Sắc màu mới ở trại tị nạn Syria

Sắc màu mới ở trại tị nạn Syria

Từ trước đến nay, trong suy nghĩ của nhiều người, trại tị nạn luôn là một nơi buồn tẻ với những lều trại dựng tạm bợ. Nhưng khi đến Zaatari, trại tị nạn đang là chỗ trú ẩn của 120.000 người Syria, ắt hẳn mọi người sẽ thay đổi quan niệm này.

Trẻ em Syria trong trại tị nạn vẽ tranh trên tường.

Trẻ em Syria trong trại tị nạn vẽ tranh trên tường.

Bước chân vào trại tị nạn, hình ảnh đầu tiên rất dễ nhận thấy là những lều trại được sơn phết đủ màu sắc sặc sỡ, đám trẻ con vui đùa và cùng nhau tô vẽ ở những khu vực “buồn tẻ”. Sáng kiến đem màu sắc đến các trại tị nạn có tên gọi AptArt của một nhóm họa sĩ trẻ người Mỹ. Họ tình nguyện đến Zaatari, hướng dẫn các em nhỏ học vẽ và cùng nhau thực hiện những bức tranh sinh động trên tường, mái tôn, lều… Samantha Robison, thành viên của nhóm họa sĩ trẻ tình nguyện này cho biết: “Lũ trẻ vốn rất buồn chán. Chúng chẳng có việc gì làm ngoài ném đá, chạy trốn tìm trong khu trại. Chúng còn phải chịu cảnh sống trong những khu trại tạm bợ với một tương lai chưa rõ về đâu. Chúng tôi nghĩ rằng, phủ màu sắc lên trại tị nạn sẽ đem lại cho chúng niềm hứng khởi vì nghệ thuật là một trong những liệu pháp tinh thần hữu hiệu nhất khi chúng ta gặp bức bối trong cuộc sống”.

Nói là làm. Samantha và các bạn họa sĩ như Robinson - người từng đến Campuchia, Congo trước khi đến Zaatari hay Luc Van Der Walt, ngày ngày xách những thùng sơn, nhúng cọ và hướng dẫn các em nhỏ vẽ tranh lên tường. Các em tiếp thu rất nhanh. Thậm chí, chúng còn có khả năng sáng tác ra nhiều chủ đề khác nhau. Ở một căn phòng trước đây vốn là trạm y tế được phủ lên một lớp sơn xanh dương, điểm thêm trên tường là hình ảnh các bác sĩ đang chăm sóc trẻ em, cha, mẹ cùng trò chuyện với con cái. Ở góc trên bức tường còn có dòng chữ nổi “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Góc khác của khu trại là hình ảnh một cây màu tím khổng lồ. Trên các cành cây, các em đã vẽ máy bay, giá vẽ, các vật dụng của các ngành nghề mà chúng mơ ước sau này sẽ được làm. Hoặc đơn giản hơn là trên các bức tường có những dòng chữ nhắc nhở mọi người hãy tiết kiệm nước, rửa tay sạch để tránh nhiễm khuẩn.

Ước tính, khoảng 600 trẻ em trong trại đã tham gia chương trình này. Khắp khu trại vào mỗi sáng lại thấy trẻ em cười và hát. Người lớn vui mừng vì ít ra họ không phải băn khoăn chuyện con cái suốt ngày chỉ lêu lổng hoặc nằm bẹp ở nhà vì không có gì để làm.

Liên hiệp quốc từng bày tỏ lo ngại rằng cuộc chiến khốc liệt tại Syria sẽ sản sinh ra một thế hệ trẻ tuyệt vọng, buồn chán, mù chữ vì cuộc sống tha hương. Mỗi ngày có khoảng 6.000 người Syria đóng gói đồ đạc đi lánh nạn. Con số này đã ở mức báo động khiến người ta phải so sánh với số người lưu vong của nạn diệt chủng Rwanda tại châu Phi cách đây 20 năm. Hơn một nửa thành viên ở Zaatari dưới 18 tuổi và số người đổ về đây ngày càng tăng. Nhờ AptArt, cuộc sống của đám trẻ đã bớt tẻ nhạt hơn và có lẽ cũng không quá khi nói rằng chính nghệ thuật đã giúp người tị nạn gần với nhau hơn, có niềm tin vào cuộc sống.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục