80% người Scotland đăng ký bỏ phiếu tách khỏi Anh

- IMF cảnh báo những nguy cơ bất ổn
80% người Scotland đăng ký bỏ phiếu tách khỏi Anh

- IMF cảnh báo những nguy cơ bất ổn

(SGGPO).- Tính đến hết ngày 11-9, một tuần trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của Scotland, đã có 4,29 triệu trong tổng số 5,3 triệu người dân Scotland (khoảng 80%) đăng ký bỏ phiếu.

Đây là số lượng người đăng ký bỏ phiếu cao nhất trong một cuộc bầu cử hay trưng cầu dân ý từ trước đến nay ở vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh này. Các quan chức phụ trách cuộc trưng cầu dân ý cho biết, trong số những người đã đăng ký đi bỏ phiếu, có tới 18% đăng ký bỏ phiếu qua thư, đánh dấu một kỷ lục nữa trong lịch sử Scotland.

Theo nhà chức trách, số người đăng ký đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý lần này tăng cao đột biến một phần do các thanh niên trong độ tuổi 16-17 cũng được phép tham gia bỏ phiếu. Chỉ những người hiện đang sinh sống ở Scotland mới có quyền bỏ phiếu, trong khi gần 1 triệu người Scotland đang sống ở các khu vực khác thuộc Vương quốc Anh không được tham gia.

Cho đến thời điểm này, tất cả 32 tỉnh và thành phố của Scotland đã có các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ người đi bỏ phiếu phải xếp hàng dài tại hơn 5.500 điểm bỏ phiếu trong ngày 18-9. Các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa muộn nhất vào lúc 22 giờ và các nhà chức trách sẽ công bố kết quả bỏ phiếu ngay trong đêm 18-9.

Áp phích kêu gọi đăng ký đi bỏ phiếu

Các khảo sát gần đây nhất cho thấy hoàn toàn có khả năng Scotland sẽ tách khỏi vương quốc Anh và chính phủ Anh đang bày tỏ sự lo ngại đối với nguy cơ này. Kết quả của cuộc bỏ phiếu có thể chấm dứt mối lương duyên 307 năm của Scotland với Anh và xứ Wales. Một quốc gia độc lập 5,3 triệu dân sẽ xuất hiện.

Nếu Scotland tách khỏi Vương quốc Anh sẽ tạo ra những thách thức và tác động không nhỏ tới các thị trường. Phát biểu ngày 11-9 tại Washington (Mỹ), người phát ngôn IMF, ông Bill Murray, nêu rõ việc cử tri Scotland ủng hộ việc tách vùng đất này khỏi Vương quốc Anh để thành lập một quốc gia độc lập sẽ kéo theo những tác động tiêu cực, mà trước tiên đó là sự bất ổn trong quá trình chuyển đổi sang một hệ thống tiền tệ, tài chính và tài khóa mới hoàn toàn khác biệt tại đây. Sự kiện này sẽ tạo ra những vấn đề phức tạp và quan trọng, đòi hỏi các bên phải thương lượng. Hệ lụy tiếp theo là các thị trường sẽ phản ứng tiêu cực trong ngắn hạn, trong khi triển vọng ổn định dài hạn sẽ phụ thuộc vào các quyết định được đưa ra trong giai đoạn chuyển đổi. 

       Hạnh Xuân  

>> Nhiều ngân hàng thông báo sẽ chuyển trụ sở khỏi Scotland

Tin cùng chuyên mục