Người đưa hang động Việt Nam ra thế giới

Nguyễn Châu Á, từng rời Quảng Bình vào TPHCM lao động, sau đó trở lại quê hương khởi nghiệp dự án đưa hang động Việt Nam ra thế giới. Anh chọn tên một loài cây nhỏ bé để đặt cho công ty của mình: Chua Me Đất (Oxalis), ở đó quy tụ những huyền thoại khám phá, phát hiện, đưa hình ảnh những hang động “độc nhất vô nhị” ra mắt du khách quốc tế. 
Người đưa hang động Việt Nam ra thế giới

Nguyễn Châu Á, từng rời Quảng Bình vào TPHCM lao động, sau đó trở lại quê hương khởi nghiệp dự án đưa hang động Việt Nam ra thế giới. Anh chọn tên một loài cây nhỏ bé để đặt cho công ty của mình: Chua Me Đất (Oxalis), ở đó quy tụ những huyền thoại khám phá, phát hiện, đưa hình ảnh những hang động “độc nhất vô nhị” ra mắt du khách quốc tế. 

Điểm đến thú vị

Nguyễn Châu Á lập Công ty Oxalis khi hệ thống hang động ở Quảng Bình đang tìm cách quảng bá để thu hút du khách quốc tế. Năm 2011, công ty được thành lập và quy tụ các chuyên gia hàng đầu của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, trong đó có ông Howard Limbert. Ông Hồ Khanh, người tìm ra nhiều hang động lớn, trong đó có Sơn Đoòng, cũng được mời về làm việc.

Ban đầu, công ty lên kế hoạch mời hơn 50 tờ báo lớn của Mỹ, Anh như New York Times, Foxnews, MSN, Dailymail, Huffington Post... sang vùng miền núi hẻo lánh Quảng Bình của Việt Nam để tận “mắt thấy, tai nghe” những hang động bí ẩn. Dự án giới thiệu đầu tiên là hệ thống hang động Tú Làn ở huyện rẻo cao Minh Hóa. Nơi đây có 23 hang động dài hàng chục cây số, liên thông với nhau trong các thung lũng tuyệt đẹp và chỉ mới sử dụng 8 hang động để phát triển du lịch mạo hiểm. Đó là một vùng hoàn toàn còn vô danh trước công chúng thế giới. Nguyễn Châu Á được đoàn thám hiểm Anh quốc tư vấn, đẩy mạnh truyền thông bằng hình ảnh, bài vở với báo giới quốc tế. Một chiến dịch được thực hiện bài bản và du khách thế giới đến với Tú Làn ngày càng nhiều. Người dân vùng Tân Hóa từ chỗ xa lạ với khách phương Tây thì nay nhiều hộ gia đình đã mở dịch vụ buôn bán phục vụ du khách. Ông Cao Xuân Hòa kể: “Du khách thế giới đổ về Tân Hóa ngày mỗi đông, những món khoai, sắn, cá khe… được họ thích thú, đã tạo thêm việc làm cho bà con địa phương. Từ chỗ không ai biết Tú Làn, nhờ Oxalis mà nay trên thế giới biết đến nhiều hơn”.

Tú Làn đã được lên các mặt báo và tạp chí lớn như National Geographic, trang web du lịch toàn cầu... Nhìn những hình ảnh hang động, giới du lịch thế giới có vô số bình luận ngỡ ngàng, họ thừa nhận đó là nơi có phong cảnh đẹp, hữu tình chưa được trải nghiệm qua. Bước đầu, Oxalis đã biến nơi vô danh thành điểm đến toàn cầu mà ngày nay tour du lịch đến với Tú Làn luôn đông khách đối với các hãng lữ hành Việt Nam và quốc tế.

Đưa Hollywood về quê hương

Sau thành công với Tú Làn, Nguyễn Châu Á liền nghĩ đến cách thực hiện truyền thông đẳng cấp hơn với hệ thống hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Đó là những tháng ngày nung nấu ý chí làm sao đưa hang Én, Sơn Đoòng… với những thông số đẳng cấp thế giới lên truyền hình quốc tế, bởi trong mắt của các thành viên Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, Sơn Đoòng và hang Én có cấp độ kiêu hãnh như chinh phục ngọn núi cao nhất thế giới trong rặng Hymalaya. Giữa mùa đông rét mướt bên bếp lửa cùng những anh em gùi, thồ hàng hóa cho du khách, anh Á nghĩ cần một chương trình lớn hơn. Vậy là kế hoạch thuyết phục truyền hình Mỹ được đặt ra. Á gửi thư mời, thương thảo tài chính, cách thức thực hiện và hãng truyền hình lừng danh ABC đã chọn điểm đến cho chương trình truyền hình trực tiếp Good Morning America (Chào buổi sáng nước Mỹ). Có đến hơn 6 triệu công dân Mỹ và thế giới xem trực tiếp, hơn 10 triệu lượt xem trên internet khi chương trình được thực hiện vào tháng 5-2015. Chương trình còn gây ấn tượng mạnh bởi được truyền trực tiếp hình ảnh từ các flycam trong và ngoài hang động. Ấn tượng đến mức tại Liên hoan Phim tài liệu thực hiện bằng thiết bị bay, tổ chức ở Mỹ vào tháng 3-2016, buổi tường thuật trực tiếp từ hang Én và Sơn Đoòng nhận giải thưởng cao nhất.

