Tây Bắc khát nước

Miền Bắc vẫn đang trong những ngày khô hạn nặng. Nghiêm trọng hơn cả là các tỉnh Tây Bắc, đặc biệt là ở vùng núi cao, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ở đó không chỉ thiếu nước phục vụ canh tác mà còn đang khát từng giọt nước uống.
Tây Bắc khát nước

Miền Bắc vẫn đang trong những ngày khô hạn nặng. Nghiêm trọng hơn cả là các tỉnh Tây Bắc, đặc biệt là ở vùng núi cao, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ở đó không chỉ thiếu nước phục vụ canh tác mà còn đang khát từng giọt nước uống.

Nước quý hơn... rượu

Trên đường đi cửa khẩu Lồ Cô Chin và các xã vùng biên giới như Dìn Chin, Tả Ngải Chồ… chúng tôi nghỉ tạm lại các nhà dân ở xã Tả Gia Khâu thuộc huyện biên cương Mường Khương (Lào Cai). Thật không thể tưởng tượng nổi, đây là những nơi đang khô khát nhất hiện nay ở Lào Cai.

Dọc đường vào bản Tả Gia Khâu, Măng Lăng thuộc xã Tả Gia Khâu, hàng chục người dân đang lễ mễ xách can, thùng đi hứng nước ở các “mó” (giếng). Trên cái bể nước ở đầu bản, sát đường đi, đặt chìm xuống đất để nước từ trong khe núi rỉ ra, hai vợ chồng Sùng A Tranh đang hì hục vét từng gáo nước. Thậm chí, anh Tranh còn phải nhảy hẳn xuống bể để múc nhưng cũng chỉ toàn cặn với sỏi.

Vợ anh, chị Sùng Thị Lềnh than thở: “May là còn một chút nước. Nhiều người còn phải đánh xe trâu đi xa 4 - 6km hay phải sang tận các xã khác ở vùng dưới chở nước đấy”. Chị bảo: “Mở mắt ra là phải lo đi hứng nước rồi. Nhiều khi cả bản còn phải bỏ cả việc nương rẫy để đi hứng nước”.

Nước rửa rau, rửa mặt xong phải đem ra hố đất để gạn lọc, sau đó lại đem múc về nấu cám cho heo hoặc giặt giũ.

Nước rửa rau, rửa mặt xong phải đem ra hố đất để gạn lọc, sau đó lại đem múc về nấu cám cho heo hoặc giặt giũ.

Đi sâu vào bản, có rất nhiều bể xi măng dùng để chứa nước vừa được xây dựng nhưng bể nào cũng mở toang nắp và trong bể toàn rác. Trong các nhà, xung quanh cũng đặt rất nhiều chum để hứng nước mưa, nhưng cả vài tháng nay ở đây chẳng hề có một trận mưa nào.

Chúng tôi ngủ trọ lại nhà của Vàng A Thào. Buổi sáng dậy, chưa kịp đánh răng, rửa mặt, chủ nhà đã xách ra một cái can chừng 10 lít, làm ai cũng tưởng chuẩn bị uống rượu. Nhưng không phải, Thào giải thích đây là nước. Cả chiều qua, vợ anh phải xách từ “mó” nằm sâu trong khe núi xa về.

Từ sáng đến chiều, ở cái “mó” trong khe núi ấy lúc nào cũng có 40 - 50 gia đình đứng chờ chực nước với các can, thùng xếp hàng dài. Nhưng do nguồn cạn nên ở “mó” chỉ có một tia nước bé tí xíu chảy ra. Người hứng nước đông đã phải chờ nhau, khi đến lượt lại phải đứng chờ cả tiếng đồng hồ mới chảy đầy can, đầy thùng. Vất vả thế nhưng ai cũng kiên nhẫn chờ những giọt nước quý ấy. Thào rót cho mỗi người một ca nước để rửa mặt và cả hai tay nâng niu như rót từng giọt nước quý, cố gắng để không làm rơi ra ngoài một giọt nào.

Hệ lụy của nạn phá rừng

Theo nhiều chuyên gia thì nguyên nhân sâu xa gây tình trạng thiếu nước triền miên ở Lào Cai cũng như toàn bộ khu vực Tây Bắc như hiện nay là do rừng đầu nguồn đã bị thu hẹp. Nhiều năm qua, mặc dù người dân đã nỗ lực trồng lại rừng đầu nguồn song tiến độ còn chậm, hiện mới đảm bảo độ che phủ đạt 40%. Bởi vậy, mặc dù tính cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xây dựng được gần 47.000 công trình tích trữ và cấp nước sinh hoạt (không kể công trình thủy lợi), theo lý thuyết là đã có thể đảm bảo nguồn nước (sạch) cho khoảng 70% hộ dân sở tại nhưng hàng ngàn công trình đã được đầu tư tiền tỷ đành phải bỏ hoang vì ngay cả ở đầu nguồn cũng không có một giọt nước nào!

Tình trạng khô hạn ở Tây Bắc thường kéo dài từ tháng 11 - 12 năm trước tới tận tháng 3 - 4 năm sau. Thậm chí có năm, khô hạn xảy ra từ tháng 6 - 7, ngay giữa mùa mưa.

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, những nơi đã bị liệt vào điểm khát nước gay gắt nhất là Tả Gia Khâu (Mường Khương), Thao Chư Phìn, Sín Chéng (Si Ma Cai), Lầu Thí Ngài (Bắc Hà), Minh Lương (Văn Bàn)...

Để giúp bà con bớt khó khăn vì “khát nước”, nhiều năm qua UBND tỉnh Lào Cai đã phải di chuyển hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Mông ở 2 xã Tả Gia Khâu và Dìn Chin thuộc huyện Mường Khương sang các xã ở vùng thấp như A Mú Sung, Trịnh Tường (huyện Bát Xát), Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng) hoặc Sơn Thủy (huyện Văn Bàn) để định canh định cư quanh những nơi gần nguồn nước. Song hiện nay nguy cơ khô hạn vẫn đang lan rộng.

Theo ông Lưu Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Lào Cai - khô hạn ở vùng Tây Bắc sẽ kéo dài tới cuối tháng 3-2010 và hiện không chỉ vùng cao mà cả vùng thấp của Tây Bắc cũng bắt đầu khô hạn.

PHÚC HẬU

 

Tin cùng chuyên mục