Về thăm “đất phát nhân tài”

Về thăm “đất phát nhân tài”

Cũng bình dị như bao làng quê khác trên đất nước Việt Nam, nhưng có thể nói, thật hiếm ở làng nào mà mỗi bước chân đi đều thấy dấu tích của những danh nhân, anh hùng, của những người học hành hiển đạt… Ngay từ xa xưa trong dân gian đã truyền tụng câu: “Bắc Hà: Hành Thiện, Hoan Diễn: Quỳnh Đôi”.

Thế hệ tương lai đất Quỳnh Đôi

Thế hệ tương lai đất Quỳnh Đôi

Làng Quỳnh Đôi, nay thuộc xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Theo phong thủy, Quỳnh Đôi là đất “địa linh nhân kiệt”. Quỳnh Đôi không có núi nhưng bốn bề đều có núi hướng về. Phía Nam làng có lèn Yên Ngựa, phía Bắc có lèn Trụ Hải, phía Đông và phía Tây có núi Hiền Hoa và Qui Lĩnh chầu về, chếch hướng Đông Nam có Hòn Bút và Hòn Nghiên; phía Đông có sông Mai Giang uốn lượn rồi chảy ra Cửa Cờn... Phải chăng vị thế ấy đã khiến làng trở thành “đất phát nhân tài”?
Chưa cần biết địa thế ấy đã ảnh hưởng cụ thể đến con người nơi đây như thế nào, nhưng chỉ cần điểm qua việc học hành, hiển đạt của con người nơi đây cũng đủ khẳng định mảnh đất này phát tài từ sự “khổ học”. Về Quỳnh Đôi, gặp ai cũng có thể được đọc cho nghe những câu như: “Kinh kỳ dệt gấm thêu hoa/Quỳnh Đôi khoa bảng thủ khoa ba đời”, hay “Bây giờ đi nước mỏi vai/Mai sau đi hán đi hài mỏi chân”…

Theo ông Hồ Sĩ Giàng trong cuốn “Từ Thổ Đôi trang đến xã Quỳnh Đôi” cho biết: “Tính từ năm 1444 đời Lê Nhân Tông đến lúc bỏ thi cử chữ Hán, Quỳnh Đôi có trên 1.000 người đậu từ tú tài đến tiến sĩ”.

Còn trong cuốn “Đời nối đời vì nước” (tác giả Hoàng Thanh Đạm và Phan Hữu Thịnh) cho biết cụ thể hơn: Theo thống kê ở 14 họ tại Quỳnh Đôi có 1.137 người thi đỗ, trong đó tiến sĩ: 12 người, phó bảng: 92, cử nhân: 210, tú tài: 823. Trong số này, họ Hồ có số người đỗ đạt nhiều nhất với 560 người, họ Nguyễn: 117, họ Dương: 156, họ Phan: 84, họ Hoàng: 39… Thời này có thể kể đến các tên tuổi như: Hồ Sĩ Tân, Hồ Sĩ Đống, Hồ Sĩ Dương, Phạm Đình Toái, Hồ Phi Tích, Văn Đức Giai, Dương Quế Phổ, Hồ Văn Trung, Hồ Bá Ôn, Dương Thúc Hạp, Dương Quế Phổ, Nguyễn Quý Yêm, Phan Đình Phát…

Tính từ khi bỏ thi chữ Hán đến nay, Quỳnh Đôi có gần 100 người có trình độ trên đại học, trên 800 người trình độ đại học… Có thể kể đến các tiến sĩ như: Nguyễn Xuân Dũng, Phan Tam Đồng, Phan Cự Tiến, Hồ Đức Việt… Các giáo sư và phó Giáo sư: Phan Cự Nhân, Phan Cự Đệ, Văn Như Cương, Hồ Sĩ Giao, Hoàng Văn Lân, Dương Như Xuyên… Các nhà văn, nhà thơ như: Hồ Sĩ Đống, Hồ Sĩ Dương, Hồ Xuân Hương…; Hoàng Trung Thông, Hồ Phi Phục, Hồ Anh Thái… Quỳnh Đôi cũng là quê hương của nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Đức Mậu, Anh hùng Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Xinh…

Có thể nói, trong khuôn khổ một bài viết nhỏ không thể kể ra hết những người con ưu tú đất Quỳnh Đôi, mà chỉ có thể nói như chính người Thổ Đôi trang ví von: “Làng ta khoa bảng thật nhiều/Như cây trên núi như diều trên không”.

Đến thăm nhà thờ “Hồ đại tộc”, tôi được ông Hồ Đình Hợi, người trông coi nhà thờ, giới thiệu khá kỹ về dòng họ “danh gia vọng tộc” này. Tại khuôn viên nhà thờ hiện có 3 bức tượng được dựng lên, đó là Hồ Quý Ly, “bộ óc siêu phàm vượt trước thời đại”, thiên tài quân sự Hồ Thơm - Nguyễn Huệ, Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Đứng trong không gian mênh mông của đồng đất Quỳnh Đôi, dưới tượng Bà Chúa thơ Nôm, ông Hợi ngâm ngợi: “Ví đây đổi phận làm trai được/Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?”.

Ông Hợi cho hay, phụ nữ làng Quỳnh Đôi quê ông, nếu không trở thành những người nổi danh như Hồ Xuân Hương cũng trở thành những người mẹ, người vợ chắp cánh cho những trai tài đất này. Ông Hợi kể cho tôi nghe sự thú vị về 2 cây đa trồng hai bên phía trước nhà thờ. Một cây tách ra 5 nhánh, tượng trưng cho 5 chi họ Hồ Quỳnh Đôi. Cây còn lại khi trồng chỉ có một gốc duy nhất, thân nhỏ, nhưng vì trồng sát mép ruộng nên người đi bừa đất làm đồng đã bừa phải. Tưởng cây chết, nhưng khi đem trồng lại thì cây tách làm 2 nhánh như tượng trưng cho 2 người con của ông Hồ Kha khi ông đến đây tìm đất lập nghiệp vào năm 1378. Ông cho người con cả là Hồ Hồng ở lại đất này, còn người con thứ Hồ Cao về lại đất Yên Thành.

Tại thượng điện của nhà thờ vẫn còn đôi câu đối sơn son thể hiện tinh thần của dòng họ “danh gia vọng tộc” này. “Cổ Nguyệt môn cao hệ xuất thần minh Ngu đế trụ/Bảng Sơn địa thắng thế truyền thi lễ Khổng sư tôn” (Họ Hồ cửa cao, sản sinh ra nhiều bầy tôi sáng, con cháu của vua Thuấn/Núi Bảng đất trời, đời đời thi lễ, tôn vinh Đức Khổng Tử). Vào ngày 11 và 12 tháng Giêng hàng năm, con cháu họ Hồ từ khắp nơi lại trở về đây chiêm bái tổ tiên, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Duy Cường

Tin cùng chuyên mục