Chưa đồng thuận cứu trợ Hy Lạp

Ngày 26-8, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras đã kết thúc chuyến công du hai ngày tới Berlin và Paris trong nỗ lực thuyết phục các đối tác cho nước này thêm thời gian để thực hiện chương trình cắt giảm chi tiêu, đáp ứng đúng thỏa thuận cứu trợ.
Chưa đồng thuận cứu trợ Hy Lạp

Ngày 26-8, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras đã kết thúc chuyến công du hai ngày tới Berlin và Paris trong nỗ lực thuyết phục các đối tác cho nước này thêm thời gian để thực hiện chương trình cắt giảm chi tiêu, đáp ứng đúng thỏa thuận cứu trợ.

  • Hy Lạp chưa cần thêm trợ giúp tài chính

Phát biểu sau cuộc gặp gỡ với Tổng thống Pháp F.Hollande, Thủ tướng Hy Lạp Samaras tuyên bố ông tin chắc Hy Lạp sẽ thành công trong việc khắc phục khó khăn và vẫn trụ lại được trong khu vực đồng tiền chung euro (eurozone).

Người Hy Lạp giờ đây tính toán kỹ và chỉ dám mua những vật dụng cần thiết cho cuộc sống.

Người Hy Lạp giờ đây tính toán kỹ và chỉ dám mua những vật dụng cần thiết cho cuộc sống.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức, Thủ tướng Samaras cho biết Hy Lạp cần một môi trường linh hoạt để tiến hành các kế hoạch cắt giảm chi tiêu và cải cách nhằm đáp ứng điều kiện nhận cứu trợ, song khẳng định Athens chưa cần trợ giúp tài chính thêm từ bên ngoài. Trong khuôn khổ chương trình “thắt lưng buộc bụng”, các nhà lãnh đạo Hy Lạp đã thảo luận để đưa ra các biện pháp hạn chế chi tiêu trong hai năm 2013 - 2014 nhằm cắt giảm hơn 11 tỷ EUR, tương đương hơn 14 tỷ USD để được giải ngân khoản cứu trợ hơn 31 tỷ EUR trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ EUR từ EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Theo Bloomberg, các cuộc hội đàm là cơ hội để Thủ tướng Hy Lạp đưa ra đề nghị các chủ nợ đồng ý gia hạn thêm 2 năm để Hy Lạp tiếp tục thực hiện các cải cách và lấy lại thăng bằng cho nền kinh tế.

  • Đức và Pháp cùng một hướng?

Với tư cách là lãnh đạo hai nền kinh tế đầu tàu châu Âu, Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đang được kỳ vọng sẽ có những quyết định đúng đắn để chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 3 năm qua của eurozone. Tuy nhiên, theo giới quan sát, cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Đức Merkel với Tổng thống Pháp Hollande hôm 23-8 và các cuộc gặp của Thủ tướng Hy Lạp Samaras vừa qua sẽ không mang lại bất cứ quyết định quan trọng hay vị thế vững chắc nào cho Hy Lạp.

Theo quan điểm cứng rắn của Đức, Athens phải tuân thủ thời hạn đã đặt ra nếu muốn nhận được gói giải cứu thứ hai. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolgang Schube đã thẳng thừng cho biết: “Thêm thời gian nữa có nghĩa là mất thêm tiền”. Trong khi đó, dù Tổng thống Pháp phải đối mặt với không ít sức ép từ trong nước như thất nghiệp, dự báo tăng trưởng u ám, song nhà lãnh đạo thuộc đảng Xã hội vẫn đưa ra tín hiệu sẵn sàng “linh động” với trường hợp của Athens mà cụ thể là kéo dài thời hạn thắt lưng buộc bụng của Athens. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Đức cần cho Hy Lạp thêm thời gian để cải cách vì hiện tại Hy Lạp chưa có cơ sở để thực hiện thành công các hoạt động cải cách ngay từ đầu.

Như vậy, số phận gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp không được giải quyết ngay sau các cuộc gặp gỡ song phương mà phải đợi đến tháng 9, khi bộ ba EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế đưa ra quyết định. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng thời gian 2 năm để Hy Lạp thực hiện cải cách là quá ngắn so với thời gian nước này thực thi các biện pháp thắt lưng buộc bụng. 

Theo tuần báo Der Spiegel của Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã kêu gọi thiết lập một hiệp ước mới của EU, song ý tưởng này đang đối mặt với sự thờ ơ của các đối tác trong EU. Một trong những đề xuất của Berlin liên quan tới vai trò của Tòa án Công lý châu Âu, vốn “có thể đảm bảo quyền giám sát ngân sách của các nước thành viên EU và trừng phạt những nước không kiểm soát được thâm hụt ngân sách”. Suốt mấy tháng nay, bà Merkel đã nhấn mạnh tới sự cần thiết phải có nhiều nước châu Âu đáp ứng những thách thức mà cuộc khủng hoảng trong eurozone đặt ra.

HẠNH CHI (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục