Theo dấu chân những người anh hùng

Một cuộc đời đáng sống

Một cuộc đời đáng sống

Từ lâu rồi, hình nền trên điện thoại di động và hình “treo” trên blog cá nhân của anh Lê Tấn Tài, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường 6 quận 5 luôn là một người đàn ông trung niên với vẻ mặt quắc thước. Đó chính là đại tá Lê Tấn Quốc (bí danh Chín Quốc) - nguyên Trưởng ban Quân sự Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, cha ruột của anh Lê Tấn Tài. “Nếu như người khác chọn thần tượng là ca sĩ, diễn viên thì thần tượng cả đời tôi chính là ba”, anh Lê Tấn Tài nói. Trong không khí náo nức của ngày vui thống nhất, anh Lê Tấn Tài đã kể chúng tôi nghe những ký ức đẹp về người cha kính yêu…


Chín Quốc là một và chỉ có một

Ngày 11-2-1968, giặc mở một trận càn bao vây căn cứ địa cách mạng tại Bến Tre. Tránh những đợt càn quét của địch, khi ấy, đại úy Lê Tấn Quốc là Trưởng ban Quân sự, Ban Cán sự Thành ủy và thiếu úy Tư Đạo, phụ trách điện đài kiêm bảo vệ đã chuyển về trú ẩn tại Bến Tre. Khi địch đến, tất cả rút xuống hầm. Một căn hầm bị lộ. Giặc quăng lựu đạn liên tiếp xuống miệng hầm. Trong căn hầm ấy có hai người - Chín Quốc và Tư Đạo.

Tiếng súng đạn im bặt và bọn lính chui xuống hầm lục soát. “Hầm này có hai thằng, một thằng nát thây, còn lại thằng này đây!”, chúng la to. Máu chảy ướt đẫm mình mẩy, một bên mắt bị thương, Chín Quốc lơ mơ nghe hai tên giặc nói với nhau như thế. Chín Quốc bị đưa về bót của quận Trúc Giang. Chúng bắt đầu những trận đòn khảo tra trên thân thể đầy thương tích của anh. Chúng trói anh vào một chiếc ghế, dùng một cây gậy gõ liên tiếp vào đầu cho máu tuôn ra. Tương kế tựu kế, anh tự nhận mình chỉ là Tư Đạo, người bảo vệ cho đồng chí Chín Quốc đã hy sinh.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tiếp đoàn đại biểu Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và Trung đoàn quyết tử năm 2000. Đại tá Lê Tấn Quốc đứng thứ hai từ phải sang

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tiếp đoàn đại biểu Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và Trung đoàn quyết tử năm 2000. Đại tá Lê Tấn Quốc đứng thứ hai từ phải sang

Giặc bỏ đói anh suốt ngày hôm đó. Tối đến, viên thiếu tá quận trưởng trực tiếp đến hỏi cung. Lần này, giặc dùng cây thọc vào 2 bên nách cho ói máu, đồng thời lấy ghế để chân anh lên, đè anh nằm ngửa ra rồi đem một cái cây đặt lên ống quyển. Hai tên lính to lớn lần lượt ngồi lên 2 đầu cây cho cây lăn qua lăn lại trên xương ống quyển. Chết đi sống lại, Chín Quốc vẫn cắn răng im lặng. Tên quận trưởng quát: “Giờ chỉ có mày mới cứu được mày thôi. Bác Hồ và đồng bọn mày cũng bó tay rồi. Mày không khai là chết”. Chín Quốc vẫn im lặng. 

Hắn sai y tá chích một mũi thuốc vào chân trái anh và nói: “ Tao chích thuốc bại xuội. Mày chịu khai thì tao cho chích cho mũi thuốc giải độc, không thì liệt rồi chết”. Chín Quốc nhắm mắt im lặng. Một mũi thuốc nữa được chích vào chân phải. Lại hỏi và lại im lặng. Không lay chuyển được ý chí của anh, đêm 11-2-1969, tên quận trưởng ra lệnh đem Chín Quốc bắn bỏ. Anh bị bịt mắt, dắt đi lòng vòng ngoài ruộng. Hai tên áp giải liên tục gọi điện đàm rồi hỏi gặng anh: “Đây là giờ phút cuối cùng. Mày suy nghĩ lại chưa, không thì chết”. Chúng lại dẫn anh đi lòng vòng một hồi, không ngờ chúng không bắn mà áp giải anh về nhốt trong lô cốt. 

Ngày 12-2, giặc đưa Chín Quốc lên căn cứ của Sư đoàn 7 đặt tại Mỹ Tho. Lần này, chúng không đánh bằng tay mà dí bằng điện vào lỗ tai anh. Mỗi lần trả lời không là một lần bị điện giật đến ngất xỉu. Sau đó ít ngày, Chín Quốc được đưa vào bệnh viện và nhận thông báo chuẩn bị mổ mắt. Anh nghĩ nhanh: Chúng chẳng tốt lành gì đâu, chỉ chữa cho mình khỏe để tiếp tục tra khảo. Mắt có sưng, có đui cũng mặc kệ vì đằng nào cũng chết. Nghĩ vậy, nên khi giặc vừa khiêng lên giường, anh lại nhảy xuống đất. Liên tiếp nhiều lần như thế, giặc bỏ cuộc.

Ngày 14-4-1969, một người Mỹ và nhiều sĩ quan ngụy có mặt tại Trung tâm thẩm vấn Việt Mỹ nằm trên đường Tô Hiến Thành. Chín Quốc được gọi lên. Tên người Mỹ lần lượt hỏi anh 5 câu.

– Có công nhận người Mỹ là ân nhân của Việt Nam không?

– Không.

– Có công nhận tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là người chiến sĩ yêu nước không?

– Không.

– Pháo bắn hàng loạt, sát thương rộng có sợ không?

– Trúng là chết, không trúng là sống. Chớ đánh trận mà sợ thì đánh sao được.

– B52 bỏ bom tấn công hàng loạt có sợ không?

– Đi lính trúng bom là chết thôi, nếu sợ thì không đi lính.

– Đi theo Việt Cộng, có tin là Việt Cộng sẽ thắng không?

– Ở Sài Gòn đọc báo hàng ngày thấy đưa tin Mỹ hành quân giết bao Việt Cộng. Vậy mà tết rồi Việt Cộng đánh vào Sài Gòn làm cho dư luận rất xôn xao. Tôi nghĩ Việt Cộng đánh thêm vài trận nữa là thắng. 

Sau những ngày tháng bị tra tấn ở trại giam, chúng chuyển Chín Quốc đến nhà tù Phú Quốc. Tháng 3-1973, Chín Quốc và nhiều bạn tù mới được trả tự do tại bờ sông Thạch Hãn. Nhớ lại những chuyện này, anh Lê Tấn Tài nói: “Chính vì bị bắt giam qua nhiều nhà lao, nhiều lần bị giặc tuyên bố xử tử nhưng vẫn sống nên những lần xác minh lý lịch và quá trình hoạt động cách mạng để nhận tuyên dương, khen thưởng, hồ sơ của ba tôi thường bị chậm lại. Cũng không thiếu những ý kiến nghi ngờ Chín Quốc đã bị mua chuộc hoặc bị khử và đánh tráo bằng một người khác…Nhiều bạn rủ ba tôi ra ngoài làm kinh tế hoặc chuyển công tác nhưng ba tôi không đồng ý. Ông vẫn miệt mài cống hiến cho đến những năm tháng cuối đời với một niềm tin sẽ có ngày anh em, đồng đội và nhà nước công nhận lòng trung thành và những gì ông cống hiến cho Tổ quốc. Và, hơn cả ông chờ sự công nhận của mọi người - Chín Quốc chỉ có một con người đang sống đây, một người lính luôn trung thành với lý tưởng của cách mạng và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bóng cả cuộc đời

Hòa bình lập lại. Chín Quốc trở về cuộc sống đời thường và sinh con đầu lòng ở tuổi ngoài 50. Đứa con ấy là Lê Tấn Tài. Hồi còn nhỏ, tuy nhà có 3 anh em, nhưng ba Chín thường dẫn Tài đi theo ông mỗi lần ông đi họp mặt với anh em đồng đội hay dự mít tinh, kỷ niệm những ngày truyền thống. Anh Lê Tấn Tài nhớ lại: “Một mắt bị hư, chân đã yếu nhưng ba vẫn thường chở tôi bằng xe đạp. Đến nơi, ba để tôi ngồi ngay ngắn vào một góc để nghe chuyện. Trên đường về, hai cha con lại trò chuyện với nhau. Những lần như thế, ba thường giải thích thêm cho tôi hiểu sâu hơn vấn đề. Mưa dầm thấm lâu, dần dà, những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước tôi đều hiểu cặn kẽ và thuộc lòng”.

24 tuổi, tốt nghiệp đại học, được kết nạp Đảng, tương lai rộng mở trước mắt tôi. Trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa bắt đầu đi làm kiếm tiền thì tôi lại chọn đi bộ đội. Thời gian đó, ba tôi là Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự quận 5. Ai cũng nói nếu như người ta, khi tôi có lệnh gọi nhập ngũ, chỉ cần ba tôi nói một tiếng thì tôi sẽ ở nhà làm việc khác. Nhưng ba tôi đã không làm như thế. Đích thân ông chở tôi đến điểm giao quân và tiễn tôi lên đường. Định kỳ, ông lại đến tận nơi huấn luyện thăm tôi, không quên thói quen nói chuyện thời sự cho con trai nghe.

