Tội phạm núp bóng osin

Rước... “giặc” vào nhà
Tội phạm núp bóng osin

Các gia đình khá giả có nhu cầu thuê người giúp việc đang trở thành điểm nhắm của một số loại tội phạm. Các đối tượng xấu, có chủ ý, sẵn sàng giả làm osin (người giúp việc) nhằm tiếp cận các gia đình khá giả này. Sau đó, trong thời gian ngắn nhất, lợi dụng gia đình chủ nhà sơ hở, các đối tượng ra tay rồi tẩu thoát!

Rước... “giặc” vào nhà

Võ Thị Thanh Thúy (SN 1982, quê Bạc Liêu), đã rời bỏ quê từ năm 13 tuổi. 16 năm lưu lạc khắp nơi, Thúy và chồng đã nhiễm HIV. Sức khỏe ngày một xuống dốc, Thúy lên kế hoạch “hốt cú chót” để hưởng thụ trong quãng đời còn lại.

Đầu tháng 9-2011, qua trung tâm môi giới là Công ty TNHH-DV Lộ Đức (quận 3 TPHCM), Thúy được anh Q.M.H. (ngụ đường Hoàng Diệu, quận 4), nhận về giúp việc gia đình để chăm sóc con trai 3 tháng tuổi, lương 2,5 triệu đồng/tháng. Mọi việc rất thuận lợi cho Thúy. Khi Thúy đưa CMND, thấy bị nhòe, đen sì nhưng anh H. không để ý và không xác minh địa chỉ, gia đình, lý lịch của Thúy.

Thỉnh thoảng, gia đình anh H. có tiệc, hay quay phim, chụp ảnh thì Thúy luôn né mặt hoặc lấy tay che mặt tỏ ý không muốn được ghi hình. Hàng ngày, Thúy luôn mặc quần áo dài. Thái độ tỏ ra rụt rè, khiêm tốn, ít khoa trương của Thúy lại vô tình “ghi điểm” trong gia đình chủ. Chẳng ai ngờ, đó là sự chuẩn bị của Thúy nhằm che giấu thân phận và không muốn để lộ chân tay vốn đầy những vết kim tiêm và lở loét…

Đã toan tính từ trước nên sáng 10-9, nhân lúc gia đình bận rộn, Thúy ẵm cháu bé trốn ra ngoài. Sau đó, một người đàn ông (đồng bọn của Thúy) gọi điện thoại cho gia đình anh H.: “Bọn tao là băng bắt cóc chuyên nghiệp, muốn nhận lại con thì chuẩn bị 50 cây vàng. Nếu báo công an, bọn tao sẽ chích máu nhiễm HIV vào người con mày…”.

Nhận được tin dữ, anh H. cấp báo với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45 - Bộ Công an) và cháu bé được C45 giải cứu an toàn sau hơn một ngày trở thành con tin. Khi Thúy và đồng bọn sa lưới pháp luật, anh H. mới biết được âm mưu và hành động ác độc của người mà mình từng tin tưởng.

Mới đây, ngày 17-11, Nguyễn Thị Phụng (SN 1970, quê Tiền Giang), mang giấy giới thiệu của Trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) người giúp việc (quận 3, TPHCM) và giấy CMND của mình tìm đến nhà chị H.T.K.P. (ngụ đường Tô Hiến Thành, phường 13, quận 10, TPHCM). Theo đó, Phụng sẽ giúp việc nhà cho chị P. với mức lương 3 triệu đồng/tháng, bao ăn ở. Hai ngày đầu, Phụng rất siêng năng, chủ động làm hết mọi việc, không đợi chị P. nhắc nhở.

Tối 19-11, chị P. cho Phụng biết ngày mai cả gia đình đi vắng và dặn dò Phụng coi nhà cẩn thận. Phụng ngoan ngoãn “vâng dạ” rồi mở lời mượn lại CMND của mình để sắp tới về quê làm sơ yếu lý lịch đầy đủ nộp cho chị P. Thấy Phụng tỏ ra hiền lành, biết lo xa, chị P. chẳng mảy may nghi ngờ và trả lại CMND cho Phụng.

Mọi việc vỡ lở khi trưa 20-11, chị P. về đến nhà thì thấy cửa khóa ngoài, phải nhờ người đến phá ổ khóa. Vào trong nhà không thấy Phụng đâu, điện thoại cũng không liên lạc được. Tá hỏa, gia đình liền kiểm tra thì phát hiện 3 chiếc laptop và 1 máy chụp hình (tổng trị giá trên 50 triệu đồng) đã không cánh mà bay! Xác minh ban đầu của công an phường giúp chị P. vỡ lẽ: Phụng đã bỏ quê lên TPHCM giúp việc nhà hơn một năm nay. Trong khoảng thời gian trên, Phụng đã thực hiện nhiều vụ trộm cắp tài sản!

Chị P. tiếc nuối: “Khi đến Trung tâm GTVL nhờ cung cấp người giúp việc – lệ phí môi giới 500.000 đồng - tôi cứ đinh ninh người của trung tâm giới thiệu chắc đã được kiểm tra giấy tờ, xác minh lý lịch đàng hoàng. Ai ngờ, trung tâm cũng chẳng biết gì về Phụng…”.

Hậu quả khôn lường

Bản thân các đối tượng xấu giả làm người giúp việc rồi gây án đã, sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Còn nạn nhân - những gia đình vốn khá giả nhưng chủ quan đối với người lạ đến giúp việc nhà - cũng gánh chịu những hậu quả khôn lường cho việc đón tội phạm vào nhà.

Gia đình ông T.P.C. (ngụ huyện Cần Giờ, TPHCM), vẫn còn kinh hoàng về những gì osin Lê Thị Thái (SN 1984, ngụ tỉnh Hà Nam) gây ra. Trước khi giúp việc cho nhà ông C., năm 2006, Thái đã từng trộm giấy tờ của bạn bè, dùng giấy tờ mang tên người khác đi giúp việc cho gia đình chị T.T.M.D. (quận Tân Phú) rồi lấy trộm tổng tài sản khoảng 200 triệu đồng của chị D., bị công an truy nã.

Ông C. mù tịt về quá khứ bất hảo của Thái và tất nhiên cũng không ngờ đến giúp việc nhà cho mình cũng nằm trong một… kế hoạch “kiếm chác” của thị. Tại nhà ông C., Thái vừa phục tùng gia đình, vừa âm thầm theo dõi quy luật, những điểm sơ hở của gia đình để ra tay. Thấy bà N.T.T. (mẹ ông C.) thường mang nhiều nữ trang, nhân lúc đêm hôm bà T. ngủ say, Thái dùng đá đập liên tiếp vào đầu và người bà T. Khi bà T. gục xuống, Thái giật sợ dây chuyền, tháo chiếc nhẫn và đôi bông tai của bà.

Bị tấn công thừa sống thiếu chết, bà T. bị thương nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe. Sau đó, Thái bị bắt giữ, lãnh 18 năm tù giam về các tội “Giết người”, “Cướp tài sản” và “Trộm cắp tài sản”.

Gần 5 tuổi nhưng suốt hơn 2 năm qua, con gái chị V.T.M.D. (đường Ba Tơ, phường 7, quận 8), luôn ám ảnh về một “mẹ mìn” xuất hiện ngay trong nhà mình. Ở nhà hay bất cứ đâu, bé đều sợ mở cửa và e dè với người lạ. Chỉ cần ngồi xa người thân là bé hoảng hốt “đừng để bắt con đi nhé!” khiến gia đình ai nghe cũng xót xa.

Nguồn cơn nỗi sợ hãi là lúc bé 3 tuổi, qua trung tâm môi giới, chị D. thuê Ngô Thị Bích Ngọc (SN 1966, quê Sóc Trăng), đến giúp việc nhà. Sau một tuần tập huấn cho Ngọc quen với em bé và công việc nhà, chị D. đi làm trở lại. Thỉnh thoảng, chị gọi điện về hỏi thăm tình hình đều không được, sốt ruột, chị D. về nhà thì phát hiện đồ đạc trong nhà đã bị xới tung, mất 1 lắc tay bằng vàng và 1 đôi bông tai hột xoàn, người giúp việc và con gái đều không thấy.

Sau đó, cháu bé được công an giải cứu an toàn nhưng suốt những năm qua và chưa biết đến bao giờ, vết thương tinh thần của cháu mới phai mờ. Trước tổn thương của con, chị D. chỉ còn biết trách mình đã quá tin người lạ, không biết gốc gác, lai lịch Ngọc thế nào mà giao con, giao nhà cho Ngọc giữ.

Đại úy Lưu Hữu Phước, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận 8 cho biết, những đối tượng có ý đồ xấu muốn lợi dụng việc làm osin nhằm tiếp cận gia đình khá giả để gây án thường có nguồn gốc không rõ ràng, luôn có điều gì đó úp mở mập mờ, khó hiểu. Các gia đình nên để ý kỹ và có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Trước khi giao công việc cụ thể (chăm sóc em bé, làm việc nhà…), các gia đình nên có buổi nói chuyện thẳng thắn với người giúp việc để nắm bắt tâm tư, tìm hiểu về gia cảnh nhằm “loại” ngay những trường hợp nghi vấn.

Chủ nhà nên đăng ký tạm trú cho người giúp việc.

Thượng tá Trần Văn Quảng, Phó Trưởng phòng 4, C45 khuyến cáo: Các trung tâm GTVL thường không có đầy đủ giấy tờ, không xác minh được lý lịch của người lao động cần việc nhưng “ăn” phí giới thiệu của cả 2 bên - bên cần người giúp việc và bên cần việc. Sau đó, trung tâm chỉ viết giấy giới thiệu có ghi địa chỉ gia đình cần thuê để người cần việc tự tìm đến và coi như… hết trách nhiệm. Chủ nhà cũng không xác minh, vô tư giao con, giao nhà cho người lạ. Đây là sơ hở lớn của các trung tâm GTVL cũng như chủ nhà, đã tạo điều kiện cho kẻ gian dễ dàng thực hiện âm mưu.

Khi các gia đình có nhu cầu tìm người giúp việc nên yêu cầu người tìm việc có sơ yếu lý lịch đầy đủ, qua đó thận trọng tìm hiểu, xem xét lai lịch, hoàn cảnh gia đình, công việc người giúp việc trước kia ra sao. Sau đó, các gia đình phải ra công an phường đăng ký tạm trú cho người giúp việc. Cần tìm hiểu kỹ cơ sở pháp lý, uy tín, thời gian hoạt động của các trung tâm GTVL để hạn chế những trường hợp đáng tiếc. Cơ quan chức năng cần thanh kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động GTVL của các trung tâm GTVL cũng như xóa các trung tâm GTVL không phép.

Khiết Nhung – Mạnh Hòa

Tin cùng chuyên mục