Tập đoàn Tân Mai đầu tư nhà máy mới và phát triển vùng nguyên liệu

Tân Mai là doanh nghiệp tiên phong thực hiện việc di dời nhà máy ra khỏi thành phố Biên Hòa theo lộ trình thực hiện chuyển đổi chức năng quy hoạch từ khu công nghiệp sang đô thị của Đồng Nai được thủ tướng phê duyệt. Hiện nay Tập đoàn đang triển khai xây dựng nhiều nhà máy mới và phát triển vùng nguyên liệu để bước vào giai đoạn phát triển mới.
Tập đoàn Tân Mai đầu tư nhà máy mới và phát triển vùng nguyên liệu

Đầu tư công nghệ cao

          Sau một thời gian khó khăn do việc di dời các nhà máy, Tập đoàn Tân Mai đã tập trung khôi phục, ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, tập đoàn đã chủ động đầu tư thêm nhiều nhà máy mới ở các địa bàn trọng điểm phía Nam. Tích hợp với kế hoạch tạo vùng nguyên liệu dài hạn, Tân Mai đã bước đầu hoàn thiện nền tảng cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp giấy về dài hạn. Hiện nay, Tập đoàn đã và đang phát triển các nhà máy. Theo đó, Nhà máy Bột giấy và giấy Tân Mai - Kon Tum đang hoàn thiện phần việc thiết kế kỹ thuật và thiết kế xây dựng. Tổ chức đấu thầu xây dựng nhà xưởng và đấu thầu mua máy móc thiết bị bổ sung, phấn đấu triển khai xây dựng nhà xưởng trong năm 2018. Triển khai lắp đặt thiết bị vào giữa năm 2019 với mục tiêu hoàn thành dự án vào cuối quý IV/2019 và đưa vào hoạt động vào đầu quý I/2020. Quy mô của dự án 70.000 tấn bột BCTMP/năm trên diện tích đất sử dụng là 57,76 ha, tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng. Nhà máy Giấy Tân Mai Miền Đông đang triển khai thực hiện hợp đồng với các nhà thầu nước ngoài, tiến độ thực hiện hợp đồng 20 tháng. Quy mô của dự án 200.000 tấn giấy BBCN/năm, tổng vốn đầu tư 2.757 tỷ đồng.

Tập đoàn Tân Mai đầu tư nhà máy mới và phát triển vùng nguyên liệu ảnh 1
           Về dự án Nhà máy Bột giấy và Giấy Tân Mai Quảng Ngãi sau quá trình thực hiện đầu tư dự án Nhà máy Bột giấy và giấy Tân Mai Quảng Ngãi, do gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng khu vực xây dựng nhà máy và thu hẹp diện tích trồng rừng nguyên liệu giấy của chính quyền địa phương từ hơn 40.000ha xuống còn 286ha. Do đó, Tập đoàn Tân Mai quyết định đầu tư thêm nhà máy giấy tại Dự án Tân mai Miền Đông (Long Thành,  Đồng Nai) và nhà máy bột giấy tại Dự án Tân Mai Kon Tum hiện hữu, cùng với việc chuyển toàn bộ dây chuyền thiết bị của nhà máy giấy Tân Mai Quảng Ngãi vào lắp đặt tại nhà máy Tân Mai Miền Đông và dây chuyền thiết bị bột BCTMP (hóa cơ) vào lắp đặt tại nhà máy Bột giấy Tân Mai Kon Tum. Ngoài ra, nằm trong danh mục đầu tư, Tập đoàn Tân mai đang Hoàn thiện các thủ tục pháp lý để UBND tỉnh Kon Tum cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án khu công nghiệp Đăk Tô - Kon Tum và triển khai thực hiện trong thời gian tới.

