không đứng trong Hội Nhà văn nào, viết không với chủ đích làm văn học, nhưng đã làm thổn thức rung động bao con tim.

Có thể nghĩ thế này: Vị giám mục này là người “đau khổ vì tình”. Tình đây không phải tình yêu nam nữ. Đó là tình yêu thương đất nước, con người tha thiết nhất. Giá trị nhân văn sâu sắc ấy không tách bạch được trong chức phận cao quý của một vị giám mục và một nhà văn. Đúng như lời Đức giám mục viết ước nguyện của mình: “để sống phúc âm giữa lòng dân tộc... làm một tấm khăn lau, để lau lòng người được bớt đi những mệt mỏi, lo âu, phiền muộn”.

Nguyễn Thị Ngọc Hải

Tin cùng chuyên mục