Mãi lộ lên núi - Bài 1: Ngoạn mục - Ngày và đêm

Không cho “con mồi” thoát
Mãi lộ lên núi - Bài 1: Ngoạn mục - Ngày và đêm

Dọc đường mãi lộ dường như đã trở thành một căn bệnh. Những tưởng sau dịp tết căng thẳng tàu xe, nạn mãi lộ trên các tuyến quốc lộ sẽ tạm yên, nhưng không, nó vẫn tiếp diễn cả ngày lẫn đêm, nửa công khai, nửa lén lút, tinh vi. Mãi lộ không chỉ xuất hiện tại các cung đường tấp nập xe khách qua lại, mà còn “lây lan” đến các tuyến đường cấp xã dưới chân núi Lang Biang. Dai dẳng kéo dài, không thuốc chữa, nạn mãi lộ đang làm băng hoại đạo đức xã hội, kỷ cương phép nước bị xem thường, niềm tin của nhân dân đối với công an, chính quyền giảm sút.

Một ngày đầu tháng 3, khi trời chạng vạng tối, chúng tôi có mặt tại khu vực chân đèo Ngoạn Mục (thuộc xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) - nơi có trạm của Đội Tuần tra kiểm soát giao thông số 1, Công an tỉnh Ninh Thuận đóng quân. Ít phút sau, chiếc ô tô tuần tra màu trắng, biển xanh 85E 0159 có 2 cảnh sát giao thông (CSGT) ngồi trên, nhẹ nhàng lướt qua cổng trạm lượn ra quốc lộ 27, bắt đầu ca tuần tra.

Không cho “con mồi” thoát

Mãi lộ lên núi - Bài 1: Ngoạn mục - Ngày và đêm ảnh 1

Lái xe tải đang chung chi công khai trên đèo Ngoạn Mục (ảnh chụp lúc 13 giờ 45 phút ngày 29-3-2008)

19 giờ 15 phút. Xe ngược đèo khoảng 4km thì dừng lại - nơi có tuyến ống nước Nhà máy thủy điện Đa Nhim chạy qua. Hành trình “làm luật” bắt đầu.

Giờ này là cao điểm xe tải từ Lâm Đồng đổ đèo để chở rau về xuôi, hầu hết các xe mang biển số 49… đều nặng trĩu hàng hóa. Xe tải giờ đây trở thành “con mồi” và dường như không… con nào thoát.

Cứ thấy “con mồi” xuất hiện, xe tuần tra bật đèn vừa chớp, vừa pha buộc xe tải dừng lại. Xe cứ chầm chậm lăn bánh, phụ xe nhanh chân vọt xuống và trình “giấy” (gồm cả giấy đăng kiểm, bằng lái… và tiền).

Hai viên CSGT không cần xuống xe kiểm tra, ngồi trong xe, không cần chào hỏi theo điều lệnh, nhận giấy và trả lại rất nhanh. Trong vòng hai giờ đồng hồ, trừ một ít xe khách, xe tải nhỏ, còn lại hơn 30 xe tải đều phải dừng lại để trình “giấy”.

Đón một xe tải vừa trình giấy xong, chúng tôi hỏi: “Tôi có xe 15 tấn hàng, mới đi lần đầu có qua được không?”. Tài xế trả lời: “Cứ xì 50.000 đồng là qua hết”. Một tài xế khác (xe biển số 85…) đế thêm: “Tài xế chỉ biết chạy, mọi cái đã có chủ xe lo”.

Anh này cho biết, bình thường xe tải chở 8 - 15 tấn là chung 50.000 đồng/lần, xe 20 - 30 tấn thì phải 100.000 đồng/lần, những xe tải nhỏ trọng tải 1 đến 3 tấn (nhưng thường chở lố 3 - 4 tấn) thì chỉ chung 20.000 hoặc 30.000 đồng/lần qua đèo. “Thế xe tôi 8 tấn muốn chung tháng thì sao?”. Tài xế trả lời nhanh như lập trình sẵn: “Xe 8 tấn, chung tháng thì 500.000 đồng. Gặp ở đâu chung ở đó…”.

Đến 21 giờ 20 phút, chiếc xe tuần tra quay đầu xuôi đèo về hướng Phan Rang tiếp tục công việc tuần tra - nhận “giấy”. Như vậy, chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, với hơn 30 xe phải làm luật, nếu tính bình quân một xe 75.000 đồng (có xe 50.000, có xe 100.000) thì hai CSGT đã… thu nhập thêm hơn 2 triệu đồng. Chiếc xe vừa nổ máy chạy thì hàng hàng xe tải có trọng tải nặng phải hơn 20 tấn mới rùng rùng chuyển bánh vượt đèo vì đã thoát chi phí “trình giấy”.

Rạng sáng hôm sau, lúc hơn 5 giờ, chiếc xe tuần tra tối hôm trước lại ra đường, xuôi hướng Phan Rang. Lúc này trời còn tối om. Ngoài đường, xe khách đường dài từ Đà Lạt đi các tỉnh miền Trung và Hà Nội đã bắt đầu tới địa phận Ninh Sơn.

Chiếc xe tuần tra bắt đầu leo lên ngọn núi thuộc đèo Ngoạn Mục. Một phụ xe, đang chờ bốc hàng ngay dốc Cây Khô, nói: “Chẳng có xe tải nào đi qua đèo Ngoạn Mục mà không quá tải, đi lên đi xuống suốt, không chung thì “nó” không để yên…”.

Chúng tôi hỏi có phải trình giấy tờ hay bằng lái gì không vì chúng tôi không mang theo, một bác tài nháy mắt, động viên: “Công an “nó” mà thèm hỏi giấy tờ đâu. Chả có gì phải sợ, cứ đưa tiền xong là đi ngay!”.

Theo chỉ dẫn của các bác tài, chúng tôi đã mật phục và ghi được toàn bộ cảnh mãi lộ trên đèo Ngoạn Mục diễn ra một cách công khai và trắng trợn giữa ban ngày. Xe CSGT số 85P-0555 cứ rà rà, tài xế gặp là chung chi, CSGT không buồn xuống xe, không cần kiểm tra. Và “quy trình công nghệ” đã chuyên nghiệp đến mức tài xế và phụ xe rút tiền trong túi sau bỏ vào trong xe CSGT diễn ra chỉ trong tích tắc 1-2 giây.

Chạy xe bằng biên bản khống!

Một dạng biên bản khống do Thượng úy Lê Công Ánh ký.

Một dạng biên bản khống do Thượng úy Lê Công Ánh ký.

Lên tới phố núi Đà Lạt, la cà mất mấy ngày, chúng tôi đã phát hiện ra có rất nhiều mánh khóe tinh vi mà giới lái xe đã thỏa thuận ngầm với một số CSGT để làm mãi lộ và “độc đáo” nhất là kiểu chạy xe bằng biên bản khống.

Trong vai một tài xế xe khách đường dài bỏ nghề đã nhiều năm, bằng lái xe đã hết giá trị nhưng ở nhà túng quá nên kiếm xe chạy lại, chúng tôi đã được anh N.V.H. - một tài xế xe khách TPHCM - Đà Lạt mách nước rằng chỉ cần bỏ ra 300.000 đồng sẽ có được “lá bùa” thay cho bằng lái, có giá trị khoảng 10 ngày, nếu “chung” 200.000 đồng sẽ chạy được 7 ngày.

Thấy tôi có vẻ chưa tin tưởng lắm, anh H. nói chắc như đinh đóng cột: “Bằng lái của em 8 năm nay có ai hỏi đâu, bằng anh hết hạn cũng không sợ, chỉ cần đọc tên cho công an ghi vào biên bản, không ghi loại gì, cứ cầm biên bản đi, hết lại lấy tiếp”.

Y hẹn, tôi tới đưa cho anh H. 300.000 đồng và sau một ngày đợi chờ trong hồi hộp, đến tối hôm đó chúng tôi đã có trong tay tờ biên bản do CSGT Công an Di Linh lập. Trên góc trái có ghi: Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an huyện Di Linh kèm số sêri ở dưới. Nội dung biên bản ghi: Điều khiển xe 49H-…, đậu xe không đúng nơi qui định (ngã ba)”.

Ở dưới đó mấy dòng, có ghi biện pháp ngăn chặn bảo đảm việc xử lý vi phạm là: “Tạm giữ giấy phép lái xe…”. Biên bản không đóng dấu, yêu cầu 10 ngày sau đến tại Công an huyện Di Linh để giải quyết.

Trên biên bản cũng ghi rõ, người thừa hành công vụ là Thượng úy Lê Công Ánh (Tổ trưởng, Đội CSGT công an huyện) cùng Thượng sĩ Phạm Minh Đức. Biên bản do chính tay Thượng úy Ánh lập, ký tên; trên biên bản cũng không ghi số bằng, loại bằng lái của lái xe bị tạm giữ. Trước khi ra về, Thượng úy Ánh còn không quên dặn lại H. rằng “hết thời hạn nhớ xé bỏ là được”.

Hơn 10 ngày sau, chúng tôi quay lại nhờ anh H. để liên hệ lấy cho một biên bản khác. Và lần này chúng tôi đã được viên thượng úy nọ “bán” cho một cái biên bản mới, nội dung vi phạm và các biện pháp ngăn chặn cũng là “giữ giấy phép lái xe”, hẹn 10 ngày sau đến giải quyết.

Và lần này theo đúng yêu cầu, biên bản có đóng dấu “Đội CSGT Công an huyện Di Linh” hẳn hoi. Để giữ bí mật, viên thượng úy chỉ ầm ừ không rõ thành câu mỗi khi chúng tôi hỏi. Mọi việc diễn ra cũng rất nhanh như họ “nhận giấy” khi tuần tra. Tiền trao qua là biên bản trao lại và hai bên tạm biệt ngay.

Đúng theo quy định thì khi vi phạm, CSGT sẽ lập biên bản và ghi rõ tạm giữ bằng lái, ghi ngày hẹn để lái xe đến xử lý, lấy lại bằng. Vì đã có sự thông đồng của CSGT nên dù trên biên bản ghi “tạm giữ giấy phép lái xe” nhưng thực tế CSGT có kiểm tra bằng lái bao giờ đâu và cũng chẳng cần kiểm tra rồi giữ cho mệt.

Còn tài xế không phải lo bị CSGT bấm lỗ bằng lái, không lo bị CSGT giữ bằng. Nghĩa là khỏe cho cả hai bên. Mỗi tháng chỉ cần bỏ ra khoảng 900.000 đồng cho 3 cái biên bản là đảm bảo cho xe lăn bánh trên đường.

Bởi vậy, có tài xế không có bằng lái vẫn chạy xe khách, xe tải đường hoàng; thậm chí không cần bằng lái như H. hoạt động nghiệp vụ vận tải hành khách nhiều năm nay có ai hỏi tới đâu. Còn khả năng xảy ra tai nạn giao thông thì… chỉ có trời mới biết!!

Tổ PVĐT

Tin cùng chuyên mục