Nguyễn Châu Á trong hang Sơn Đoòng

Khi báo chí thế giới, các hãng truyền hình đã đặt chân đến và khán giả toàn cầu đều có phản hồi tích cực, người Mỹ khi xem những hình ảnh trên ABC đã đặt nhiều câu hỏi là vì sao Hollywood không tìm đến đây làm phim? Và Á đã gửi email cho hãng Lagendary Pictures của kinh đô điện ảnh thế giới. Họ có phản hồi yêu cầu gửi hình ảnh để các chuyên gia xem xét. Khi các hình ảnh được chuyển đi, hàng loạt cuộc điện thoại, email qua lại rất tốt. Hollywood bắt đầu chú ý đến “vương quốc” hang động của Việt Nam. Không chỉ Quảng Bình, Nguyễn Châu Á còn lên danh sách các địa chỉ du lịch khác để lực lượng tiền trạm phim trường đi khảo sát. Nhiều chuyến tìm hiểu của đoàn làm phim Kong: Skull Island đã bí mật tìm hiểu tại Quảng Bình, Ninh Bình, Hạ Long, Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nội, TPHCM... và bộ phim bom tấn này đã chọn các cảnh quay ở Quảng Bình, Ninh Bình, Hạ Long giúp hiệu ứng tốt về hình ảnh Việt Nam trước cộng đồng du lịch quốc tế. Và sắp tới, Nguyễn Châu Á còn có dự án truyền thông lớn hơn nữa nhưng anh nói chưa thể bật mí vì đối tác yêu cầu giữ bí mật.

Chiến lược phát triển

Khi khởi nghiệp bởi loại hình du lịch mới về hang động, Nguyễn Châu Á không lấy Sơn Đoòng để đặt tên cho công ty của mình. Anh Á mở lòng: “Lấy tên Chua Me Đất (Oxalis) để không bị nhầm lẫn với một địa danh nổi tiếng. Vì nếu thành công thì ai cũng biết, còn không sẽ tự giải tán. Oxalis cung cấp những thứ khách cần như trải nghiệm trong rừng già, ngủ trong rừng nhiệt đới, vì phương Tây hết rừng nguyên sinh, chỉ có rừng ôn đới. Oxalis chuyên nghiệp hóa sản phẩm đặc thù chứ không mở rộng đại trà nhiều thứ và mô hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng nên có ý nghĩa thiết thực hơn”.

Khi được hỏi trong thời gian ngắn đã mời được các tờ báo, hãng thông tấn lớn của thế giới, ngay cả hãng phim từ kinh đô điện ảnh Hollywood cũng đến thì có chất “liều” trong đó? Nguyễn Châu Á nhún vai: “Liều! Phải liều mới làm được, liều ở đây là dám đầu tư và tin vào cái mình làm, nghiên cứu, khảo sát nghiêm túc với chuyên gia nước ngoài”.

Tú Làn, nơi vô danh thành điểm đến toàn cầu

Các chuyên gia khẳng định, Oxalis đã biến được nơi vô danh thành điểm nhấn du lịch mạo hiểm nên đang được các nước như Malaysia, Indonesia, Trung Quốc tiếp nhận và định hướng loại hình du lịch hang động ở nước họ. Cũng vì thế, Nguyễn Châu Á đang tiếp tục cộng tác với các chuyên gia từ Anh, Mỹ... tìm cách để Việt Nam với hạt nhân là Quảng Bình, trở thành “kinh đô du lịch hang động” của thế giới. Nguyễn Châu Á tin rằng, với quê hương của mình, anh có kế hoạch chuyển đến giới lãnh đạo tỉnh cảm hứng rằng: “Chiến lược của tỉnh và ngành du lịch Việt Nam cần quy hoạch khu vực du lịch mạo hiểm, thậm chí kết nối với Hin Nam Nô (Lào) để thiết lập vòng cung từ đường 20 sang Lào và quay về bằng đường 12 qua cửa khẩu Cha Lo. Mở rộng các loại hình du lịch khác như leo núi, thể thao dù lượn… Thiết lập cơ chế quảng bá, đẩy mạnh các loại hình này lên tầm thế giới”.

Trong khi đó, Oxalis cũng đã đào tạo hơn 300 người dân bản địa giỏi vận động mạo hiểm để khuân vác, thồ hành lý cho các tour thám hiểm hàng đầu, với mức thu nhập mà nhiều người dân địa phương cho biết rất cao. Tuy nhiên, họ không được tiết lộ mức lương của mình với người ngoài, bởi đó là cam kết nằm trong hợp đồng. Nguyễn Châu Á đã làm được điều mà từ nhỏ ở làng Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch anh từng mơ ước. Khi vào TPHCM học ngoại ngữ, anh đã cố gắng học tập, lao động cật lực để khi trở về đã đưa hình ảnh quê hương ra với toàn cầu. Biết tình yêu quê hương như thế nên Nguyễn Châu Á rất được các đối tác nước ngoài đánh giá cao và bắt tay hợp tác nhiều dự án mới để hang động Việt Nam tiếp tục lộng lẫy, hùng vĩ trên thế giới.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục