Giờ G ở Syria: Giải pháp hòa bình hay chiến tranh?

Giờ G ở Syria: Giải pháp hòa bình hay chiến tranh?

Ngày 15-6, bất chấp việc cả chính phủ Nga và Syria khẳng định cáo buộc của Washington về việc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại quân nổi dậy là không thuyết phục, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phê chuẩn việc gửi vũ khí cho quân nổi dậy Syria. Động thái này ngay lập tức được giới quan sát đánh giá là một bước đệm để Mỹ nhảy vào Syria theo “kịch bản Iraq”. Liệu chiến tranh tại Syria có sắp nổ ra?

        Địa Trung Hải nổi sóng gió

Ngày 15-6, dịch vụ thông tin Hải quân Mỹ thông báo tàu sân bay hạt nhân Eisenhower của Mỹ thi hành công vụ trong vùng vịnh Ba Tư đang tiến vào Địa Trung Hải. Mặc dù Mỹ không công bố về mục đích và nhiệm vụ của tàu sân bay trong khu vực này, nhưng sự xuất hiện tàu sân bay Eisenhower ở Địa Trung Hải giữa lúc chiến sự Syria leo thang và sau khi Washington công bố sẵn sàng hỗ trợ phe đối lập Syria đã làm cho tình hình Syria đang nổi sóng hơn bao giờ hết.

Tàu sân bay Eisenhower tiến vào Địa Trung Hải.

Tàu sân bay Eisenhower tiến vào Địa Trung Hải.

Ngoài ra, hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin tiết lộ chính quyền Mỹ đang cân nhắc việc thiết lập vùng cấm bay hạn chế ở biên giới phía Nam Syria, giáp với Jordan, với mục tiêu hỗ trợ lực lượng nổi dậy và mở đường cho một cuộc can thiệp quân sự. Việc thiết lập vùng cấm bay đòi hỏi Mỹ phải tiêu diệt hệ thống phòng không hiện đại của Syria do Nga trang bị, tương tự cách Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) can thiệp vào cuộc chiến Libya 2 năm trước. Mặc dù Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Susan Rice, thừa nhận đây là một vấn đề phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với việc lập vùng cấm bay ở Libya (vì sẽ vấp phải sự phản đối của một số thành viên trong Hội đồng Bảo an), nhưng thời gian qua, Washington đã lặng lẽ thực hiện các bước chuẩn bị lập vùng cấm bay ở Syria. Tờ Wall Street của Mỹ số ra ngày 14-6 dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, vùng cấm bay sẽ trải dài khoảng 40km vào sâu lãnh thổ Syria. Quân đội Mỹ đã đưa tên lửa đất đối không Patriot, máy bay chiến đấu và hơn 4.000 binh sĩ đến Jordan.

        Syria trước giờ G?

Việc Mỹ công bố kết luận của các cơ quan tình báo nước này khẳng định các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học xảy ra đồng thời với một số động thái “điều binh khiển tướng” của Mỹ được nhìn nhận là một động thái “rút gươm khỏi vỏ”.

Các nhà phân tích chính trị nhận định không phải ngẫu nhiên Mỹ bất ngờ tuyên bố Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Đó thật sự là một bước đi dọn đường cho các hành động can thiệp quân sự. Có ý kiến cho rằng nếu Mỹ chậm chân hơn nữa trong việc can thiệp vào Syria thì tình hình ngày càng khó khăn hơn. Vào lúc này lực lượng đối lập Syria liên tục nảy sinh những bất đồng và dường như yếu hơn bao giờ hết. Trong khi đó, người dân Syria đang chuyển sang ủng hộ Tổng thống Assad ngày càng cao, hơn 60%. Còn bên ngoài Syria, theo Moscow Times, bên cạnh một nước Nga cho tới nay vẫn khẳng định lập trường cương quyết ủng hộ chiếc ghế tổng thống của ông Assad, một Iran sẵn sàng viện trợ cho Syria gói tín dụng chưa từng có trị giá 4 tỷ USD, thì lực lượng Hezbollah của Lebanon tuyên bố sẽ tham chiến bên cạnh Chính phủ Syria nếu lực lượng thứ 3 nào dám xâm nhập nước này. Lực lượng quân sự này đã phối hợp chuẩn xác với quân đội Chính phủ Syria để giành quyền kiểm soát thành phố chiến lược al-Qusayr, địa điểm nằm giữa biên giới Lebanon-Syria. Bên cạnh đó, những thông tin tình báo cũng cho thấy thật sự Nga chưa chuyển cho Syria hệ thống tên lửa phòng không S-300.

Cũng có ý kiến khẳng định những động thái của Mỹ chỉ là đòn đe dọa Syria, nhằm gây sức ép lớn hơn lên ông Assad, chứ thực tế nước Mỹ đang rơi vào suy thoái kinh tế, khó có thể chịu đựng nổi một cuộc chiến tranh mới.
Cộng đồng quốc tế nhận thức được cần phải có một giải pháp kết thúc cuộc nội chiến Syria. Nhưng giờ G sắp đến sẽ là một giải pháp hòa bình hay chiến tranh?

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 15-6 khẳng định sẽ không ủng hộ giải pháp quân sự cho cuộc xung đột ở Syria, đồng thời tái khẳng định quyết tâm của LHQ tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 năm qua tại quốc gia Trung Đông này. Theo Tổng Thư ký LHQ, một giải pháp can thiệp quân sự trực tiếp dẫn tới sự tan rã hơn nữa ở Syria sẽ càng làm cho khu vực thêm bất ổn, khiến những căng thẳng sắc tộc và tôn giáo không ngừng leo thang. Ông khẳng định việc cung cấp vũ khí cho bên này hoặc bên kia trong cuộc xung đột sẽ không mang lại lợi ích, đồng thời kêu gọi tăng cường nỗ lực nhằm tổ chức một hội nghị quốc tế để giải quyết cuộc xung đột ở Syria.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục