Nhật Bản khổ với bất trắc tại nhà máy Fukushima

Nước nhiễm xạ lại tràn ra biển?
Nhật Bản khổ với bất trắc tại nhà máy Fukushima

Hãng tin Kyodo ngày 21-10 đưa tin Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) vừa thông báo nước mưa từ những trận mưa khá to trong ngày 20-10 đã tràn qua khỏi 12 bục ngăn nước (cao khoảng 30cm), bao quanh các bồn chứa nước nhiễm xạ. Sự cố mới nhất này một lần nữa cho thấy nhà máy Fukushima vẫn để xảy ra những tình huống bị động đáng tiếc.

Các chuyên gia nỗ lực khắc phục sự cố.

Các chuyên gia nỗ lực khắc phục sự cố.

Nước nhiễm xạ lại tràn ra biển?

Sau cơn mưa ngày 20-10, lượng nước mưa đã tràn qua khu vực rào cản xây chung quanh khoảng 1.000 bồn chứa hàng tấn nước nhiễm phóng xạ tại nhà máy. Chủ đích của TEPCO là bơm nước mưa bên trong bồn ngăn vào bể chứa tạm để chặn chỗ nước nhiễm xạ này không tràn ra ngoài gây ô nhiễm đất và nước ngầm. TEPCO cho biết họ đã lên kế hoạch bơm nước mưa vào trong những bồn trống, kiểm tra độ phóng xạ và nếu nước không bị nhiễm phóng xạ sẽ được tháo ra biển.

Tuy nhiên, theo Japan Today ngày 21-10, TEPCO đã đánh giá thấp lượng nước mưa rơi xuống nhà máy nên không kịp bơm nước ra khỏi một cách nhanh chóng và đầy đủ. Yoshikazu Nagai, người phát ngôn của TEPCO, tuyên bố: “Các máy bơm đã không thể theo kịp lượng nước mưa và kết quả là nước mưa đã chảy tràn qua một số khu vực bị ngăn chặn”. Công ty đã có kế hoạch chứa 30 - 40mm nước mưa, nhưng đến buổi chiều lượng nước mưa đã lên đến khoảng 100mm.

Trong sự cố mới nhất, số bục bị tràn nước mưa chiếm một nửa trong tổng số 23 bục ngăn tại nhà máy này, trong số này một bồn có 710  becquerel/lít (bq/l) chất phóng xạ stronti -  cao gấp 71 lần mức an toàn của công ty đề ra. Lượng nước mưa bên trong các bồn cản được xác định chứa một lượng phóng xạ nhất định. Theo TEPCO, không loại trừ khả năng nước tràn cũng đã rò rỉ ra biển mặc dù cho đến nay vẫn chưa thống kê được tổng lượng nước tràn và rò rỉ.

Chưa giải quyết triệt để

Việc đối phó với hàng trăm tấn nước ngầm chảy qua khu vực nhà máy này cũng đang là “cơn đau đầu kinh niên” không những đối với lãnh đạo nhà máy mà còn đối với cả chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe, nhất là trong bối cảnh ông đang bị nghi ngờ vì đã từng tuyên bố tình hình tại Fukushima đã được kiểm soát. Ngày 16-10, phát biểu tại một cuộc họp Hạ viện, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định chính phủ sẽ “tiếp tục nỗ lực giải quyết vấn đề này với nhiều biện pháp phòng ngừa và tác động từ lượng nước nhiễm xạ ứ đọng ngày càng nhiều tại nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố Fukushima số 1 đã ở trong tầm kiểm soát”.

Thủ tướng Shinzo Abe liên tục khẳng định như vậy về tình hình tại Fukushima 1 (gặp sự cố do hậu quả của trận động đất và sóng thần hồi tháng 3-2011) nhằm xoa dịu một số người chỉ trích quan tâm đến tình trạng của nhà máy do lo ngại và cảnh giác trước hậu quả tiêu cực có thể xảy ra đối với môi trường và ngành công nghiệp.

Hồi đầu tháng, khi một trận bão đổ vào Fukushima, TEPCO thừa nhận khoảng 430 lít nước nhiễm xạ nặng đã tràn ra khỏi một bể chứa. Trong những ngày gần đây, nước nhiễm xạ liên tục rò rỉ ra khỏi nhà máy Fukushima Daiichi. Với hàng chục năm kinh nghiệm về vận hành và giải quyết chất thải phóng xạ do các lò phản ứng hạt nhân tạo ra, tưởng như việc chọn TEPCO làm chuyên gia cố vấn cũng là việc hợp lý dù cho nước Nhật đã quyết định ngưng xây dựng thêm nhà máy điện hạt nhân từ khi xảy ra thảm họa hạt nhân tại Fukushima vào năm 2011. Tuy nhiên, với sự cố mới nhất này, mặc dù TEPCO cho biết sẽ chuẩn bị thêm 30 máy bơm và đặt thêm 10km đường ống để ngăn chặn sự cố tương tự có thể tái diễn, đã xuất hiện dư luận cho rằng TEPCO giải quyết ô nhiễm phóng xạ theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”, thấy đâu đánh đó.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục