Chuyện kể thời bình

Chuyện ngày xưa
Chuyện kể thời bình

Chuyện ngày xưa

Năm 1979, anh Vũ Xuân Thuộc về quê và lập gia đình với cô giáo Nguyễn Thị Bài, chưa lâu thì được lệnh điều động lên biên giới phía Bắc. Năm 1983, cậu con trai đầu lòng tên Vũ Thanh Xuân của anh ra đời, nhưng gần 3 tuổi Xuân mới biết mặt cha, do anh bận công tác ở biên giới phía Bắc.

Chị Khanh và anh Thuộc trong ngôi nhà chung.
Chị Khanh và anh Thuộc trong ngôi nhà chung.

Trên đường hành quân từ Thái Nguyên trở về Quân đoàn 3 thì được tin vợ sinh cháu Vũ Xuân Thu, anh tranh thủ ghé qua nhà được 1 tiếng thăm con rồi lên đường. Rồi đứa con thứ hai ra đời với niềm vui của cha mẹ. Một tuần sau anh nhận được tin con bị ốm, gia đình phải đưa vào TPHCM để chữa trị và anh đã chết điếng khi biết cháu bị bại não do nghi nhiễm chất dioxin từ cha trong những năm tháng anh chiến đấu trên những khu rừng rụng lá vì thuốc khai quang của Mỹ ở Tây Nguyên.

Sau đó, Vũ Thị Hương ra đời khi anh đang công tác ở Binh đoàn Tây Nguyên. Năm 2001, vợ anh ốm nặng rồi qua đời. 3 đứa con nhỏ trong đó có một đứa bị nhiễm dioxin được giao cả cho mẹ già anh trông nom. Không thể rời gia đình trong hoàn cảnh khó khăn  như thế, anh Thuộc khi ấy đã ngậm ngùi xin ra quân về quê chăm sóc các con và phụng dưỡng mẹ già.

Gan góc trong chiến tranh là thế, trở về quê với quân hàm đại tá và chiếc thẻ thương binh hạng 3/4  đã không ít lần anh Thuộc phải rơi nước mắt khi nhìn con quắt queo sống quanh năm trên chiếc giường hẹp. “Đêm về, tôi nằm giữa, 3 đứa nằm 2 bên, nhìn đứa con chân tay teo tóp nằm bất động miệng ú ớ đến khàn giọng mà nước mắt tôi cứ ứa  ra, không tài nào chợp mắt được” - anh Thuộc tâm sự.

Dù khó khăn, vất vả nhưng anh vẫn luôn tạo niềm vui và động viên các con trong học tập. Trong những ngày tháng sống cảnh “gà trống nuôi con”, bạn học cũ của anh Thuộc đã thông tin cho nhau để cùng chia sẻ với anh gánh nặng oằn vai ấy. 

Năm 2003, chị Hồng bạn cùng quê với anh Thuộc rủ người bạn gái thời đại học tên Khanh về nhà anh Thuộc chơi. Chứng kiến hoàn cảnh bộn bề của gia đình anh Thuộc, mẹ già con dại lại ốm đau quặt quẹo chị Khanh đã không thể cầm được nước mắt. Chị Đỗ Thị Khanh chợt nhớ lại những tháng ngày khốn khó khi phải một mình bươn chải nuôi hai con nhỏ, sau khi chồng chị bị tai nạn giao thông chết đi. Qua chị Hồng, anh Thuộc cũng ngỏ ý muốn kết nghĩa ân tình cùng chị Khanh.

Không chỉ kính phục sự anh dũng của một cựu đại tá từng xông pha lửa đạn mà chị còn cảm thấy mến thương, xót xa hoàn cảnh của anh và những đứa con mất mẹ nên chị Khanh cũng đồng ý “về với anh”. Quyết định của chị là thế, nhưng với một người phụ nữ luống tuổi, đã có gia đình, chị phải chịu áp lực rất lớn từ phía gia đình, nhất là gia đình nhà chồng.

“Ai cũng can ngăn, họ sợ tôi khổ. Tôi quyết định đi bước nữa, bởi ngoài tình yêu thực sự với anh Thuộc, còn tình yêu của một người mẹ, người vợ, vì tương lai các con...”, chị Khanh thổ lộ.

Chị nói tiếp: “Là phụ nữ, tôi cũng đắn đo rất nhiều, một phần liệu gia đình “người ta” có thương mình, hiểu và chấp nhận cho mình không? Rồi các con nữa, liệu 5 đứa nó có đồng ý không? Vất vả thì mình chịu được, lo nhất là bị tổn thương về tình cảm, thì không biết bấu víu vào đâu!”. Nhưng nỗi lo của chị đã được giải tỏa, cả 5 đứa con hiểu được nỗi lòng của cha, mẹ nên đều thuận lòng cho 2 người đến với nhau.

Năm 2004, chị dắt 2 con từ giã Lạng Sơn theo anh Thuộc về Thanh Hóa. “Thời gian đầu thực sự gian nan, nhưng tôi không nản lòng”. Chị về đây và bắt đầu lại tất cả. Trong công việc phải làm quen với môi trường mới, đồng nghiệp mới... Việc nhà, khó nhất là phải giữ sự hài hòa giữa các con. Nhưng cũng may, các con, trừ Thu bị bại não, do ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin, còn 4 anh em đều trong tuổi ăn, tuổi lớn cả. Có một năm, cùng một lúc 3 đứa con của anh và chị đều đậu đại học. Hạnh phúc và lòng yêu thương của anh, chị đã xóa đi những nỗi đau riêng của những đứa trẻ và chúng chỉ biết, 5 anh em chúng là con “bố Thuộc và mẹ Khanh”.

Và bây giờ

Cuộc sống của gia đình cựu đại tá Vũ Xuân Thuộc bây giờ đã khá giả hơn xưa. Trong ngôi nhà khang trang gọn gàng, những tấm huân, huy chương, bằng khen, giấy khen, những thành tích của anh được treo một cách trang trọng trên tường. Chị Khanh bảo, đó là những kỷ niệm cống hiến của anh Thuộc và cũng là niềm tự hào của gia đình.

Chị Khanh không chỉ giỏi việc nhà mà chị còn là nông dân giỏi của huyện với nhiều sáng kiến được tập thể ứng dụng. Năm 2006, chị được bầu làm Phó chủ tịch Hội nông dân huyện Thiệu Hóa. Giỏi việc nước, đảm việc nhà gia đình anh nhiều năm đạt “gia đình văn hóa”... nhưng theo anh chị, “niềm vui lớn nhất của chúng tôi là các con đều ngoan, chăm học và hiếu thảo với mẹ cha”. Con trai đầu của anh chị vừa ra trường và hiện đang làm việc cho một công ty máy tính tại TPHCM, hai cậu khác còn đang học khoa xây dựng và giao thông sắp ra trường. Cô con út năm nay  đã học lớp 12. Mẹ chồng tôi tuy đã 87 tuổi nhưng bà vẫn khỏe.

Nói về vợ, anh Thuộc bảo: “Nếu không có “nhà tôi” về đây,  thật không biết cuộc sống của bố con tôi sẽ như thế nào?”. Còn chị chỉ nhìn anh với cặp mắt trìu mến, yêu thương và cười, chẳng nói gì. Với tình yêu của mình và với đức hy sinh của một người phụ nữ Việt Nam, chị không chỉ làm cho gia đình này vang tiếng cười, không chỉ làm cho cuộc sống các con của anh chị no ấm mà anh chị đang kể cho mọi người một câu chuyện đời nhiều tình tiết éo le nhưng có hậu.

Tiễn khách ra ngõ, chị Khanh vớ chiếc nón quày quả xuống cơ sở để kiểm tra việc huy động vốn của hội viên. Anh Thuộc lại quay về với công việc nhà bởi có tiếng ú ớ gọi bố với âm điệu vui hơn của cậu con trai không may mắn tên Thu phía trong nhà…

Sinh năm 1948, tại xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa, Thanh Hóa), năm 18 tuổi, chàng trai Vũ Xuân Thuộc đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Vài ngày sau lễ kết nạp đảng, anh Thuộc đã cùng bè bạn lên đường nhập ngũ. Tháng 4-1968, sau gần 2 năm học tại trường cơ yếu Vĩnh Phúc, anh đã cùng đồng đội lên đường vào Nam chiến đấu, thuộc Quân đoàn 3 (nay là Binh đoàn Tây Nguyên).

Cuối tháng 3-1975, anh cùng đồng đội tiến vào giải phóng Sài Gòn sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Tây Nguyên. Là cán bộ ngành mật mã, lại có chuyên môn giỏi, anh đã cùng đồng đội giải mã nhiều thông tin quý góp phần vào các chiến thắng vẻ vang của Binh đoàn Tây Nguyên như: Chiến thắng Đăk Siêng (Kon Tum), Pup Brăng (Đức Lập, Đắc Lắc), hay Natarakiri  (Campuchia)...

Năm 1976, anh chuyển sang làm công tác huấn luyện tại Nha Trang.

Năm 1979, trước tình hình căng thẳng ở biên giới phía Bắc, anh lại được điều ra Thái Nguyên làm  công tác huấn luyện lính mật mã. Trước khi ra biên giới, anh Thuộc lập gia đình với một cô giáo.

VIỆT TÙNG

Tin cùng chuyên mục