Ông giáo làng canh giữ chim trời

Ông giáo làng canh giữ chim trời

Từ 10 năm trước, vườn cò nhà ông Đặng Đình Quyển từng được xem như một trong những vườn cò lớn nhất ở Việt Nam. Đặc biệt hơn, người ta còn biết đến tấm gương cao cả của một thầy giáo làng đã gần 30 năm cuộc sống tuy nghèo nhưng vẫn cố giữ lấy cái cò, cái vạc, cái nông để chúng không “đậu phải cành mềm”.

Ông Quyển bên chòi canh vườn cò.

Ông Quyển bên chòi canh vườn cò.

Đến nay ông giáo làng đó đã nghỉ hưu nhưng tình yêu với chim, cò, vạc thì vẫn luôn luôn cháy bỏng trong ông, người ta thường nói nghỉ hưu để an dưỡng tuổi già, tìm thú vui điền viên nơi thôn dã nhưng với ông Quyển lại khác, ông nghỉ hưu để có điều kiện chăm lo tốt hơn cho đám chim trời đã trót gửi thân nơi vườn cây rộng 3 ha của gia đình mình.

Gần 30 năm trước, hồi ông Quyển còn gắn bó với bục giảng, bỗng dưng một hôm những vườn cây bạch đàn, cây vải thiều cao lớn trong vườn nhà ông trở thành nơi cho đám cò, đám vạc, vịt trời về đây làm tổ, trú ngụ đông đúc. “Đất lành… cò đậu”, ông Quyển thấy thế phấn khởi, ông nói: “Cò, vạc tìm đến gửi thân thì mình phải có trách nhiệm bảo vệ chúng”. Ông tâm sự với vợ, nhà mình nghèo nhưng phúc trời ban cho vườn cò lớn vậy, phải cùng nhau chăm sóc.

Tiếp chuyện với chúng tôi ông Quyển hào hứng nói: “Nghiệp giáo làng nghèo, trước đây chẳng ai biết tôi nhưng từ ngày có vườn cò, được đón tiếp nhiều đoàn khách, từ Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng, cả những vị lãnh đạo từ Trung ương, đoàn khách từ miền Nam và cả khách nước ngoài về tham quan, tôi thấy vui lắm”.

Chiều tà, chúng tôi có mặt tại vườn cò nhà ông Đặng Đình Quyển ở xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang (Bắc Giang). Khách vừa ngồi xuống, ông nói ngay: “Cò vạc năm nay đẹp lắm anh à, con nào con ấy đều phát triển tốt, chúng về sớm và làm tổ chi chít trên cây bạch đàn, tôi đếm chỉ riêng một cây bạch đàn có trên 20 tổ cò trên đó…, kể ra chăm cò vất vả thật nhưng không có nó cũng buồn lắm! “Chim trời cá nước” thích chúng ở, không thích chúng bay đi, ai mà giữ được”.

Còn nhớ vài năm trước, vườn cò nhà ông được báo chí trong và ngoài nước ca ngợi hết lời, được nhiều người biết đến, ông Quyển còn tự hào khi được mời đi đây, đi đó, được nhận bằng khen này, giải thưởng khác của các tổ chức, cơ quan và gia đình ông thấy vui và mát mặt với bà con lối xóm. Vậy nên ông càng phấn khởi và quyết tâm giữ cho bằng được vườn cò quý giá này, vợ chồng ông thay nhau trông cò, hễ ông ở vườn trong thì bà ra vườn ngoài, thoáng đó đã được gần 30 năm rồi.

Vườn cây nhà ông cây nào cũng to nhưng không thể chặt vì sợ ảnh hưởng đến cò, vải thiều trồng cũng không thể thu hoạch vì phân cò phủ trắng lên cây, có ra quả cũng chẳng thể… ăn được, phân của chúng còn làm chết nhiều cây, ông Quyển lại phải trồng xen kẽ thêm cây vào đó.

Chiều tà, đàn cò bắt đầu quay về vườn nhà ông Quyển trú ngụ. Ảnh: C.T.V.

Chiều tà, đàn cò bắt đầu quay về vườn nhà ông Quyển trú ngụ. Ảnh: C.T.V.

Nói về nỗi vất vả của việc canh giữ chim trời, ông Quyển tâm sự: “Giá tối hôm qua các anh ở đây sẽ biết, đêm qua tôi vừa “chiến đấu” với lũ “cò tặc”. Suốt đêm không ngủ, đứng trên chòi canh muỗi đốt sưng cả chân tay mà lũ săn bắn cò vẫn cứ hết tốp này đến toán nọ, kéo đến tính ra có khoảng 10 tốp khác nhau vượt rào thép gai vào vườn cò săn bắn. Ánh đèn pha mạnh làm kinh động đến lũ cò. Ban đầu, khoảng 11 giờ đêm, một nhóm 5 đứa, người nồng nặc mùi rượu đòi vào bắn cò, tôi lớn tiếng xua đuổi mãi chúng mới đi, hết toán này đi, toán khác đến rình rập, không lúc nào tôi được yên với chúng. Nếu các anh muốn xem, tối nay ở lại đây sẽ thấy, bọn “cò tặc” lì lợm lắm, hết nói nhẹ nhàng rồi đến cầu xin chúng tha cho lũ cò nhưng có lúc chẳng ăn thua gì. Công an xã ở mãi ngoài xa, gọi họ vào đến nơi chúng mới bỏ chạy nhưng cũng có hôm, công an xã đành “bất lực” vì lực lượng chúng rất đông, lại sẵn có súng săn… dọa đánh cả công an”.

Ông Quyển cho biết đã nhiều lần ông bị “cò tặc” tấn công, đánh đập làm rách mấy chiếc áo.

Mỗi buổi chiều tà, ông Quyển đều ra vườn, lặng lẽ đứng ngóng những đàn cò đi kiếm ăn xa trở về đậu trắng vườn nhà mới thấy yên tâm. Gần 30 năm sống chung với lũ cò, ông hiểu hết cả những thói quen, thuộc tính của cò, vạc, “lúc cò về tổ thì vạc mới bắt đầu đi kiếm ăn”, lũ cò rất thính và sợ ánh sáng, ban đêm thấy có ánh đèn rọi vào, tiếng động lạ, chúng kêu la dữ lắm, cứ mỗi lần như thế ông biết ngay bọn săn cò đã nhảy vào vườn, “tôi phải bật dậy ngay, chỉ chậm một lúc là đã có… án tử cho vài chú cò rồi”, ông nói. Những hôm mưa bão lớn làm hất đổ tung tổ cò rơi xuống đất, cò mẹ, cò con kêu tớn tác, không đành lòng ông lại ngậm ngùi nhặt xác cò con đem chôn, con nào còn sống ông dùng cây sào đưa lên tổ.

Ngồi nhìn đám cò trắng muốt đông nghịt trên vườn, những tổ cò chi chít trong vườn nhà, ông lại lặng lẽ leo lên chòi ngồi “gác” cho cò ngủ. Đã gần 30 năm, vợ chồng ông giáo làng vẫn vui khi được làm “nô bộc” cho cò.

Nguyễn Văn Hưởng

Tin cùng chuyên mục