Hết thời hạn ở quân ngũ, tôi trở về nhà và những ngày sống bên ba thật êm đềm. Sau này, mắt yếu, hàng ngày, ba đều kêu tôi đọc sách cho ba nghe. Thôi thì đủ các loại: từ sách viết về Liên Xô cũ cho tới sách của bác Võ Nguyên Giáp, sách về trận Điện Biên Phủ, chiến dịch 30-4… Lần nào đọc xong, ba cũng gợi mở nhiều vấn đề để hai cha con tranh luận. Ba tôi có thói quen nấu nước bằng củi. Những lúc ngồi nhóm lò, đặt ấm nước rồi coi chừng lửa là thời gian ba dành cho tôi nhiều bài học về cuộc đời, về Tổ quốc, tình yêu quê hương…

Tôi nhớ hoài cái lần đang ngồi cơi lửa trong bếp, ba tôi chợt nói: “Lòng dân phải chặt còn lòng lửa thì phải trống”. Lời dạy đó của ba theo tôi suốt những năm tháng thiếu niên cho đến lúc trưởng thành. Sau này, khi tham gia công tác Đoàn rồi đảm nhiệm trọng trách là bí thư kiêm chủ tịch phường, tôi càng thấm thía lời dạy đó của ba. Bình thường, ba có thói quen đọc báo và tập hợp tư liệu đóng thành từng tập theo chủ đề để lưu giữ.

Đến khi ba mất, mỗi lần có thắc mắc hay chưa hiểu về vấn đề gì, tôi lại tìm tới “kho lưu trữ” của ba và lần nào tôi cũng tìm được câu trả lời từ những tập giấy cũ đã ngã màu mà ba tôi đã cất giữ. Lúc đó, tôi thật sự tin rằng ba đã chuẩn bị tất cả và ba vẫn ở bên chúng tôi. Làm bất cứ việc gì, tôi vẫn thường ngầm so sánh mình với ba và bao giờ tôi cũng thấy rằng, tôi còn phải phấn đấu nhiều lắm mới mong bằng ba.

Lúc ba tôi còn sống, hai cha con rất tâm đắc câu nói của Paven Coocsaghin: “Cái quý nhất trên đời là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi sống hoài sống phí, cho khỏi phải tủi hổ, đớn hèn vì những năm tháng đã qua…”. Ba nói rằng ông thấy lòng thanh thản vì đã làm tròn bổn phận của một người công dân, sống một cuộc đời đáng sống. 

 ***

Hôm nhận được tin ba được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tôi đã nhảy cẫng vì hạnh phúc ngay tại phòng làm việc. Tôi đã chạy xe ngay lên Nghĩa trang Thành phố để báo tin cho ba biết. Sau đó, tôi mới gọi điện thoại về báo tin cho mẹ tôi và gia đình. Ba tôi hẳn vui lòng lắm khi điều ông hằng chờ đợi đã đến - Tổ quốc và mọi người đã công nhận – Chín Quốc chỉ có một người. 

Ba đã đi thật trọn vẹn cuộc đời và cuộc đời đó từng ngày vẫn đang soi lối cho những cuộc đời khác bước tiếp…

Đại tá Lê Tấn Quốc sinh năm 1927, quê quán phường Long Trường, quận 9 TPHCM. Tham gia cách mạng từ tháng 8-1945.

Năm 1950 là Phó trưởng ty Giao thông Liên lạc tỉnh Gia Định.

Từ 1956 - 1959: Ủy viên Ban Binh vận Tỉnh ủy Gia Định.

Từ năm 1961 - 1962: Phó Giám đốc Binh Công xưởng Khu Sài Gòn Gia Định.

Từ 1968 - 1969: Ủy viên Ban cán sự Sài Gòn Gia Định, Trưởng ban Quân sự, Ban Cán sự Thành ủy, Phó ban Dân quân - Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn Gia Định.

Từ tháng 2-1969 đến tháng 3-1973 bị địch bắt và giam giữ tại Cần Thơ và Phú Quốc. Trong tù làm bí thư chi bộ, Đảng ủy viên trại giam Cần Thơ, Bí thư Đảng ủy nhà lao Phú Quốc phân khu C4, A2, B8 liên tục cho đến ngày trao trả.

Tháng 3-1973 được trao trả tù binh tại bờ sông Thạch Hãn.

Từ tháng 4-1974 đến tháng 5-1975: Đoàn phó thường vụ Đảng ủy Đoàn 2092, Chính trị viên phó, Phó Bí thư Đảng ủy Đoàn 195, thành viên Đội biệt động khu Sài Gòn - Gia Định,... tham gia giải phóng TP Sài Gòn.

Sau giải phóng: Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự quận 5, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy quận 5.

MAI HƯƠNG (Ghi theo lời kể của anh Lê Tấn Tài, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường 6 quận 5 - con trai trưởng của đại tá Lê Tấn Quốc)

Tin cùng chuyên mục