Brazil: Điều tra 47 chính trị gia dính bê bối tham nhũng

Tòa án tối cao liên bang Brazil vừa cho phép Viện Công tố tiến hành điều tra 47 chính trị gia, trong đó có 34 nghị sĩ của lưỡng viện trong quốc hội bị tình nghi dính líu tới vụ tham nhũng quy mô lớn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.
Brazil: Điều tra 47 chính trị gia dính bê bối tham nhũng

Tòa án tối cao liên bang Brazil vừa cho phép Viện Công tố tiến hành điều tra 47 chính trị gia, trong đó có 34 nghị sĩ của lưỡng viện trong quốc hội bị tình nghi dính líu tới vụ tham nhũng quy mô lớn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.

Quốc hội vào cuộc

Thẩm phán liên bang Teori Zavascki, người được Trưởng Công tố Rodrigo Janot chỉ định thụ lý vụ việc trên, đã yêu cầu những người bị tình nghi cung cấp mọi thông tin cần thiết phục vụ quá trình điều tra như tài khoản ngân hàng và các cuộc trao đổi điện thoại. Trong danh sách những người bị tình nghi dính líu đến vụ việc này có Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros và Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha, 12 cựu nghị sĩ cùng 4 cựu bộ trưởng dưới thời Tổng thống Lula da Silva. Vụ việc này làm gia tăng căng thẳng giữa chính phủ của Tổng thống Dilma Rousseff và cơ quan lập pháp Brazil. Quốc hội Brazil cũng thành lập một ủy ban để điều tra về những nghị sỹ bị cáo buộc liên quan tới vụ bê bối này.

Tập đoàn Petrobras tìm cách thanh lý tài sản để trang trải nợ và vực dậy niềm tin.

Báo chí Brazil cũng đưa tin Tổng thống Rousseff không có tên trong danh sách những người bị điều tra mặc dù tại thời điểm diễn ra vụ hối lộ, bà là Bộ trưởng Khoáng sản và năng lượng. Trước đó, Trưởng công tố Rodrigo Janot đã yêu cầu Tòa án tối cao liên bang điều tra 47 chính trị gia nói trên do tình nghi dính líu tới vụ tham nhũng Petrobras. Vụ việc đã làm rung chuyển chính trường Brazil, khiến nhiều người dân bất bình, đồng thời làm ảnh hưởng tới uy tín của chính phủ đương nhiệm do có nhiều chính trị gia trong Đảng Lao động cầm quyền bị cáo buộc dính líu.

Petrobras tìm cách vượt khó

Vụ tham nhũng tại Petrobras bị phanh phui từ tháng 3-2014 sau khi cựu Giám đốc bộ phận cung ứng của tập đoàn Paulo Roberto Costa, khai báo đã nhận tiền hối lộ từ mạng lưới rửa tiền quy mô lớn do những doanh nghiệp xây dựng và kỹ thuật hàng đầu của Brazil là đối tác của Petrobras cấu kết thành lập. Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD để hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo Petrobras. Đến nay, 39 người đã bị cáo buộc các tội danh tham nhũng, rửa tiền và tống tiền liên quan đến vụ việc trên.

Petrobras là tập đoàn kinh tế lớn nhất Brazil với doanh thu chiếm 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và là một trong những doanh nghiệp dầu khí lớn nhất thế giới với hơn 86.000 nhân viên. Cổ phiếu của Petrobras đã giảm 59% kể từ khi bị điều tra tham nhũng hồi cuối tháng 9 năm ngoái. Trước tình hình này, Giám đốc điều hành của Petrobras đã tiến hành cắt giảm đầu tư và nhượng bán tài sản trong một động thái nhằm khôi phục niềm tin của công chúng. Petrobras cũng lên kế hoạch thanh lý khoảng 13,7 tỷ USD giá trị tài sản trong năm 2015 và 2016 để có thể trang trải các khoản nợ và tăng cường khả năng thanh khoản. Theo đó, doanh thu từ hoạt động bán tài sản của Petrobras sẽ được nâng lên 11 tỷ USD, từ mức 5 tỷ USD trong kế hoạch đầu tư vốn kéo dài 5 năm với tổng trị giá lên đến 221 tỷ USD. Trong đó, 30% số tài sản được đem bán là tài sản phục vụ hoạt động thăm dò và sản xuất dầu trong nước cũng như nước ngoài, 40% là tài sản dùng cho mục đích liên quan đến năng lượng và khí đốt, phần còn lại là những tài sản nằm trong khâu phân phối sản phẩm. Với kế hoạch này, ngoài mục tiêu cắt giảm nợ và duy trì tính thanh khoản, Petrobras còn muốn tập trung vào các khoản đầu tư được họ ưu tiên, đặc biệt là gia tăng sản lượng dầu mỏ và khí đốt ở những khu vực mang lại lợi nhuận cao tại Brazil.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục