Tạo động lực kích cầu tiêu dùng

Theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, doanh nghiệp được khuyến mãi, giảm giá 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ, thay vì mức trần 50% như trước đây. Quy định mới này được coi là bước tiến nới trần quan trọng so với quy định hiện hành.
Tăng khả năng tiêu thụ 
Nghị định này quy định hạn mức khuyến mãi, giảm giá của hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể, trong trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mãi tập trung thì được áp dụng khuyến mãi, giảm giá 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nhóm hàng mang tính thời vụ và thời thượng như hàng may mặc thời trang, hàng công nghệ vốn có đặc tính mẫu mã liên tục thay đổi, dễ dàng áp dụng khi có nhu cầu giải phóng hàng tồn. Nói cách khác, doanh nghiệp sẽ chủ động cân đối để đưa ra các chương trình giảm giá cạnh tranh nhất có thể. Từ đó, có lợi cho người tiêu dùng. Điển hình là các dịp mua sắm cao điểm như dịp lễ tết, việc giảm giá sâu sẽ giúp người có thu nhập trung bình nhiều cơ hội mua sắm hơn. 
Tạo động lực kích cầu tiêu dùng ảnh 1 Khuyến mãi là động lực để kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, những năm trước đây, doanh nghiệp dệt may trong nước thường tập trung khai thác thị trường xuất khẩu. Trung bình mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam đạt trên dưới 30 tỷ USD. Tuy nhiên, gần đây rào cản xuất khẩu tại thị trường các nước dựng lên dày đặc với những tiêu chuẩn ngặt nghèo về an toàn lao động, môi trường, an toàn sức khỏe người tiêu dùng… khiến các doanh nghiệp trong nước xoay trở ngày càng khó khăn. Chưa kể, doanh nghiệp dệt may Việt còn bị cạnh tranh gay gắt giá thành bởi doanh nghiệp tại một số quốc gia như Bangladesh, Campuchia, Myanmar…
Do vậy, những năm gần đây, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có xu hướng quay lại đầu tư một phần vào thị trường nội địa. Thế nhưng, trong nước cũng có rào cản thị trường về quy định khuyến mãi đã gây khó cho doanh nghiệp. Đặc biệt vào dịp cuối năm, các doanh nghiệp thường có nhu cầu giải quyết hàng tồn kho. 
Trên thực tế, yếu tố khuyến mãi tác động rất lớn đến quyết định của người tiêu dùng. Chị Phan Hà My, ngụ đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, chia sẻ: “Nếu cùng là sản phẩm dầu ăn, tôi thường tìm mua sản phẩm của doanh nghiệp có chương trình giảm giá. Còn với sản phẩm không khuyến mãi tại các siêu thị thì chỉ mua khi thực sự cần thiết hoặc đợi đến khi có chương trình khuyến mãi mới mua”.
Tương tự, với nhiều khách hàng đang mua hàng tại siêu thị Aeon Mall Tân Phú cho rằng, chương trình khuyến mãi là yếu tố luôn hấp dẫn họ đến các siêu thị và quyết định mua hàng nhiều hay ít.  
Đại diện Saigon Co.op cho biết, hiện hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đang áp dụng các chương trình khuyến mãi song song giữa các tuần với chương trình khuyến mãi định kỳ, như sinh nhật hệ thống Co.opmart, Tiêu dùng xanh… xuyên suốt đều có hàng Việt tham gia giảm giá. Trong đó, có chương trình Tự hào hàng Việt được đồng loạt tổ chức vào tháng 9 hàng năm, là tháng tập trung quảng bá kích cầu hàng Việt. 
Kiểm soát thị trường tốt hơn
Có thể nói, so với những chuyển biến không mấy tích cực chung của thị trường bán lẻ thì hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op vẫn duy trì tốt sức mua chung trên cả nước. Thông thường những tháng đầu năm, người dân ưu tiên mua sắm mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ giúp doanh số các mặt hàng này tăng cao so với các ngành hàng khác, thì những tháng qua xu hướng này có phần dịch chuyển. Sức mua có dấu hiệu chuyển biến tích cực hơn, các ngành hàng hóa mỹ phẩm, như may mặc thời trang, dụng cụ nhà bếp bắt đầu được người tiêu dùng chọn mua, giúp sức mua đang lấy đà tăng. Thế nhưng, để có thể tăng sức mua trên thị trường, không thể phủ nhận vai trò hết sức quan trọng của hoạt động khuyến mãi, giảm giá. 
Cùng với những lợi ích mà nghị định mới mang lại, ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng lo ngại khi doanh nghiệp ngoại có tiềm lực kinh tế mạnh, cũng sẽ dễ dàng giảm giá sâu và liên tục để cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước. Tại cuộc họp bàn giải pháp “Phát tăng nội lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước” do UBND TPHCM tổ chức vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo nội lực vốn, công nghệ của doanh nghiệp trong nước còn yếu. Giữa các doanh nghiệp trong cùng hiệp hội ngành nghề hoặc những ngành nghề có khả năng tương trợ đang thiếu sự liên kết, dẫn đến không tạo nội lực cạnh tranh tổng thể với doanh nghiệp ngoại. 
Mặt khác, với sản phẩm địa phương của nhà phân phối ngoại lại có sự liên kết chặt chẽ. Mối liên kết này không chỉ thể hiện giữa doanh nghiệp sản xuất cùng ngành hoặc ngành có tính chất tương trợ nhau mà còn giữa doanh nghiệp sản xuất với nhà phân phối. Theo đó, để chiếm lĩnh thị trường, doanh nghiệp sản xuất sẽ giảm giá thành xuống bằng giá vốn.
Ngược lại, nhà phân phối sẽ giảm tỷ lệ chiết khấu cho doanh nghiệp cung ứng hàng. Đây là điểm mấu chốt khiến doanh nghiệp nội không thể cạnh tranh lại về giá thành sản phẩm tại thị trường nội địa.
Do vậy, cùng với việc nới lỏng quy định khuyến mãi, thúc đẩy kích cầu tiêu dùng, các cơ quan chức năng cũng cần có những quy định hiệu quả nhằm kiểm soát thị trường, tránh để các doanh nghiệp có tiềm lực lớn thao túng thị trường, gây áp lực cho các doanh nghiệp nhỏ.

Tin cùng chuyên mục