Phe áo đỏ chuẩn bị “hồi kết” cho chính phủ Thái Lan

Phe áo đỏ chuẩn bị “hồi kết” cho chính phủ Thái Lan

Theo Bangkok Post, lực lượng Mặt trận Thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) ngày 15-4 đã rời bỏ “căn cứ địa” cầu Phan Fa để dồn hầu hết lực lượng về giao lộ Ratchaprasong.

Natthawut Saikua, một thủ lĩnh của UDD, cho biết “chính phủ muốn có Phan Fa, chúng tôi rời Phan Fa. Phe áo đỏ sẽ tập trung ở Ratchaprasong. Chúng tôi không muốn có thêm cảnh đổ máu”. Thêm rất nhiều lều bạt đã được dựng lên tại Ratchaprasong trong ngày 15-4.

Người biểu tình nghỉ ngơi tại Tượng đài Dân Chủ, Bangkok.

Người biểu tình nghỉ ngơi tại Tượng đài Dân Chủ, Bangkok.

Đây là một bước thay đổi trong chiến thuật của UDD trong nỗ lực nhằm gia tăng sức ép lên Chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Ratchaprasong là nơi tập trung nhiều trung tâm thương mại, một điểm đến của rất nhiều khách du lịch khi đến xứ chùa Vàng. Nếu phe áo đỏ tiếp tục kéo dài cuộc biểu tình, thiệt hại về kinh tế cho Thái Lan là không nhỏ.

Hơn nữa, chính phủ sẽ không dám thẳng tay trấn áp bởi có thể làm hư hại các trung tâm mua bán cao cấp tại Ratchaprasong. Theo Chủ tịch Hiệp hội thương mại Ratchaprasong, Chai Srivikorn, cuộc biểu tình của UDD đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc kinh doanh tại Ratchaprasong với thiệt hại ước tính vào khoảng 31 triệu USD/ngày.

Giới kinh doanh tại Ratchaprasong như ngồi trên đống lửa “khi không biết bao giờ biểu tình mới chấm dứt”. Jatuporn Prompan, một thủ lĩnh của UDD, cho rằng đây là bước chuẩn bị cho “hồi kết” đối với Thủ tướng Abhisit và chính phủ Thái Lan. Với chiến thuật mới này, UDD kỳ vọng sẽ thành công trong việc ép ông Abhisit phải giải tán Hạ viện.

Tờ Nation của Thái Lan nhận định, sau khi Ủy ban bầu cử (EC) ra quyết định kiến nghị Tòa án Hiến pháp giải tán Đảng Dân chủ của ông Abhisit, Thủ tướng Thái Lan đang rơi vào tình thế vô cùng khó khăn. Những người ủng hộ Đảng Dân chủ coi động thái của EC là một sự cảnh báo rằng nếu ông Abhisit vẫn không từ bỏ quyền lực, thì sẽ chịu kết cục như người tiền nhiệm Somchai.

Quân đội, trong nỗ lực tránh một cuộc đổ máu tương tự ngày 10-4, dường như ngày càng xa rời chính phủ. Trong khi đó, các thành viên trong liên minh cũng đòi Thủ tướng Abhisit sớm đưa ra lộ trình rõ ràng về giải tán Hạ viện và sửa đổi hiến pháp. Các áp lực đa diện ngày một tăng, từ phía áo đỏ, quân đội, các đảng trong liên minh và EC, đang đẩy ông Abhisit vào giữa một “bãi mìn”.

Cùng ngày, người phát ngôn chính phủ Thái Lan, Panitan Wattanayagorn, cho biết “chính phủ sẵn sàng đàm phán vào bất cứ thời điểm nào phe áo đỏ muốn”, đồng thời tái khẳng định Thủ tướng Abhisit  sẽ không nhượng bộ trước các yêu sách đòi giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm của UDD.

Một số báo chí nước ngoài cho biết, tình hình bất ổn chính trị tại Thái Lan hiện không những ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế và người dân Thái Lan ở Bangkok, mà còn ảnh hưởng đáng kể việc buôn bán của người Việt tại Thái Lan. Biểu tình khiến lượng khách du lịch sang Thái Lan giảm hẳn, ảnh hưởng lớn đến việc làm ăn của các tiểu thương người Việt. Trong khi đó, lượng lao động Việt Nam thất nghiệp do biểu tình cũng tăng cao. Một lao động người Việt tại Thái Lan cho hay: “Các ông chủ người Thái không buôn bán được và lực lượng lao động người Việt sang đây làm ăn phải nghỉ việc một thời gian”.

V.C.

Tin cùng chuyên mục