Thời tiết cực đoan, tháng 4 nóng kỷ lục

Trong Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2024 được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, thời tiết khắc nghiệt được xếp hạng là rủi ro số 1 trên toàn cầu. Sau 1 năm chịu tác động mạnh của hiện tượng El Nino, thế giới sẽ có thể chứng kiến hiện tượng La Nina hình thành trong nửa sau năm 2024, kéo theo thời tiết cực đoan ở Thái Bình Dương.

Những dấu hiệu của mô hình khí hậu toàn cầu El Nino trở nên rõ ràng trong các tuần gần đây, bao gồm nắng nóng kỷ lục châu Á, cháy rừng nghiêm trọng ở Nam Mỹ và ngập lụt ở California. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí hậu (CPC) thuộc Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS), hiện tượng El Nino kéo theo thời tiết nóng, khô ở châu Á và mưa lớn bất thường ở nhiều vùng của châu Mỹ sẽ chấm dứt trong nửa đầu năm 2024. Khoảng tháng 4 đến tháng 6, các điều kiện thời tiết trở nên trung tính hơn. Sau đó, có đến 55% khả năng La Nina sẽ xuất hiện vào tháng 6 đến tháng 8.

L10a.jpg
Các ngọn lửa ở ngôi sao AR 3663. Ảnh: SOLAR HAM

Ngày 8-5, Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, tháng 4 năm nay nóng nhất trên toàn cầu so với bất kỳ tháng 4 nào trước đó kể từ năm 1940. Nền nhiệt trong tháng 4 năm nay cũng ấm hơn 1,58oC so với mức trung bình ước tính ở thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ đại dương toàn cầu trong tháng 4-2024 cũng ghi nhận mức kỷ lục. Theo dữ liệu của Copernicus, nhiệt độ bề mặt đại dương đạt 21,04oC, mức cao nhất trong tháng 4.

Trước những biến đổi cực đoan của thời tiết, nhiều dấu hiệu cho thấy mặt trời ngày càng trở nên hoạt động mạnh hơn. Theo Science Alert, từ ngày 5-5, những ngọn lửa lóe sáng đã được ghi lại từ đài quan sát Động lực học mặt trời (SDO) của NASA, một tàu vũ trụ bay quanh ngôi sao mẹ đang trong giai đoạn hoạt động đỉnh cao của trái đất. Dự kiến trong vài ngày tiếp theo, chúng sẽ đến được trái đất và gây ra bão địa từ.

L1f.jpg
Đất trồng khô hạn tại Ấn Độ. Ảnh: PTI

Bão địa từ, còn được gọi là bão mặt trời, hệ quả là sẽ có sự xáo trộn trong từ trường của trái đất, bức xạ mặt trời thậm chí có thể tác động đến cơ sở hạ tầng trên đất liền, gây ra hiện tượng cực quang và khiến các vệ tinh bị mất liên lạc, dẫn đến thiệt hại hàng tỷ USD. Trung tâm Dự báo thời tiết không gian của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) cho biết, cấp độ của các ngọn lửa lần lượt là X1.3 và X1.2. Cấp X là cấp mạnh nhất trên thang đo của NOAA dành cho những lần phun trào từ mặt trời này.

Giới khoa học từng dự đoán, cực đại mặt trời có thể đến trong nửa đầu năm nay, tức sớm hơn nhiều so với dự đoán ban đầu của các chuyên gia. Hiện có tới có 9 cụm hoặc vùng vết đen, được tạo từ 150 vết đen lớn nhỏ ở phía mặt trời hướng về trái đất. AR 3663 dường như hoạt động tích cực nhất. Nó xuất hiện vào ngày 30-4 và cho đến nay đã phát ra 14 ngọn lửa loại M (mạnh vừa) và 3 ngọn lửa loại X. Theo SpaceWeatherLive, cho đến nay, 6 ngọn lửa cấp độ X đã phát nổ từ mặt trời vào năm 2024, bằng một nửa số lượng đã tấn công hành tinh trong cả năm 2023.

Sự xuất hiện của các vết đen mặt trời là dấu hiệu mới nhất cho thấy mặt trời đang nhanh chóng tiến đến đỉnh điểm bùng nổ trong chu kỳ mặt trời khoảng 11 năm, được gọi là cực đại mặt trời, điều mà các nhà khoa học hiện dự đoán sẽ bắt đầu vào năm 2024.

Tin cùng chuyên mục