          Để đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án, Tập đoàn đã hợp tác đầu tư khai thác các quỹ đất hiện có để đảm bảo đáp ứng đủ vốn tham gia dự án Nhà máy Giấy Tân Mai Miền Đông và Nhà máy Bột giấy và Giấy Tân Mai Kon Tum. Hội Đồng Quản Trị đang xem xét cân đối huy động vốn từ việc chuyển nhượng cổ phần tại các Công ty hợp tác đầu tư trên các quỹ đất của Công ty sao cho có hiệu quả nhất. Ông Trần Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Mai cho biết, song song với việc phát triển vùng nguyên liệu dài hạn, việc đầu tư các nhà máy giấy là nổ lực của tập đoàn trong việc nội địa hóa thị phần giấy, giúp doanh nghiệp nội cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường nội địa. Qua đó, giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm với giá thành rẻ hơn, khuyến khích ý thức bảo vệ môi trường và góp phần vào các chương trình trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Trong xu hướng đa lợi ích đó, Tân Mai đặt mục tiêu là doanh nghiệp tiên phong và đã có những bước chuẩn bị kỹ càng để cạnh tranh trong dài hạn.

 Phát triển vùng nguyên liệu

          Nằm trong chiến lược dài hạn phát triển mảng nông - lâm nghiệp, trong thời gian vừa qua, Tập đoàn Tân Mai đã tập trung xây dựng quỹ đất lâm nghiệp và vùng nguyên liệu rộng lớn, trải dài hầu khắp các tỉnh thành phía Nam. Hiện nay, Công ty đang quản lý rừng và đất rừng trên các khu vực Đăk Lăk, Đăk Nông, Lông Đồng, Đồng Nam Bộ, Quảng Ngãi và Kon Tum là 31.105,72 ha, trong đó đất đang sử dụng là 24.172,35 ha bao gồm rừng tự nhiên 2.865,7 ha, rừng thông 10.217,78 ha, rừng keo 6.713,99 ha, cao su 59,88 ha và liên kết trồng cây nông nghiệp là 4.315 ha. Tính đến cuối năm 2017, quỹ đất doanh nghiệp đang nắm giữ đất đã có sổ 15.054,16, đất đang làm sổ 8.630,13 ha và đất liên kết 7.421,43 ha. Trong năm 2017, công ty đã trồng được 542,36 ha tại các khu vực Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và Đông Nam Bộ và đang quản lý bảo vệ rừng với diện tích là 17.379,98 ha. Đã khai thác thực tế rừng keo là 1.404,08 ha và tỉa thưa rừng thông thực tế là 1.511,17 ha. Trong năm 2018, Công ty sẽ tiếp tục triển khai công tác chăm sóc, quản lý bảo vệ diện tích rừng hiện hữu… Sắp tới, công tác trọng điểm là tiếp tục rà soát các qũy đất của Công ty tại khu vực Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Thuận, Lâm Đồng và Đồng Nai, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư hoặc thành lập các Công ty cổ phần đầu tư & phát triển với mô hình Công - nông - lâm nghiệp để quản lý và khai thác nhằm sử dụng đất đạt hiệu quả cao nhất.

         Ông Trần Thịnh Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Mai cho biết, việc phát triển quỹ đất lâm nghiệp và mở rộng nguồn nguyên liệu sẽ tiếp tục được doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ trong thời gian tới. Để đạt được các mục tiêu đề ra, HĐQT tập đoàn sẽ tiếp tục tái cơ cấu về tài chính để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai và thực hiện đầu tư các dự án.  Hoàn thiện bộ máy quản lý và nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu hoạt động của công ty. Giám sát và chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn của Công ty tại các công ty liên kết nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng vốn và tạo nguồn vốn phục vụ đầu tư các dự án. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tỉa thưa và khai thác rừng thông để tạo nguồn thu, phát triển thêm các dự án trồng rừng. Tân Mai hướng đến việc phát triển bền vững bằng chiến lược đầu tư vùng nguyên liệu giấy với kế hoạch khai thác dài hạn 20  và 25 năm tùy loại rừng.                                                                              

Tin cùng chuyên mục