Bà nội ở làng Hòa Bình

Chữ “tâm” sáng ngời
Bà nội ở làng Hòa Bình

“24 năm gắn bó, trên cương vị là Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ, BS Tạ Thị Chung đã sát cánh cùng ban giám đốc qua các thời kỳ, vượt qua bao khó khăn, thử thách để đưa BV Từ Dũ trở thành một đơn vị hai lần được nhận danh hiệu “Anh hùng lao động” và trở thành một BV phụ sản tuyến đầu của khu vực phía Nam… Chị Hai Chung là điển hình cho người phụ nữ anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ mở đầu câu chuyện về cô Hai Chung như thế!
 
Chữ “tâm” sáng ngời

Bà nội ở làng Hòa Bình ảnh 1

Đã thành thông lệ, lúc trời gần hửng sáng cũng là lúc cô Hai Chung - Phó Chủ tịch hội Chữ thập đỏ BV Từ Dũ kiêm Phó Giám đốc làng Hòa Bình (BV Từ Dũ) có mặt tại phòng làm việc. Sau khi kiểm tra, sắp đặt công việc cho các nhân viên ở bếp ăn dinh dưỡng cho bệnh nhân nghèo xong, bà nội (cách gọi của những đứa trẻ ở làng Hòa Bình đối với cô Hai Chung) lại tất tả cùng các nhân viên ở làng Hòa Bình đi kiểm tra sức khỏe, đánh thức những đứa trẻ dậy làm vệ sinh, ăn sáng, đi học…

Về làng Hòa Bình, cô Hai Chung tâm sự: “BV Từ Dũ là nơi đời cho nhiều đứa trẻ nhưng không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng được may mắn. Có những đứa trẻ bị bệnh tật hay do hoàn cảnh gia đình bị bỏ rơi không nơi nương tựa, không người chăm sóc… Xót xa khi chứng kiến nỗi đau này, tôi đã bàn với ban giám đốc BV thành lập nên làng Hòa Bình”.

Dù việc chăm sóc một đứa trẻ đã khó, chăm sóc trẻ bệnh tật, nhiễm chất độc dioxin còn khó hơn nhiều nhưng với tình nhân ái bao la, 25 năm qua, cô Hai Chung đã cùng các “mẹ” ở làng Hòa Bình nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ cho gần 200 trẻ, hầu hết là trẻ khuyết tật, nhiễm chất độc da cam… Không dừng lại ở đó, cô Hai Chung còn cùng Ban Giám đốc BV Từ Dũ lập ra trung tâm khoa học nghiên cứu tác hại của chất độc dioxin đối với sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, để từ đó cất lên tiếng nói đòi công lý cho các nạn nhân Việt Nam…

Thế nhưng, những kết quả trên vẫn chưa làm cho cô Hai Chung hài  lòng “vì vẫn còn nhiều bệnh nhân nghèo, mình phải làm sao giúp đỡ họ giảm đi nỗi đau”. Ngay sau khi về hưu năm 1998, cô Hai Chung lại sáng lập ra Hội Chữ thập đỏ BV Từ Dũ nhằm giúp đỡ cho các bệnh nhân không chỉ ở trong BV mà cả người nghèo ở vùng sâu vùng xa.

9 năm qua, Hội Chữ thập đỏ BV Từ Dũ, do cô Hai Chung sáng lập đã quyên góp được trên 7,4 tỷ đồng. Số tiền này đã được dùng để khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo, trao suất ăn dinh dưỡng cho bệnh nhân nghèo, cứu trợ đồng bào bão lụt, xây dựng nhà tình nghĩa… Cô Hai Chung cũng là người đồng sáng lập ra “nhà tạm lánh”, dành cho những cô gái mang thai ngoài ý muốn làm chỗ nương thân…

Bà nội ở làng Hòa Bình ảnh 2

Bà nội Tạ Thị Chung hướng dẫn các em làng Hòa Bình tô màu. Ảnh: ĐỨC TRÍ.

Chị Trương Thị Teng - nhân viên làng Hòa Bình cho biết, tất cả nhân viên ở BV Từ Dũ đều kính trọng cô Hai Chung. Khi còn làm lãnh đạo BV, cô Hai Chung sống rất chan hòa, gần gũi với nhân viên. Từ việc những nhân viên có hoàn cảnh khó khăn thiếu ăn, không có chỗ ở, những người không có gia đình, bố mẹ già ở quê... đều được cô Hai Chung và ban giám đốc BV tạo điều kiện giúp đỡ.

