Nỗ lực ngoại giao giảm căng thẳng trên biển Đông

Nỗ lực mới của Indonesia
Nỗ lực ngoại giao giảm căng thẳng trên biển Đông

Indonesia, một trong những thành viên sáng lập ASEAN tiếp tục có những nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng trên biển Đông. Phát biểu nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập ASEAN, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết trong cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Jakarta ngày 10-8, ông sẽ nêu quan ngại về tình hình biển Đông.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa trong vòng vây báo chí.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa trong vòng vây báo chí.

Nỗ lực mới của Indonesia

Báo The Jakarta Global dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nói: “Chúng tôi trông đợi đón tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc trong chuyến viếng thăm Indonesia và tôi hy vọng rằng bên cạnh những vấn đề song phương, chúng tôi sẽ đề cập về tình hình biển Đông”. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì bắt đầu chuyến thăm Indonesia, Brunei và Malaysia từ ngày 9 đến 13-8.

Ngoại trưởng Indonesia nhấn mạnh rằng vấn đề Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan và một số nước ASEAN cùng xác nhận chủ quyền ở một số khu vực trên biển Đông là vấn đề cần cách tiếp cận chung, nếu không, nguy cơ căng thẳng sẽ tăng lên rất nhanh.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tỏ ra rất tự tin về khả năng ASEAN và Trung Quốc đạt được Bộ nguyên tắc ứng xử trên biển Đông vào cuối năm nay. Hồi trung tuần tháng 7, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã đến Malaysia, Việt Nam và Canpuchia nỗ lực tìm tiếng nói chung của ASEAN về biển Đông. Sau chuyến đi này, ASEAN đã có nguyên tắc chung 6 điểm về giải quyết các tranh chấp trên biển Đông.

UNCLOS là cơ sở để giải quyết tranh chấp

Liên quan đến tình hình biển Đông, trang mạng eurasiareview ngày 8-8 đăng bài viết của giáo sư Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế thuộc khoa Luật Trường Đại học Quốc gia Singapore.

Theo giáo sư Beckman, một trong những nguyên nhân gây căng thẳng trên biển Đông là do không tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Giáo sư Beckman cho rằng UNCLOS đóng vai trò quan trọng đối với giải quyết tranh chấp trên biển Đông vì nó xác lập khung pháp lý chi tiết về quyền lợi và nghĩa vụ của các quốc gia đối với việc sử dụng tài nguyên biển và điều quan trọng, hầu hết các nước trong khu vực đã phê chuẩn UNCLOS. Ngoài ra UNCLOS cũng quy định rằng trong suốt giai đoạn các quốc gia chưa hoàn thành việc xác định ranh giới biển theo UNCLOS, các quốc gia không được quyền có hành động đơn phương tại những vùng biển chồng lấn, làm phương hại đến việc đạt thỏa thuận chung về biên giới trên biển.

Trong khi đó, 40 nhà khoa học thuộc 8 nước ASEAN, Trung Quốc và nhiều chuyên gia quốc tế trong một hội thảo về sinh vật biển ở biển Đông tại Indonesia mới đây đã kêu gọi các nước có tranh chấp ở biển Đông nên mở cửa đón các nhà khoa học. Cuộc hội thảo do Viện Bảo tàng nghiên cứu đa dạng sinh học Raffles của Singapore tổ chức với sự tài trợ của Chính phủ Singapore. Đứng trước tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm, các nhà khoa học kêu gọi các nước nên tạo điều kiện để các nhà khoa học tới các vùng đảo ở biển Đông để nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học trên vùng biển Đông.

Khánh Minh tổng hợp

Các ngoại trưởng ASEAN ủng hộ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Lương Minh ứng cử chức Tổng Thư ký ASEAN

Ngày 9-8, tại Hà Nội, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin Việt Nam sẽ đề cử Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Lương Minh ứng cử viên chức vụ Tổng Thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013-2017, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị cho biết tại Hội nghị AMM 45 vừa qua, Việt Nam đã chính thức đề cử Thứ trưởng Lê Lương Minh vào vị trí Tổng Thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013 - 2017. Các ngoại trưởng ASEAN đã ủng hộ đề cử của Việt Nam và nhất trí trình lãnh đạo cấp cao ASEAN xem xét chuẩn y tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia vào tháng 11-2012.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin Trung Quốc cho phép một số lượng lớn tàu cá ra khơi đánh bắt tại các vùng biển ở biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Mọi hoạt động của các bên ở biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, phù hợp với tinh thần Tuyên bố ứng xử các bên ở biển Đông (DOC), trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia, đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực, bảo vệ môi trường và tài nguyên biển”.

TTXVN

Tin cùng chuyên mục