Cơ chế giám sát ngân hàng duy nhất cho eurozone

Thành lập cơ chế kiểm soát 6.000 ngân hàng
Cơ chế giám sát ngân hàng duy nhất cho eurozone

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), diễn ra trong 2 ngày 18 và 19-10, đã kết thúc với những quyết tâm của các nhà lãnh đạo EU trong việc giải quyết tình trạng căng thẳng trên thị trường tài chính, khôi phục lòng tin và khuyến khích tăng trưởng cũng như việc làm. Đúng như nhận xét của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy tại buổi họp báo khi kết thúc hội nghị, đây là một hội nghị có hiệu quả.

Biểu tình phản đối chính sách khắc khổ của Chính phủ Anh ngày 20-10.

Biểu tình phản đối chính sách khắc khổ của Chính phủ Anh ngày 20-10.

Thành lập cơ chế kiểm soát 6.000 ngân hàng

Kết thúc ngày đầu tiên của hội nghị, sau 10 giờ thảo luận, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết 27 lãnh đạo EU đã nhất trí thông qua một khung pháp lý vào ngày 1-1-2013 nhằm trao toàn bộ trách nhiệm giám sát hệ thống ngân hàng cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Theo đó, toàn bộ 6.000 ngân hàng trong khu vực eurozone sẽ chịu sự giám sát của ECB vào năm 2014. Đầu tiên là các ngân hàng nhận cứu trợ của nhà nước, rồi đến các ngân hàng liên quốc gia lớn hơn. Phần lớn hoạt động giám sát công việc kinh doanh hàng ngày sẽ do các cơ quan giám sát từng nước thực hiện.

Thành lập một liên minh ngân hàng hiệu quả được Quỹ Tiền tệ quốc tế và các nhà kinh tế thị trường coi là bước đi chủ chốt trong giải quyết khủng hoảng nợ công kéo dài đã 3 năm ở khu vực eurozone. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sẽ mất vài tháng để cơ chế liên minh ngân hàng này có hiệu quả toàn diện. Việc EU xây dựng cơ chế giám sát chung là bước đi quan trọng, phá vỡ vòng luẩn quẩn giữa nợ công và khủng hoảng ngân hàng. Tuy nhiên, theo Reuters, nhiều điểm chi tiết của cơ chế này vẫn còn gây tranh cãi, như ESM có đi kèm với cơ chế để cứu trợ trực tiếp các ngân hàng hay không. Thách thức cũng nảy sinh từ các nước không thuộc eurozone vì ECB chỉ quản lý các nước thành viên eurozone.

Xác định đối tác chiến lược của EU

Trong ngày họp thứ hai của hội nghị, các nhà lãnh đạo EU cũng thảo luận sâu về mối quan hệ với các đối tác chiến lược, trong đó nhấn mạnh đến mối quan hệ chiến lược giữa EU-Trung Quốc tại thời điểm Trung Quốc đang chuẩn bị có sự chuyển giao lãnh đạo. Ông Barroso, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho rằng mối quan hệ cùng có lợi với Trung Quốc không chỉ có ý nghĩa quan trọng với EU và cho sự thịnh vượng của Trung Quốc mà còn cho cả phần còn lại của thế giới.

Người đứng đầu cơ quan hành pháp EU cho biết ông sẽ cùng với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy tham dự Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) lần thứ 9 tại Lào và thực hiện một loạt chuyến thăm ngắn tới các nước Đông Nam Á. Tại đây, vấn đề thương mại sẽ là ưu tiên hàng đầu của chương trình nghị sự nhằm tạo ra sức bật lớn hơn cho mối quan hệ giữa hai châu lục này.

Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã đề cập tới những vấn đề liên quan đến ngân sách chung và khuôn khổ chính sách kinh tế - những vấn đề sẽ được bàn thảo kỹ hơn trong thời gian tới. Các nhà lãnh đạo khối này đã thể hiện quyết tâm vạch được một lộ trình cụ thể để đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12 tới. Họ thừa nhận rằng quá trình tiến tới một liên minh về kinh tế và tiền tệ hợp nhất sâu sắc hơn cần được xây dựng dựa trên cơ sở hiến pháp và pháp lý của EU, và sẽ vừa cởi mở và minh bạch đối với các nước thành viên không tham gia khu vực đồng tiền chung, vừa thực sự tôn trọng sự thống nhất của khối thị trường chung này.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục