Ở nơi gánh thuyền ra biển

Gánh thuyền bên chân sóng
Ở nơi gánh thuyền ra biển

Bãi ngang Quảng Bình có nhiều mảnh làng không có luồng lạch. Làng phải vận công sức người gánh thuyền ra biển. Những làng như thế có thời gian gánh thuyền qua nhiều thế hệ ngót nghét vài thế kỷ qua. Nhiều cuộc đời bãi ngang đang cực khổ vì mớ cá đánh bắt không nhiều, nhưng đất làng họ vẫn giữ, nhà phía xóm họ vẫn ở, con cái vẫn sinh ra và được dạy dỗ thương yêu tôn trọng cát làng.

Triềng thuyền như một nét sinh hoạt khó khăn nhưng mang tình tập thể cao.

Gánh thuyền bên chân sóng

Làng biển xã Hải Ninh lúc ba giờ sáng mỗi ngày, từng tốp người lao xao lội cát, lao xao nói chuyện, lao xao với chân sóng. Họ đang triềng thuyền. Triềng là thổ ngữ làng biển ở đây nói về việc gánh thuyền. Với cái dùi gỗ dài, to, chắc làm từ táu rừng để khỏi bị nước biển ướp mục, họ kêu đó là đòn triềng, đòn triềng cũng là biệt ngữ của vùng quê này và các xứ lân cận. Đàn bà cũng triềng thuyền, đàn ông cũng triềng thuyền ra biển.

Thuyền nan ở đây đến 400 chiếc, ngày nào vợ con của ngư phủ cũng phải triềng thuyền. Họ gánh một đầu mũi rồi xoáy tròn trên cát. Muốn cho thuyền xuống biển thì cố xoay cho vòng tròn chúi xuống; muốn thuyền lên khỏi chân sóng, họ xoay cho mũi thuyền hướng lên rồi xoay từng vòng để đưa thuyền lên xuống. Đang cùng chồng triềng thuyền xuống biển, chị Trương Thị Lần thở hắt một hơi rồi nói: “Ngày mô cũng triềng ri hết. Làng tui nghèo nên đi biển theo cách nghèo. Chẳng có bạc đóng thuyền lớn như các làng khác có cửa sông rộng nên phải triềng thủ công. Thuyền hư hỏng thì triềng ngái (xa) hơn để sửa. Còn không thì ngày hai bận, hai vợ chồng cùng triềng với mấy đứa con hay nhờ hàng xóm cùng triềng.

Mỗi buổi sáng của mùa đánh bắt, họ cần cù như những con dã tràng để ra vùng biển gần bờ mong kiếm con cá, con tôm đắp đỗi qua ngày. Cụ Trương Lắn nói: “Gánh thuyền như rứa từ ngày lập làng chú ạ. Gánh mãi thành quen. Không gánh thì không có ăn”. Họ gánh truyền đời, truyền lớp người. Thế nên, mỗi bận gánh thuyền ra biển, có nơi, có nhóm lại hát cho bữa gánh nhọc nhằn bớt đơn điệu, vơi chút vất vả: “Thương em eng qua gánh nốc (thuyền)/ Mắt nhìn ưng gánh luôn phần đời của em”. Nghe rứa, con gái làng biển cũng đáp lại: “Eng gánh được, thiếp cũng chìa vai/ Gánh luôn cá biển eng đưa lên thuyền”...

Đường về xứ cát

Ai sống ở làng cát bãi ngang xưa, chắc chắn không thể quên những tháng ngày làng không có đường. Chỉ lội trên cát thành lối mòn. Người đi ra biển ban sớm bước thành dấu chân để người sau đi thành lối mòn. Đi trên cát hướng ra biển không định được đường, chỉ xem ánh bình minh hay nghe tiếng sóng mà bước. Từ nhà này sang nhà khác, hay từ xóm này sang xóm khác có khi đi lối mòn này, nhưng hôm sau lại theo lối mòn khác. Bởi, ban đêm, những tràng gió nam thổi rào rạt đã đưa cát khỏa lấp lối đi. Ở làng Thanh Bình (Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình), những năm 90 của thế kỷ trước, làng vẫn chưa có đường chính, trục lộ là trảng cát dài từ đầu thôn đến cuối xóm. Muốn ra với thế giới bên ngoài phải lội bộ vượt cát. Người làng chỉ có cách đi dép bè bằng gỗ bện quai từ lưới rách. Dép gỗ phải to để khỏi lún. Đám thanh niên vì xấu hổ với dép bè nên lội chân đất. Muốn vượt cát, phải đi từ sáng sớm lên phố huyện nhằm tránh bị cát nung bỏng chân. Đi đến chiều mịt mới về cho cát nguội, mát chân mới có mặt với cát làng. Lão ngư Phạm Đồng nói: “Đi bộ trên cát rứa cũng đã mấy trăm năm. Chừ làng có đường rồi, nhưng trong nhiều việc biển cả vẫn lội cát ra đó, chả xe cộ gì”.

Trở lại mảnh cát Hải Ninh. Xưa cũng như ốc đảo, chẳng có đường. Những rú cát cao ngất, ngước nhìn đã chói lóa. Người làng cứ đi theo hướng tự định khi vượt ra khỏi làng để hòa nhập với nhóm bán gánh cá đánh được. Họ trèo hết rú này đến rú khác, vượt thung cát này đến thung cát khác. Chân trần có người chai sần, “vô nhiễm” với cái nóng như rang của cát bỏng. Chị Lần ở làng vẫn hay kể: “Con nít sinh ra ngủ vùi trong cát, nậy lên trong cát, ăn uống lẫn cát. Gió lào thổi to thì cái gì cũng có cát, nhai vào cứ rào rạo, rào rạo nhưng cũng nậy hết”.

Khi văn minh về

Làng tôi cũng trong số những làng bãi ngang như thế. Và bãi ngang thì văn minh của điện, đường thường về muộn nhất. Ngày có điện, cả làng sáng trưng, cả làng cười nói lao xao như cát nổ mùa nắng, cả làng trầm trồ ngạc nhiên ánh sáng ngược với đèn dầu, cả làng thức chong mấy đêm liền chỉ để ngắm cái sợi tóc đỏ cháy trong bóng đèn nho nhỏ. Từ ánh điện đó mà đường sá kiên cố bằng bê tông được đưa về làng. Trảng cát lối mòn xưa thành lối đi vững chắc, những thứ văn minh cứ thế theo đường về với người làng xứ biển. Người trước tha về quạt cóc, người sau học theo đưa về quạt máy. Cứ thế từng người cần mẫn chắt chiu sức lực từ con cá, con tôm biển mà mua bán, đổi chác để có cái ti vi đen trắng, ti vi màu hay tủ lạnh theo ngã đường làng băng cát về quê. Lũ con nít chúng tôi, ngày có đường, có điện, học hành bổng sáng bụng hơn bữa đèn dầu leo lét, đen thui lỗ mũi vì hít khói đèn.

Khi có ánh đèn đường thẳng tắp vượt xóm, vượt cát, người làng bãi ngang hội nhập với xứ ruộng cách tập đi xe đạp. Lúc người làng cát có xe đạp thì phía quốc lộ đã bon bon những chiếc xe máy kim vàng giọt lệ, hay Dream mới cóng. Người làng cát lúc đó, những năm cuối của thế kỷ trước, già trẻ, gái trai đều tập xe đạp. Họ tập từ sáng sớm, rồi chiều tối sau mỗi chuyến biển lộng gần bờ. Bữa đầu nhờ bạn bè bên kia làng ruộng về tập, sau cha tập cho con, chồng tập cho vợ. Chiếc xe mới lắp ráp quý hơn vàng. Nhiều người ngã sóng soài, da thịt trầy xước, có người nằm viện nhưng vẫn coi xe có hư hỏng gì không mới đến xem người đau đớn ra sao. Có bữa, trạm y tế xã nhập vào đông đúc người tập lái xe. Rứa nhưng, sáng hôm sau, làng vẫn rào rào giọng tập “lái sang trái, lái sang phải, đi ở giữa, tránh tránh tránh”...

Có chiếc xe đạp, người nào khá giả lại tậu chiếc xe máy. Tiếng tập xe máy nổ ran cả làng, ai nấy nhìn vào lạ lẫm. Tập xe máy cũng ngã chỏng vó, cũng té dọc đường, rồi lao vô bụi. Nhưng ai cũng thích, nằm một hôm ở trạm xá đã xin về để tập tiếp. Tập xong còn lành lại gánh thuyền ra biển làm ngư phu trên sóng cả quê hương.

Nay làng bãi ngang còn cách gánh thuyền và đánh bắt thủ công y hệt như mấy trăm năm trước cha ông họ lập thành quê hương bản quán. Mọi thứ khác đã đổi đời để trẻ con được sống tốt hơn, vui vẻ hơn, sức khỏe hơn, có chăm sóc y tế nhiều hơn. Xưa, đẻ ra, trẻ con chỉ được chăm sóc bằng nước cơm bỏ chút đường phèn để tẩm bổ, đó là cách đặc biệt nhất mà người lớn chu đắp. Con nít đen nhẻm chạy lau nhau trên cát. Những thế hệ đói sữa cứ ngằn ngặt lớn lên, thế mà làng vẫn bền dai, chẳng ai rời bỏ bản quán làng cát. Nay, làng đã văn minh hơn, có đường xuyên những rú cát sa mạc để ra với thế giới bên ngoài. Con em phía cát đã học hành thành đạt, có người đi lính biển, có người đi dạy, cũng có người làm đến cấp tướng.

Mỗi mảnh làng nhỏ bé trên cát, đều có gia phả dòng họ tổ tiên truyền lại. Các câu chuyện tôi nghe được về tấm lòng xứ biển, đấng cao minh nào vì nghĩa lớn đều có dòng máu làng biển đóng góp con cháu của họ đi theo lời thề nước non. Từ xa xưa của những triều Lý, Trần, Lê đến thời Quang Trung-Nguyễn Huệ đều có người theo nghiệp đuổi giặc. Nay, trong các nghĩa trang liệt sĩ làng, bên những tượng đài Tổ quốc ghi công, làng cát nào cũng có rất nhiều con em của họ bỏ lại nắm xương ở bao sa trường.

Mấy trăm năm, những chiếc thuyền như ở Hải Ninh, Thanh Bình... nhỏ bé, nhưng lòng người biết gánh hết cả lòng yêu giang san. Họ gánh thuyền như gánh đời, gánh đời như gánh nước non của làng. Cát làng vì thế mà bền dai muôn đời, gánh hết những hòn máu sinh ra phía bờ.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục