Khó khăn về nguồn cung năng lượng sạch

Việc khai thác các nguyên liệu thô quan trọng trên toàn cầu phục vụ năng lượng sạch có nguy cơ bị gián đoạn do biến đổi khí hậu gây hạn hán.

Khai thác lithium tại Chile gặp khó khăn do hạn hán Ảnh: GETTY IMAGES/ INVESTOPEDIA
Khai thác lithium tại Chile gặp khó khăn do hạn hán Ảnh: GETTY IMAGES/ INVESTOPEDIA

Theo báo cáo của Công ty Kiểm toán đa quốc gia PricewaterhouseCoopers (PwC), hơn 70% đồng, coban và lithium - những nguyên liệu thô quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Liên minh châu Âu (EU) - có nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung do biến đổi khí hậu. Các quốc gia dẫn đầu về sản xuất coban và lithium như Australia, Chile, CHDC Congo và Peru đang trải qua tình trạng hạn hán gia tăng, gây nguy hiểm cho 74% sản lượng coban và lithium vào năm 2050.

Theo Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng (CRMA) được Hội đồng châu Âu thông qua vào tháng 3, EU đã đặt mục tiêu tăng cường sản xuất trong nước, tinh chế và tái chế các nguyên liệu quan trọng cho quá trình chuyển đổi xanh. Theo CRMA, không quá 65% lượng tiêu thụ nguyên liệu thô quan trọng hàng năm của khối có thể xuất phát từ một nước thứ ba. Nhưng báo cáo của PwC cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn của nguồn cung có thể ảnh hưởng đến tham vọng của khối. Theo đó, ngay cả khi có kịch bản lạc quan nhất về phát thải thấp, rủi ro về nắng nóng và hạn hán sẽ tăng rõ rệt vào năm 2050.

Theo báo cáo của PwC, hạn hán gia tăng thách thức đáng kể việc khai thác lithium do việc khai thác phụ thuộc nhiều vào nước (cần hơn 2 triệu lít để khai thác 1 tấn lithium). Nếu tình trạng biến đổi khí hậu gây hạn hán tồi tệ nhất, 16% công suất sản xuất lithium toàn cầu có thể bị gián đoạn. Tương tự, việc khai tác đồng có thể phải đối mặt với sự gián đoạn 8% do nguy cơ hạn hán đáng kể. Hậu quả là hơn một nửa (54%) công suất sản xuất các thiết bị chạy điện sạch trên toàn cầu bị gián đoạn vào năm 2050, khi nhiệt độ toàn cầu vẫn được kiềm giữ tăng dưới 2°C. Theo các nhà khoa học, các phương pháp hiện đang được sử dụng để khai thác khoáng sản quan trọng ở những khu vực khô cằn có thể cần được triển khai rộng rãi hơn, và có thể phải tiết kiệm nguồn nước hơn nữa.

Báo cáo của PwC cho thấy, từ năm 2020-2022, chỉ có 10 quốc gia chiếm hơn 97% sản lượng lithium và hơn 93% sản lượng coban. Trong đó, Australia chiếm 48% sản lượng lithium, CHDC Congo chiếm 66% sản lượng coban. Chile được xác định là nước sản xuất lithium và đồng lớn nhất thế giới, chiếm lần lượt 25% và 28% sản lượng toàn cầu. Trong quá trình chuyển đổi xanh, thế giới sẽ cần nhiều lithium, niken và các khoáng sản quan trọng khác để mở rộng quy mô công nghệ xanh cần thiết nhằm hạn chế biến đổi khí hậu. Nhưng điều này không có nghĩa là đi theo mô hình khai thác của các thế kỷ trước. Thay vào đó, cần thêm rất nhiều khoáng sản tái sử dụng từ chất thải và áp dụng những công nghệ tiên tiến trong khai thác nhằm giảm bớt sử dụng nước và giảm gây ô nhiễm môi trường.

Các nhà khoa học cho rằng, bất kể lượng khí thải carbon toàn cầu có giảm hay không, tình trạng khí hậu cực đoan vẫn gây ra mối đe dọa “nghiêm trọng và ngày càng tăng” đối với năng lực của thế giới trong việc sản xuất những mặt hàng quan trọng cho quá trình chuyển đổi xanh. Vì vậy, các doanh nghiệp đang hành động để vừa cắt giảm khí thải, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với chính phủ và cộng đồng để thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng phù hợp với tình hình mới.

Tin cùng chuyên mục