Tết 2019, dồi dào nguồn thực phẩm tươi sống

Các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến và trứng gia cầm phục vụ tiêu dùng dịp Tết Kỷ Hợi 2019 đã được các doanh nghiệp, nhà phân phối tại TPHCM chuẩn bị với sản lượng tăng bình quân khoảng 30% so với mùa kinh doanh tết năm trước.
Hàng hóa trên thị trường cung ứng đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng
Hàng hóa trên thị trường cung ứng đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng

Không lo thiếu thịt

Các mặt hàng thịt gà, thịt heo, thịt bò được tiêu thụ mạnh trong những ngày cuối năm và ngày tết cổ truyền. Hoạt động chăn nuôi năm nay thuận lợi hơn khi không bị dịch bệnh hoành hành diện rộng. Từ đó, việc dự trữ, gầy đàn gà, heo cũng thuận lợi hơn. Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân, cho biết để chủ động nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết 2019, công ty đã chuẩn bị dựa trên 2 yếu tố là tạo nguồn hàng và lưu thông phân phối. Sản lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường tết của công ty tăng 20% - 30% so với tết trước.

Một thương hiệu khác trong ngành thịt gia cầm là Công ty TNHH San Hà sẽ đưa ra thị trường tết 5.000 tấn thịt gia cầm, tăng 20% so với những tháng bình thường. Trong đó, sản phẩm gà ta thảo mộc San Hà sẽ là mặt hàng độc đáo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong những ngày tết cổ truyền. Công ty cũng dự kiến tăng sản lượng gà ta từ 400 tấn lên 600 tấn/tháng, gà thả vườn từ 500 tấn lên 600 tấn/tháng, sản phẩm thịt gà pha lóc các loại từ 800 tấn lên 1.250 tấn/tháng, thịt vịt nguyên con từ 500 tấn lên 600 tấn/tháng, gà công nghiệp giữ nguyên mức 2.000 tấn/tháng.

Bên cạnh công tác tạo nguồn thịt, khâu phân phối cũng được các doanh nghiệp lên kế hoạch chi tiết để hàng hóa đến được tay người tiêu dùng nhanh chóng. Theo đại diện Công ty TNHH San Hà, công ty đã có kế hoạch chuẩn bị từ khâu nguyên liệu (chăn nuôi), kiểm soát đánh giá nguồn tiếp nhận, đến việc triển khai sản lượng giết mổ, vận chuyển (tăng thêm từ 5 - 10 xe tải chuyên dụng) nhằm kịp thời phân phối nguồn hàng phục vụ thị trường. 

Còn Công ty cổ phần Ba Huân với nguồn hàng đã chủ động sẵn, doanh nghiệp đẩy mạnh hàng hóa vào các kênh siêu thị và chợ truyền thống để phục vụ nhu cầu người dân. Ngoài ra, công ty còn có những chuyến hàng lưu động đến các khu vực người dân có nhu cầu cao như khu công nghiệp hay khu chế xuất. “Đặc biệt, chúng tôi cam kết không tăng giá mà còn giảm giá ở một số mặt hàng, chẳng hạn như trứng gà và trứng vịt”, ông Phạm Thanh Hùng khẳng định.

Đa dạng sản phẩm

 Một điều có thể khẳng định rằng, tết năm nay giá thịt sẽ cao hơn những năm trước. Ở thời điểm hiện tại, giá thịt heo đã tăng hơn hồi đầu năm 2018. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), trong quý 3-2018, sản lượng thịt heo tăng hơn 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Và trong quý 4 này, dự báo sản lượng thịt sẽ còn tăng hơn nữa, bởi giá heo hơi hồi phục và nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao sẽ kích thích hoạt động chăn nuôi. 

Về phía Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho hay, doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng thực phẩm tăng từ 15% - 20% so với mùa tết năm trước với trị giá khoảng 800 tỷ đồng. Trong đó, thực phẩm tươi sống là 3.200 tấn, thực phẩm chế biến 2.800 tấn. Các sản phẩm đều được công ty đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng. 

Bên cạnh đó, Vissan còn ra mắt thị trường 13 sản phẩm mới, thuộc 4 nhóm thực phẩm, phù hợp với từng phân khúc khách hàng khác nhau. Đó là sản phẩm thịt heo sấy rong biển, da heo giòn với 3 hương vị (nhóm ăn vặt); Happy Meal (đồ hộp kết hợp bánh cracker), xúc xích Lucky và cá viên phô mai (nhóm tiện lợi); pa-tê gan hảo vị, cá sốt cà Mai Vàng, chả giò hải sản đặc biệt và 3 loại há cảo (nhóm bữa cơm gia đình). 

Theo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa tết, hầu hết hàng thực phẩm, gia cầm… đều được các đơn vị này phân phối tại các điểm bán hàng bình ổn của TPHCM cũng như các điểm bán hàng do doanh nghiệp phát triển. Đơn cử như Công ty TNHH San Hà phát triển được hơn 450 điểm bán hàng bình ổn thị trường tại hệ thống các siêu thị (Co.opmart, Satrafood, BigC, Aeon, Auchan…), chợ bán lẻ. Đặc biệt, công ty cũng phát triển được chuỗi cửa hàng tiện ích riêng mang thương hiệu San Hà Foodstore. Hay Vissan ngoài chuỗi cửa hàng thực phẩm rộng khắp TPHCM, công ty cũng có mạng lưới phân phối tại các chợ và hệ thống siêu thị lớn của thành phố gồm Saigon Co.op, Lotte Mart…

Đảm bảo giá ổn định

Theo Sở Công thương TPHCM, bên cạnh nguồn cung ứng hàng hóa do các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị và đăng ký trước, 3 chợ đầu mối lớn của thành phố gồm Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức cũng có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tươi sống dồi dào để phục vụ người tiêu dùng, tránh tình trạng tăng giá đột biến trong các ngày giáp tết.
 
Cụ thể, khoảng một tháng trước Tết Nguyên đán, tiểu thương ở 3 chợ này sẽ tăng lượng hàng dự trữ lên từ 30% - 60%, đặc biệt là tuần lễ giáp tết. Trong đó, chợ Bình Điền có lượng hàng đặt tại các tỉnh miền Tây như tôm, cá, thịt gia súc, gia cầm, hải sản khô… dự trữ để bán trong dịp tết tăng khoảng 30% ngay từ đầu tháng Chạp âm lịch. Còn tuần lễ giáp tết, sản lượng sẽ tăng thêm 50% - 60% (khoảng 3.600 - 4.000 tấn/ngày). Một số mặt hàng thế mạnh riêng của chợ như thịt heo, rau củ cũng chuẩn bị tăng gấp 2 lần, trái cây tăng hơn 4 lần so với ngày thường.

Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức  -  nơi tập trung lớn nhất rau củ quả và hoa tươi từ các tỉnh miền Đông Nam bộ (Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai) với số lượng từ 7.000 - 10.000 tấn hàng/ngày vào thời điểm giáp tết. Tương tự, chợ đầu mối Hóc Môn cũng có thế mạnh về rau quả, nông sản tươi với nguồn cung từ các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và TPHCM.

Theo Sở Công thương TPHCM, thương nhân ở các chợ đầu mối còn liên kết chặt chẽ với nguồn cung ở nhiều địa phương bằng cách ứng vốn và mở trạm thu mua tại tỉnh để đảm bảo nguồn cung hàng hóa tết. Do vậy, thị trường TPHCM không lo thiếu hụt hàng thực phẩm tươi sống trong mùa mua sắm tiêu dùng cuối năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.

Tin cùng chuyên mục