Triều Tiên phê chuẩn quyết định tấn công Mỹ

Ngày 4-4, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) cho biết Bộ Tư lệnh tối cao đã phê chuẩn quyết định có thể tiến hành đáp trả quân sự mạnh mẽ chống lại Mỹ, thậm chí bằng vũ khí hạt nhân, sau khi Mỹ có nhiều hành động khiêu khích trong những ngày qua.
Triều Tiên phê chuẩn quyết định tấn công Mỹ

Ngày 4-4, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) cho biết Bộ Tư lệnh tối cao đã phê chuẩn quyết định có thể tiến hành đáp trả quân sự mạnh mẽ chống lại Mỹ, thậm chí bằng vũ khí hạt nhân, sau khi Mỹ có nhiều hành động khiêu khích trong những ngày qua.

  • Phản ứng qua lại

“Thời điểm bùng nổ chiến tranh đang đến nhanh. Không ai có thể nói cuộc chiến sẽ nổ ra ở Hàn Quốc hay không hoặc sẽ nổ ra hôm nay hay ngày mai”. Tuyên bố cứng rắn của Triều Tiên được KCNA phát đi chỉ một ngày sau khi nước này cấm công nhân Hàn Quốc vào Khu tổ hợp công nghiệp chung Kaesong.

Cùng ngày, KCNA dẫn lời người phát ngôn Ủy ban Vì hòa bình và tái thống nhất Triều Tiên (CPRK) cho biết Bình Nhưỡng sẽ rút toàn bộ 53.000 công nhân nước này khỏi Kaesong và đóng cửa khu tổ hợp. Quyết định trên được đưa ra nhằm phản ứng lại tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-Jin về một kế hoạch đối phó với tình huống bất ngờ, kể cả phải dùng tới biện pháp quân sự, để bảo đảm an toàn cho công nhân Hàn Quốc tại Kaesong.

Một chốt kiểm soát quân sự của Hàn Quốc ở Paju, giáp với Triều Tiên.

Một chốt kiểm soát quân sự của Hàn Quốc ở Paju, giáp với Triều Tiên.

Tuyên bố của Triều Tiên phát đi trong bối cảnh Mỹ liên tục tăng cường sức mạnh quân sự gần bán đảo Triều Tiên. Từ Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định những lời đe dọa và hành động gần đây của Triều Tiên là “mối đe dọa thật sự và rõ ràng” đối với Mỹ cũng như các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc.

Sau khi điều các máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-52 và B-2 tham gia tập trận chung với Hàn Quốc, Mỹ còn triển khai các tàu khu trục trang bị tên lửa cùng một trạm radar quân sự di động trên biển tới khu vực. Khoảng 250 binh sĩ thuộc Tiểu đoàn Hóa học số 23 của quân đội Mỹ đã quay lại Hàn Quốc. Tiểu đoàn này đang đóng tại trại Stanley ở Uijeongbu, phía Bắc Seoul.

Tiểu đoàn phòng vệ hóa học, sinh học và phóng xạ, được rút khỏi Hàn Quốc vào năm 2004, có nhiệm vụ đo đạc và tẩy sạch trong trường hợp Triều Tiên sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt chống Hàn Quốc. Lầu Năm Góc cho biết Mỹ sắp triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn tầm trung cao di động (THAAD) để bảo vệ các căn cứ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương.

Thông tin về việc hệ thống THAAD sẽ được triển khai trong những tuần tới đã được phát đi sau khi hai tàu khu trục lớp Aegis được triển khai tới Tây Thái Bình Dương để ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công nào của Triều Tiên nhằm vào Mỹ hay các đồng minh của Mỹ.

  • Triều Tiên có thể thử tên lửa

Cũng trong ngày 4-4, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc và tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản đưa tin Triều Tiên dường như đã triển khai tới bờ biển phía Đông một tên lửa tầm trung có khả năng bắn trúng các mục tiêu tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Động thái này do tình báo Hàn Quốc và Mỹ phát hiện. Tên lửa Musudan lần đầu tiên được ra mắt tại cuộc diễu binh tháng 10-2010 và được cho là có tầm bắn khoảng 3.000km. Theo Yonhap, Bình Nhưỡng có thể sẽ phóng tên lửa này vào ngày 15-4 nhân kỷ niệm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành.

Theo giới quan sát, phản ứng của Mỹ, cho tới thời điểm này, chỉ là tăng cường sự xuất hiện của những vũ khí tối tân ở khu vực Hàn Quốc, trong khi liên tiếp đưa ra những bình luận mang tính tiêu cực, vừa phê phán vừa hạ thấp mối đe dọa đến từ Bình Nhưỡng. Việc Mỹ điều hàng loạt chiến hạm, máy bay, tàu ngầm tới khu vực biển Hoàng Hải “chỉ làm họ gia tăng các hành vi khiêu khích”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc phớt lờ các mối đe dọa đến từ Triều Tiên sẽ gây ra những sai lầm khủng khiếp. Thậm chí, những hành động tăng cường quân sự cũng sẽ không thể ngăn chặn nguy cơ của một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
 

 
 

Động thái mới nhất của Triều Tiên đã làm thị trường tài chính Hàn Quốc ngày 4-4 chao đảo mạnh. Chỉ số chứng khoán chủ chốt KOSPI giảm 1,2%, mất 23,77 điểm xuống còn 1.959 điểm, sụt giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Khối lượng giao dịch chỉ đạt mức trung bình với 407 triệu cổ phiếu trị giá 4,6 ngàn tỷ won (4,1 tỷ USD). Đồng won cũng sụt giảm so với USD.

 
 

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục