Sẽ không còn “viên chức suốt đời”

Chiều 24-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (CBCC) và Luật Viên chức.
ĐBQH Nguyễn Đức Sáu
ĐBQH Nguyễn Đức Sáu

Giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND: không thể máy móc

Thảo luận về luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, phải quy định rõ về vấn đề phân quyền, phân cấp. Cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn để tạo tự chủ cho địa phương, tránh lãng phí về bộ máy, nguồn lực, kinh phí. Mỗi nơi có một điều kiện khác nhau, nên nếu không có sự phân quyền phân cấp hợp lý sẽ dẫn đến chồng chéo, điều hành không đồng bộ, nên trao quyền tự chủ cho địa phương. “Hiện nay phân quyền phân cấp chủ yếu mới chỉ dừng ở chủ trương, chưa cụ thể. Cần có một đánh giá toàn diện về việc phân quyền phân cấp hiện nay để chỉ rõ việc gì cấp nào làm, hoàn thiện dự thảo để đến kỳ họp sau Quốc hội thông qua”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương chưa bắt kịp được tinh thần của Hiến pháp, mô hình tổ chức chính quyền địa phương vẫn cào bằng, giống nhau ở các vùng miền, chưa thể hiện rõ tính chất của từng nơi đô thị, nông thôn, hải đảo, vì thế chưa tạo được động lực, chưa phát huy được sức mạnh của từng địa phương. “Nếu thông qua luật này mà Quốc hội không có Nghị quyết giao cho Chính phủ nghiên cứu thêm để đưa vào luật thì sẽ không giải quyết được các bất cập hiện nay”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói và đề nghị nghiên cứu toàn diện việc thực hiện của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương để sửa đổi phù hợp với thực tiễn, không cản trở sự phát triển. Bởi nếu chỉ sửa như dự thảo thì không giải quyết được những vướng mắc hiện nay, không phù hợp với thực tiễn.

Sẽ không còn “viên chức suốt đời” ảnh 1 ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm

Về giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng HĐND rất quan trọng, nhất là trong nhiệm vụ giám sát, đòi hỏi bộ máy phải đủ mạnh. “Bộ máy HĐND được tổ chức gọn nhẹ, nhưng đòi hỏi lại rất cao. Không giữ thì thôi, sao lại giảm? Đề nghị có đánh giá một cách đồng bộ, không thể bằng ý chí rằng phải giảm”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn nêu.

ĐB Nguyễn Đức Sáu (TPHCM), cũng cho rằng, HĐND muốn hoạt động hiệu quả thì phải có bộ máy đủ mạnh. ĐB không đồng tình giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện. “Hiện nay anh em ở HĐND làm việc rất nhiều, thiếu cả thời gian chăm sóc gia đình”, ĐB Nguyễn Đức Sáu nói.

Vẫn theo ĐB Nguyễn Đức Sáu, ví dụ TPHCM có 7-8 triệu dân phải khác với đơn vị hành chính chỉ có vài triệu dân, khác với địa phương thu ngân sách chỉ bằng một phần. ĐB đề nghị sửa luật phải để cơ chế thí điểm cho TPHCM. Với vị trí đầu tàu, TPHCM phải có bộ máy, lực lượng khác với những nơi khác.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng cho rằng, nên căn cứ vào số lượng đại biểu HĐND bầu để quy định số lượng Phó Chủ tịch HĐND, không nên quy định cứng nhắc, cào bằng như vậy, không phù hợp.

Nói thêm, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng, số lượng phải linh hoạt, tùy điều kiện từng nơi, không thể quy định một con số máy móc, làm sao để không tùy tiện nhưng cũng không được gây khó khăn cho thực tiễn.

Đồng tình đưa vào luật quy định xử lý kỷ luật với CBCC đã nghỉ hưu

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức, ĐB Lâm Quang Đại (TPHCM) đồng ý đưa vào luật hình thức kỷ luật đối với CBCC đã nghỉ việc nhưng băn khoăn về việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức. “Giáng chức nặng hơn cảnh cáo, nhưng nhẹ hơn cách chức. Nếu bỏ giáng chức thì sẽ không nghiêm trong thực thi, vì cách chức thường là vi phạm rất nặng. Khoảng cách từ cảnh cáo đến cách chức rất xa, nếu bỏ giáng chức thì có phù hợp không, cần tính toán”, ĐB Lâm Quang Đại nói.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nêu ý kiến, giữa thi tuyển và xét công chức thì chỉ nên chọn 1, chọn cách nào minh bạch, ít tiêu cực nhất. “Chính phủ phải giải trình rõ cơ sở để chọn cách nào. Dù thi hay xét thì tiêu chí cũng phải rõ ràng, để bảo đảm không có tiêu cực”, ĐB nói. Hầu hết các ĐB đồng tình đưa vào luật quy định xử lý kỷ luật với CBCC đã nghỉ hưu.

Về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới, Chính phủ trình Quốc hội thể hiện theo phương án 1, đó là công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tình trạng “không có vào, có ra”, tâm lý “viên chức suốt đời” trong đội ngũ viên chức.

Về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, qua tổng hợp, ý kiến các bộ ngành, địa phương đều nhất trí với việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác…

Tin cùng chuyên mục