Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 11-10 “bốc hơi” 7,2 tỷ USD

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 11-10 đã có một phiên “thứ năm đen tối” khi nhà đầu tư tháo chạy trên thị trường do sự “kích hoạt” của TTCK khoán Mỹ đêm hôm trước mất hơn 800 điểm. Vốn hóa TTCK Việt Nam đã “bốc hơi” khoảng 7,2 tỷ USD chỉ trong 1 ngày.
Một phiên giao dịch chứng khoán tại TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Một phiên giao dịch chứng khoán tại TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Nhà đầu tư phản ứng tiêu cực 

Hàng loạt cổ phiếu (CP) blue-chips đã giảm sàn ngay từ lúc mở phiên do thị trường phản ứng tiêu cực với biến động từ các thị trường chứng khoán quốc tế. Sau đó, lực bán đã lan trên toàn thị trường khiến 2 sàn nhanh chóng bị bao trùm trong sắc đỏ và xanh mắt mèo. Mặc dù trong phiên có vài nhịp hồi nhẹ, nhưng tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn nên lực bán tháo cành mạnh, nhiều CP vốn hóa lớn như: VCB, VRE, TCB, PLX giảm hơn 6%. Trong đó, GAS, MSN, VPB, CTG và BID đã nằm sàn khiến VN-Index mất gần 50 điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 48,07 điểm (4,84%) xuống còn 945,89 điểm với đến 299 mã CP giảm giá, trong đó có đến 94 mã giảm sàn và chỉ có 31 mã CP tăng giá. Đóng phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng giảm 6,59 điểm (5,79%) với đến 159 mã CP giảm giá, trong đó 37 mã CP giảm sàn và chỉ có 28 mã CP tăng giá. Với phiên giảm điểm trên 2 sàn niêm yết và sàn UpCOM, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ trong 1 phiên mất tổng cộng khoảng gần 165.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 7,2 tỷ USD). Trong đó, sàn HoSE (TPHCM) mất 153,5 ngàn tỷ đồng vốn hóa.

Theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân TTCK Việt Nam giảm mạnh do bị tác động từ các thị trường chứng khoán quốc tế. Thị trường chứng khoán Mỹ có chỉ số Dow Jones trong ngày 10-10 mất 836 điểm (3%), chỉ số Nasdaq cũng giảm hơn 4%. Thị trường chứng khoán châu Á cũng rơi vào hoảng loạn với chỉ số Nikkei 225 giảm 3,88%, Shanghai giảm 4,34, Hang Seng giảm 3,72% và VN-Index giảm gần 5% cũng là xu hướng chung.

Tình hình cũng không khá hơn tại các thị trường chứng khoán ở khu vực châu Âu, chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán London, Anh giảm 1,3% xuống còn 7.145,74 điểm, còn chỉ số CAC 40 của thị trường Paris, Pháp giảm 2,1% xuống còn 5.206,22 điểm. Trong khi đó, chỉ số DAX 30 của Frankfurt, Đức chốt phiên với mức giảm 2,2% xuống 11.712,50 điểm. Riêng chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 hạ 1,7% xuống 3.266,90 điểm khi đóng cửa.

Đánh giá phiên giao dịch “đỏ lửa” trong ngày 11-10, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, thị trường giảm sâu do nhà đầu tư có tâm lý rất tiêu cực. Theo ông Hưng, những dự đoán TTCK thời gian tới chỉ là để tham khảo và những dự đoán này không thể tác động trực tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế hay sức khỏe của TTCK. Điều đáng lo ngại nhất là chỉ sau một ngày, khi TTCK Mỹ giảm 3,15%, kéo theo việc mất điểm của hầu hết các TTCK khác trên thế giới mà giới phân tích hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Với diễn biến này, ông Hưng đặt câu hỏi: “Đây chỉ là phản ứng tâm lý bình thường hay có nguyên nhân “ngầm” nào đó?”.

Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital, cũng cho rằng, phiên giảm điểm mạnh của TTCK không phải do giá dầu hay lãi suất mà chủ yếu là do ảnh hưởng từ TTCK Mỹ. “TTCK Mỹ đóng vai trò dẫn dắt, các thị trường khác chỉ đi theo xu hướng này”. Ông Andy Ho cũng đưa ra một số nguyên nhân khiến TTCK Mỹ giảm mạnh, đó là: IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu; Cục Dữ trự liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất đồng USD nhanh và liên tục bị Tổng thống Donald Trumph chỉ trích. Bên cạnh đó, các CP lớn, đặc biệt là nhóm CP công nghệ trên thị trường Mỹ (như Facebook, Amazon, Netflix) cũng có giá quá cao, cộng thêm lãi suất USD tăng nhanh nên các mã CP có P/E (thị giá/thu nhập/mỗi cổ phần) cao bị chốt lời nhanh. Riêng TTCK Việt Nam giảm mạnh trong ngày 11-10 không đáng ngại bởi các yếu tố trong nước, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn tốt. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư mua vào, đặc biệt là các CP có P/E dưới 17-18 lần, tăng trưởng lợi nhuận tốt, thương hiệu uy tín.

Cơ hội từ chiến tranh thương mại

Đánh giá về TTCK Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, nhất là khi TTCK toàn cầu vừa trải qua phiên giao dịch hoảng loạn, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, Hiệp hội Traders của thị trường mới nổi EMTA do ING chủ trì vừa họp ở Singapore và Hồng Công bàn về triển vọng của thị trường mới nổi dưới các tác động của chiến tranh thương mại, tình hình rút vốn và chính sách từ các ngân hàng Trung ương trên thế giới, mặc dù quan điểm chung là châu Á không được hưởng lợi. Tuy nhiên có sự đồng thuận cao rằng một số nước hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến này theo thứ tự là Việt Nam, Malaysia và Thái Lan. “Đây là thông tin tích cực cho TTCK Việt Nam khi đa số thành viên nghĩ rằng sẽ không có giải pháp thỏa hiệp cho chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”, ông Hưng nói.

Nhận định về chiến tranh thương mại ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam, ông Andy Ho cho rằng, không quá liên quan đến việc xuất nhập khẩu mà liên quan nhiều hơn đến bản quyền trí tuệ, Việt Nam không sợ vấn đề này. Chiến tranh thương mại tạo cơ hội cho Việt Nam, vì một số nhà đầu tư nước ngoài sẽ cân nhắc mở nhà máy ở Việt Nam để gia tăng sản xuất. Liên quan đến lo ngại dòng vốn đảo chiều trên TTCK, ông Andy Ho cũng cho rằng nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn vào TTCK Việt Nam, nhất là khi TTCK Việt Nam đã được đưa vào danh sách theo dõi của chỉ số FTSE và có thể sớm vào chỉ số MSCI (chỉ số rất có uy tín, được nhiều nhà đầu tư trên thế giới tham chiếu với tổng giá trị tài sản hơn 10.000 tỷ USD). Theo ông Andy Ho, các quỹ nước ngoài khi so sánh với chỉ số MSCI thì họ phải mua vào cổ phiếu Việt Nam để không bị đánh giá thấp hơn. Theo ước tính, nếu Việt Nam vào MSCI, khối ngoại sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào TTCK trong nước.

Tin cùng chuyên mục