Các nước Ảrập tiếp tục bất ổn

Người dân Ai Cập nổi giận
Các nước Ảrập tiếp tục bất ổn

Mùa xuân đến, thế giới Ảrập tiếp tục bất ổn khi người dân các nước này đòi chấm dứt các chế độ độc tài và thực thi nền dân chủ. Trong khi người biểu tình rầm rộ tràn xuống đường đòi quá trình chuyển giao quyền dân chủ thì các nước lớn vẫn tiếp tục tranh cãi về tương lai của những quốc gia trên.

Người dân Senegal biểu tình phản đối việc Tổng thống Abdoulaye Wade tranh cử nhiệm kỳ 3. Ảnh: AFP

Người dân Senegal biểu tình phản đối việc Tổng thống Abdoulaye Wade tranh cử nhiệm kỳ 3. Ảnh: AFP

Người dân Ai Cập nổi giận

Chiều 27-1, hàng ngàn người dân đã đổ về quảng trường Tahrir của thủ đô Cairo để biểu tình, kêu gọi thay đổi dân chủ tích cực vốn vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ đến nay. Ít nhất 27 tổ chức dân chủ đã tham gia biểu tình. Họ yêu cầu quân đội nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự, sớm xét xử ông Mubarak cùng các trợ lý, đồng thời cải tổ bộ máy nhà nước bị đe dọa bởi nạn tham nhũng, chấm dứt việc xét xử dân thường tại tòa án binh.

Người dân Ai Cập cho rằng quân đội được sự hậu thuẫn của Mỹ đã bội ước với những cam kết cải  cách. Họ chỉ biết lạm dụng những biện pháp tàn bạo để cản trở người biểu tình, nhất là phụ nữ, không khác gì so với thời của ông Mubarak.

Trong khi tổ chức “Anh em Hồi giáo” tổ chức kỷ niệm một năm ông Mubarak bị lật đổ trong niềm hân hoan, phấn khởi thì phần lớn người dân Ai Cập tham gia biểu tình ngày 27-1 đều cho rằng: “Chẳng có mục tiêu nào của cuộc cách mạng đạt được. Họ tổ chức ăn mừng vì điều gì? Vì họ đã chiếm được số ghế cần thiết của Hạ viện mà thôi!”. “Anh em Hồi giáo” - lực lượng chính trị có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại Ai Cập cuối tuần trước được công bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong mấy chục năm qua.

Loay hoay tìm hướng đi

Theo AFP, cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohammed ElBaradei - chính khách đối lập ở Ai Cập ngày 27-1 đã đề xuất: Hạ viện mới thành lập cần bầu tổng thống lâm thời. Song song đó là soạn thảo Hiến pháp mới nhằm định rõ hệ thống chính trị Ai Cập, đảm bảo một nhà nước dân sự, quyền và tự do cho người dân. Tổng thống mới sẽ được bầu ra dựa theo các quyền được quy định trong Hiến pháp.

Đối với Syria, nhiều nước châu Âu và Ảrập ngày 27-1 đã kêu gọi HĐBA LHQ ủng hộ kế hoạch của Liên đoàn Ảrập (AL) về cuộc khủng hoảng ở Syria. Theo đó, Tổng thống Bashar al-Assad sẽ phải từ chức. Morocco đã đệ trình lên LHQ một dự thảo nghị quyết, do các nước Ảrập cùng Anh, Pháp và Đức soạn thảo lên HĐBA nhằm chấm dứt bất ổn tại Syria.

Trong diễn biến liên quan, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin nói rằng dự thảo nghị quyết về Syria được lưu hành tại HĐBA ngày 27-1 là không chấp nhận được ở một số phần nhưng Nga sẵn sàng cùng thảo luận về văn kiện này.

Quan sát viên của AL đã tạm ngừng sứ mệnh giám sát tại Syria do bạo lực leo thang. Theo AFP, chỉ trong 2 ngày qua, ít nhất 120 người thiệt mạng do bị quân đội chính phủ đàn áp, đặc biệt là ở thành phố Homs, Hama và vùng phía Bắc Idlib. Đây cũng là lần đầu tiên có người biểu tình thiệt mạng tại Aleppo, thành phố lớn thứ 2 ở Syria.

Diễn biến ở Syria ngày càng khó kiểm soát. Đây cũng là lý do để các quốc gia phương Tây cũng như AL sử dụng để làm áp lực với Tổng thống Bashar al-Assad.

Ở quốc gia Tây Phi Senegal, bạo loạn bùng phát đêm 27-1 ở thủ đô Dakar khiến 1 cảnh sát thiệt mạng, nhiều người thương vong. Người dân xuống đường phản đối việc Hội đồng lập hiến của nước này đã bật đèn xanh cho đương kim Tổng thống Abdoulaye Wade (85 tuổi) chạy đua vị trí tổng thống nhiệm kỳ 3.

Trước đó, Hiến pháp Senegal đã được sửa đổi để giới hạn nhiệm kỳ tổng thống ở mức 2 nhiệm kỳ. Ông Abdoulaye Wade được “đứng ngoài” Hiến pháp với lý do nhiệm kỳ đầu tiên của ông bắt đầu từ năm 2000, khi Hiến pháp mới chưa có hiệu lực.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục