Làm giàu trên đất “nghèo”

Từ hai bàn tay trắng với công việc làm thuê nay đây mai đó, nhưng ông Trần Xuân Hoàng, 46 tuổi, trú ở thôn Xuân Lập, xã Cam Tân (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) đã trở thành nông dân xuất sắc trên con đường làm giàu bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi. Ông là tấm gương sáng của nông dân Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển.
Làm giàu trên đất “nghèo”

Từ hai bàn tay trắng với công việc làm thuê nay đây mai đó, nhưng ông Trần Xuân Hoàng, 46 tuổi, trú ở thôn Xuân Lập, xã Cam Tân (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) đã trở thành nông dân xuất sắc trên con đường làm giàu bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi. Ông là tấm gương sáng của nông dân Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển.

Từ làm thuê đến làm chủ

Cam Tân đất chật người đông, điều kiện khí hậu vùng quê bán sơn địa này cũng chẳng ưu ái gì nhiều cho những nông dân chân chất ở đây. Vậy nên, từ trong tiềm thức của những nông dân nơi đây đã sớm hình thành đức tính siêng năng, cần mẫn chịu khó mới có cái ăn. Ông Trần Xuân Hoàng là một trong những số đó. Năm 1996, Trần Xuân Hoàng mới lập gia đình, khi đó của hồi môn của vợ chồng trẻ chính là sức lao động và những hoài bão tương lai. Lấy vợ không bao lâu, gia đình đông anh em, ruộng vườn ít nên vợ chồng Hoàng rời nhà bố mẹ đi ở thuê. Vốn không có nghề nghiệp chính, nên công việc của vợ chồng trẻ là nghề “thợ đụng”, ai thuê gì làm đó, miễn kiếm được tiền sống qua ngày. Năm tháng trôi đi, tiền làm thuê cũng có dư chút đỉnh, ông dồn vào thuê đất để trồng mía, bởi ông Hoàng nhận rõ, ở vùng nông thôn, nếu không có đất thì không có cái ăn. Ban đầu có ít tiền nên ông chỉ thuê được 3 sào đất, sản xuất có lãi, lại chắt chiu thuê thêm đất. Cứ vậy, tiền lãi thu được từ trồng mía trên đất đi thuê, ông Hoàng mua đất rẫy. Nhiều năm lao động không biết mệt nhọc, vợ chồng ông đã mua được hàng chục hécta đất. Ông Hoàng tâm sự: “Tôi không được học hành như nhiều người khác nên không có sự lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân. Hồi đi làm thuê, tôi khát khao được canh tác trên đất của chính mình. Nay điều đó đã thành hiện thực, tôi rất vui vì có thể từ đây, cuộc sống sẽ bước sang ngã rẽ tốt đẹp hơn”.

Khi có trong tay hàng chục hécta đất, cuộc sống đã không còn cảnh chạy ăn từng bữa, nhưng hoài bão và khát khao làm giàu trong ông Hoàng cho bản thân và xã hội vẫn trỗi dậy từng ngày. Trong suy nghĩ của ông, có đất, có cái ăn, có cái dành dụm nhưng để tạo nên sự đột phá thì chỉ có siêng năng thôi chưa đủ. Vậy là, ông đi khắp nơi tìm tòi những mô hình sản xuất giỏi, đặc biệt là học hỏi và tiếp cận các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, giá trị cho cây trồng để đem lại thu nhập cao. Để tiếp cận những thứ đang cần, ông Hoàng tìm đến các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Ban đầu ông học ở các lớp tập huấn do địa phương tổ chức, sau đó học hỏi thực tế từ những mô hình sản xuất hiệu quả ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Sau khi học được khá nhiều các mô hình tiên tiến trong nước, ông Hoàng thực nghiệm ngay trên diện tích đất đã có. Gần 2 năm vừa làm vừa học, ông Hoàng thấy năng suất đã khá hơn trước, tiền thu về cũng cao hơn nhiều lần. Nhưng rồi, bấy nhiêu đó cũng chưa đủ, ông muốn đi tìm những mục tiêu xa hơn, để thoát khỏi cái bóng “tiểu nông”.

Qua thông tin báo chí, ông thấy ở Thái Lan nghề nông rất phát triển, nhiều nông dân trở thành những ông chủ lớn, điều này ở Việt Nam chưa nhiều. Vậy là ông bay sang Thái xem cách nông dân họ làm giàu. Trở về từ xứ sở Chùa Vàng, tầm mắt của ông đã được mở rộng và thấy cách mình làm nông nghiệp thua nước bạn rất xa. “Ở Thái Lan, người dân trồng mía tập trung với những cánh đồng mẫu lớn, từ 100 - 500ha. Quan trọng hơn, họ ứng dụng tối đa cơ giới vào khâu làm đất, làm cỏ, phun thuốc, thu hoạch, tưới nước… nên cho năng suất rất cao và giảm rất nhiều công lao động. Tất nhiên hiệu quả thu về lại rất cao và nhiều nông dân Thái họ sống rất sung túc”, ông Hoàng kể lại.

Ông Hoàng chăm sóc chiếc máy cày như người bạn đồng hành

Quả ngọt trên đất cằn

Khi đã có những kiến thức về những mô hình kinh tế tiêu biểu, ông về áp dụng thực nghiệm vào 25ha đất sản xuất, trong đó 7ha trồng mía, 13ha trồng mì, 2ha trồng điều và 3ha trồng xoài. Đầu tiên, ông Hoàng mạnh dạn loại bỏ giống mía năng suất kém hiệu quả, thay vào đó là các giống mía của Thái Lan. Bên cạnh đó, ông dùng máy cày lên luống trong khâu làm đất trồng mía, mì bằng máy cày, cắt mì bằng máy cưa; sử dụng phân bón vi sinh, sử dụng thuốc trừ sâu theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách và đúng lúc. Ông còn đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống nước tưới cho mía, mì. Nhờ vậy, năng suất mía ban đầu chỉ đạt 35 tạ/ha, nay tăng lên 75 tạ/ha; năng suất mì từ 12 tấn/ha, tăng lên 26 tấn/ha… Số nhân công chăm sóc đã giảm một nửa so với trước khi không áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Ngoài ra, ông Hoàng còn áp dụng hiệu quả biện pháp luân canh cây trồng, cứ 3 năm trồng mía, lại xen vào 1 năm trồng mì. Vì thế, chẳng ai ngạc nhiên khi ông Hoàng thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng từ 25ha đất sản xuất. Ông bộc bạch: “Hồi mình làm thuê, tiền kiếm được ít nên chỉ mua được những khu đất mảnh đất cằn cỗi, thổ nhưỡng không tốt, do đó cách duy nhất là tìm cách làm giàu cho đất để đất làm giàu cho chính mình”.

Mặt khác, nhờ chăm học, cả 3 đứa con ông đều thi đậu vào đại học. Đối với một nông dân chưa một ngày đến trường như ông Hoàng, đó là niềm vui tột đỉnh. Ngày chúng tôi đến, nhiều vườn cây trái của người dân Cam Tân đã ngả vàng, riêng vườn cây của ông Hoàng vẫn đầy ngắt màu xanh. Có được điều này, chính vì ông đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt như ở Israel. Ông Hoàng chia sẻ, tình trạng thiếu nước tưới trong những năm gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cây trồng khiến nhiều người thất bại. Vì vậy, từ nhiều năm qua, ông Hoàng đã nghiên cứu chuyển đổi cây trồng cho phù hợp. Gia đình ông đã chuyển 3ha trồng mì ở vùng xa nguồn nước tưới sang trồng các giống xoài cho năng xuất cao và chịu hạn như xoài Úc, Đài Loan… Ông Hoàng cũng là một trong những người đầu tiên ở vùng chuyên canh xoài Cam Lâm áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Hệ thống tưới này giúp tiết kiệm nước, giảm công tưới và nhất là giúp vườn xoài giảm phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên, qua đó giúp năng suất, chất lượng quả xoài ổn định.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình làm kinh tế của ông còn giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 35 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, ông Hoàng còn cho 10 hộ nghèo ở địa phương vay vốn không tính lãi với số tiền hàng trăm triệu đồng để họ đầu tư sản xuất, qua đó giúp những hộ này thoát nghèo. Ông Hoàng cũng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với hàng trăm người trong và ngoài tỉnh đến tham quan học hỏi mô hình sản xuất của gia đình. Hàng năm, vào dịp lễ, tết gia đình ông Hoàng cũng trích từ 30 - 40 triệu đồng tặng quà, giúp đỡ người nghèo. Ông Nguyễn Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Tân, cho biết mô hình sản xuất của ông Hoàng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao và có khá nhiều hộ nông dân khác đến học hỏi và đã thành công. Đáng quý hơn nữa, ông Hoàng luôn tận tình giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn cả về vốn, kỹ thuật sản xuất; qua đó giúp nhiều hộ thoát nghèo. Ông là tấm gương sáng vươn lên làm giàu và cũng là một trong 63 nông dân đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” nhất năm 2015.

Văn Ngọc

Tin cùng chuyên mục