Tình yêu kỳ diệu

Cổ tích thời hiện đại
Tình yêu kỳ diệu

Bạn bè Đạt từng cá độ với nhau coi chừng nào Ngọc bỏ Đạt. Họ lập luận: “Tình yêu giữa một đứa con gái đẹp, gia đình khá giả, nền nếp gia phong, có trình độ văn hóa với một thằng học vấn chưa hết lớp 4 và bị… bại liệt thì chuyện chia tay chỉ là vấn đề thời gian”. Vậy mà đã 18 năm nay, tình yêu của họ vẫn bền bỉ, chân thành như thách thức những quy luật thông thường của lối sống thực dụng thời hiện đại…

Đạt và Ngọc ngày Đạt chưa bị liệt.

Đạt và Ngọc ngày Đạt chưa bị liệt.

Cổ tích thời hiện đại

Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 12 giờ trưa, Trần Bích Ngọc lại hối hả đạp xe đến căn phòng trọ nhỏ nằm trên đường Nguyễn Trãi, phường 7 quận 5, TPHCM. Trên rổ xe của cô là chiếc camen cơm. Cô chỉ có 30 phút nghỉ trưa để làm tất cả mọi việc: Đạp xe từ công ty đi mua cơm và thức ăn, sau đó chạy vội về phòng trọ nơi người yêu của mình- anh Trương Tuấn Đạt đang ở. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, cô dìu anh vào phòng vệ sinh và bắt đầu tắm gội, giặt giũ. Sau đó, cô dọn cơm cho anh ăn và hâm nóng thức ăn để dành cho buổi tối. Xong đâu đấy, Ngọc lại đạp xe về công ty cho kịp giờ làm.

Đạt bị liệt đã hơn 4 năm. Đang là thành viên của đội lân sư rồng quận 5, anh bị đau cột sống dữ dội. Trước đó, mỗi lần tập luyện bị chấn thương, Đạt thường tìm tới phòng mạch tư để chích thuốc giảm đau. Đến khi bệnh trở nặng, Đạt được đưa đến bệnh viện Chợ Rẫy thì tình trạng đã không thể cứu vãn. Sau 2 lần phẫu thuật, bác sĩ cho biết anh sẽ bị liệt suốt đời, vĩnh viễn mất sức lao động. Hay tin, anh lết ra tới lan can tính nhảy lầu, may mà có người phát hiện kịp.

Đạt kể: “Ở bệnh viện về, 2 năm sau đó, cuộc sống của tui dán chặt trên giường. Gia đình, anh chị em ruột hay tin nhưng ai cũng có cuộc sống riêng”. Những ngày ấy, ở bên anh chỉ còn có Ngọc. Đang phụ bán trang sức ở chợ Bến Thành, Ngọc bỏ xin về làm kế toán cho một công ty gần nhà trọ của Đạt. Cô đảm nhiệm chức năng của một y tá, một người bạn, một người yêu và thậm chí cả vai trò của một người mẹ.

Hàng ngày, Ngọc đến bác sĩ lấy thuốc, sắc thuốc, tắm rửa, vệ sinh, giúp anh trở mình, đút cơm, giặt giũ và trò chuyện để anh đỡ buồn.

Đạt kể: “Ngọc đẹp lắm. 18 năm yêu tôi, cô ấy bỏ qua rất nhiều cơ hội để đến với người giàu có. Thậm chí, có người còn đi xe hơi tới đặt vấn đề tình cảm nhưng cổ đều từ chối”.

3 lần cưới hụt

Gặp Ngọc, tôi mới thật sự tin lời “quảng cáo” của Đạt về bạn gái của mình. Đó là một cô gái trắng trẻo, xinh đẹp và rất hiền. Nhớ lại lúc tai họa mới ập xuống, Ngọc kể: “Ngày xuất viện, anh ấy bị liệt hoàn toàn, muốn trở mình cũng phải có người “lật” giùm. Chán nản, tuyệt vọng, nhiều lần ảnh đòi chết”.

Một mình Ngọc đi tìm thuê phòng trọ. Tiền không có nhiều nhưng vì thương anh, cô ráng chọn một căn phòng khang trang, sạch sẽ ở trung tâm quận 5, có máy lạnh, tivi, giường nệm. Xong đâu đấy, cô nhờ người cõng Đạt về. 

Từ đây, cô gái nhỏ bé, yếu đuối bắt đầu cuộc chiến giành lại sự sống và niềm lạc quan cho người mình yêu. Thời gian đầu, Ngọc phải xin nghỉ làm để đến chăm sóc Đạt. “Vì 2 đứa chưa cưới xin, đính ước gì, sợ ba mẹ mình xót con rồi ngăn cản nên sáng nào mình cũng xách giỏ đi, tới chiều đúng giờ lại xách giỏ về, giả bộ đi làm. Lúc đau quá, ảnh nằm rên la, nhiều khi còn nổi cáu với mình. Những lúc như vậy, mình giận ảnh thì ít mà thương thì nhiều” -  Ngọc nói.

Từ nhỏ, Đạt đã không biết mẹ là ai. Ngày nội đi nước ngoài định cư, ba dọn ra ngoài ở với mẹ kế, Đạt mới học lớp 4. Lớn thêm một chút, anh ra ngoài làm thuê đủ thứ nghề để sống. 20 tuổi, Đạt học nghề in lụa và gặp Bích Ngọc. Thấy Ngọc đẹp mà có vẻ “chảnh”, anh thấy “ghét” nên quyết chí làm quen. Ngọc đã tốt nghiệp lớp 12, còn Đạt học chưa hết lớp 4 đã nghỉ. Ít chữ nhưng được cái sáng dạ, khôn lanh nên Đạt học nghề rất nhanh. Nhờ tấm chân tình và cái miệng ăn nói có duyên, Đạt đã “hớp hồn” cô hoa khôi lớp in lụa Bích Ngọc hồi nào không biết.

Đạt và Ngọc yêu nhau đã được 18 năm. Tình yêu trắc trở của họ có thể tóm tắt như vầy: Quen được 8 năm, cả hai tính chuyện đám cưới thì ông nội Đạt mất. Theo phong tục người Hoa, con cháu phải để tang 3 năm. Mãn tang ông, hai người định cưới  thì cha Đạt mất. Lại để tang thêm 3 năm nữa. Lần thứ 3, mọi việc cho đám cưới đã hoàn tất thì Đạt đổ bệnh. Ngọc vốn không biết đi xe máy. Thời yêu nhau, một tay Đạt đưa đón cô hàng ngày. Từ khi Đạt nằm một chỗ, cô tự tập xe đạp để đi làm và lui tới chăm sóc cho anh. “Thiệt tình, tứ cố vô thân, nhiều lúc tui thật sự sợ cô ấy bỏ rơi mình. Nhưng rồi lại nghĩ nếu cổ bỏ thì mình cũng không có quyền buồn”.  Bạn bè hỏi: “Bí quyết gì mà mày yêu bền dữ vậy”, tôi chỉ cười: “Chắc cổ mắc nợ tao”- Mà sự thật, tui mắc nợ cổ một đời. Bây giờ, mỗi lần tui đòi chia tay là cổ nghiêm mặt: “Anh trả hết nợ cho em chưa mà đòi trốn?”. Vậy là Đạt đuối lý, đành “khuất phục” trước tấm chân tình của Ngọc.

Tình yêu làm nên điều kỳ diệu

Hàng ngày Đạt vẫn kiên trì tập luyện trong căn phòng trọ của mình. Ảnh: MAI HƯƠNG

Hàng ngày Đạt vẫn kiên trì tập luyện trong căn phòng trọ của mình. Ảnh: MAI HƯƠNG

Nằm liệt giường mấy năm, một ngày, Đạt tự trở mình được. Anh mừng khôn tả. Thấy cơ thể bắt đầu có cảm giác trở lại, anh tập luyện đêm ngày. Ngày Đạt có thể tự nhấc mình từ giường sang xe lăn, anh xem như đó là một kỳ tích. Rồi kỳ tích tiếp nối kỳ tích: Đạt dần tự ngồi được, tự làm các công việc như lấy nước, mặc áo, vệ sinh cá nhân. Đến khi tự đứng được thì anh tin rằng có một ngày anh sẽ có thể đi lại bằng chính đôi chân của mình.

Hôm tôi đến gặp anh tại phòng trọ, anh cười tươi và khoe đã bắt đầu tính chuyện đám cưới. “Chỉ cần đi lại được là tui cưới liền. Ngọc không đòi hỏi nhưng tui tự đặt cho mình điều kiện như vậy. Tui không muốn làm chồng mà trở thành gánh nặng cho vợ”.

Có một bí mật giữa tôi với Đạt mà anh muốn được giấu kín cho tới ngày sinh nhật Ngọc. Mấy năm bị liệt, Đạt không có điều kiện để mua tặng người bạn gái thương yêu một thứ gì. “Tánh cổ lạ lắm, chỉ biết lo cho người khác chứ không bao giờ mua sắm cho bản thân. Quần áo quanh đi quẩn lại chỉ có mấy bộ. Hồi tui còn khỏe, lần nào đi siêu thị, tui cũng để ý coi cổ thích cái gì rồi sau đó âm thầm mua về tặng”- anh kể. Sinh nhật Ngọc 2 năm trước, Đạt nhờ anh xe ôm hay rước khách trước cửa nhà trọ mua giùm một cái quần Jean nữ. Ai dè anh xe ôm mua nhằm cái quần xấu quá, phải đem trả. Năm nay, tôi vinh dự được anh nhờ làm cái việc của anh xe ôm năm nào. Nghe anh tỉ mỉ dặn kỹ từ size quần cho tới kiểu dáng, màu sắc mà Ngọc thích, tôi cảm nhận được tình yêu thật đẹp mà họ dành cho nhau. Dặn dò tôi xong, anh bắt đầu bài tập thể dục khó nhất trong ngày: Tập đứng. Tự di chuyển trên xe lăn đến bên bậu cửa sổ, anh rướn người đứng lên, hai tay bám vào song cửa và giữ nguyên tư thế ấy. Gương mặt anh khẽ nhíu lại vì những cơn đau nhưng ánh mắt thì lấp lánh ánh sáng của niềm hy vọng.

“Sợ ảnh bi quan nên lúc nào trước mặt ảnh, mình luôn tỏ ra cứng rắn, vui vẻ chứ nhiều khi đi trên đường, nhất là ngày lễ, ngày tết, thấy những đôi yêu nhau khoác tay, chở nhau đi chơi, mình cũng tủi thân lắm. May mà mình… không được nghỉ tết! Mình làm cho một công ty kinh doanh nhà hàng nên những dịp lễ, tết càng phải tăng ca nhiều hơn. Nhờ vậy nên cũng không có thời gian để buồn. Ba mẹ lo con gái quá lứa lỡ thì nên đã bóng gió xa gần chuyện chồng con. Mình không biết con đường mình chọn là đúng hay sai, sướng hay khổ. Chỉ biết rằng trái tim và lý trí đều mách bảo mình phải làm như vậy”- tiếng Ngọc vẫn nhỏ nhẻ dịu dàng.

Cô gái nhỏ bé khiến tôi tin rằng giữa thành phố hiện đại, giữa nhịp sống gấp gáp vẫn tồn tại những mối tình cổ tích. Mong rằng chuyện cổ tích của Ngọc sẽ là một lời khích lệ để những ai đang yêu và sẽ yêu có đủ dũng khí để theo đuổi đến cùng tình yêu mà mình đã lựa chọn.

Đoàn Mai Hương

Tin cùng chuyên mục