Có một chuyện kể về cô Hai Chung hết sức xúc động. Chuyện là, có một anh bảo vệ, vì hoàn cảnh túng quẫn đã làm liều ăn trộm đồ của BV. Khi biết rõ nội tình, cô Hai Chung đã đề xuất ban lãnh đạo BV không đuổi việc mà cho chuyển công tác khác. Sau đó, biết ơn cô Hai Chung và để chuộc lỗi lầm, người bảo vệ này đã phấn đấu làm việc và trở thành chiến sĩ thi đua nhiều năm liền.

“Bà đỡ” của nhiều công trình có ý nghĩa

Trong chuyên môn, bác sĩ Tạ Thị Chung không chỉ “mát tay” mà còn được biết đến trong vai trò là “bà đỡ” cho nhiều công trình khoa học có giá trị như nghiên cứu về chất độc da cam đối với thai nhi, trẻ em; công trình thụ tinh trong ống nghiệm…

Cùng với ban lãnh đạo BV, cô Hai Chung cũng trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia triển khai thực hiện nhiều công trình có ý nghĩa xã hội như chương trình đào tạo nữ hộ sinh thôn bản; xây dựng làng Hòa Bình, mở mái ấm cho người bất hạnh, thành lập Hội Chữ thập đỏ, chương trình dinh dưỡng cho bệnh nhân nghèo, cải tạo sửa chữa và xây dựng BV Từ Dũ…

Những cống hiến thầm lặng của cô Hai Chung đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, góp phần đưa đơn vị trở thành bệnh viện tuyến đầu vững mạnh…

Cô Hai Chung (tên thật là Tạ Thị Chung) sinh năm 1931, ở Bến Tre, xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Chồng là đồng chí Huỳnh Thanh Mua, từng là Chủ tịch tỉnh Bến Tre. 15 tuổi, cô Tạ Thị Chung đã tham gia cách mạng. 19 tuổi, cô Tạ Thị Chung được đứng vào hàng ngũ của Đảng. BS Tạ Thị Chung giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ từ năm 1975 đến 1998. BS Tạ Thị Chung đã được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng II .

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhớ lại, sau ngày miền Nam giải phóng, cơ sở vật chất của BV Từ Dũ lạc hậu. Tầng lớp trí thức của bệnh viện vẫn còn sống trong tâm trạng hoang mang…. Lúc đó, với cương vị là Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc, cô Hai chung trở thành “trung tâm đoàn kết” của BV, đưa tập thể cán bộ công nhân viên BV đồng tâm hiệp lực vượt qua khó khăn.

Thấy cơ sở vật chất trang thiết bị của BV quá cũ kỹ, lạc hậu mà không thể trông chờ nguồn kinh phí của nhà nước, cô Hai Chung cùng ban giám đốc BV thời đó đã tự vận động kiếm nguồn kinh phí từ nhiều nơi để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp. Ngay cả việc xây dựng 5 khu nhà BV và 2 khu làng Hòa Bình cũng chủ yếu bằng kinh phí tự kiếm.

Cô Hai Chung là người biết trọng dụng người tài và luôn ủng hộ cái đúng, cái mới. Khi UBND và Sở Y tế TPHCM có chủ trương mới, cô Hai Chung đã đề xuất xin cho thực hiện thí điểm chương trình phòng khám ngoài giờ.

Với sự quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch, mô hình phòng khám ngoài giờ ở BV Từ Dũ lúc đó đã thành công tốt đẹp. Đời sống cán bộ công nhân viên BV được nâng cao, cơ sở vật chất trang thiết bị được nâng cấp, chất lượng khám chữa bệnh cho người dân tốt hơn… Thấy được sự hiệu quả từ mô hình này nhiều đơn vị khác tới tìm hiểu học tập.

Hơn 33 năm qua, BV Từ Dũ được xem như ngôi nhà thứ 2 của cô có lẽ phần vì công việc, phần vì cái mùi thuốc đã gắn vào máu thịt nhưng hơn tất cả chính là tình cảm của cô với những đồng nghiệp, những bệnh nhân nghèo và những số phận trẻ thơ không may mắn. Đó chính là chất keo gắn bó khiến cô không thể xa rời và không nỡ xa rời!. 

TIẾN ĐẠT

Tin cùng chuyên mục