Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cảnh báo chiêu trò lừa đảo

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM đưa ra các hình thức mạo danh và giả mạo thông tin nhằm giúp người dân nhận biết tội phạm và các hành vi lừa đảo để cảnh giác.

NHNN khuyến nghị khi chuyển tiền, thanh toán điện tử không sử dụng mạng công cộng
NHNN khuyến nghị khi chuyển tiền, thanh toán điện tử không sử dụng mạng công cộng

5 chiêu trò của tội phạm

NHNN chi nhánh TPHCM vừa có công văn gửi các sở ngành và chính quyền quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp với ngành ngân hàng cung cấp thông tin cảnh báo đến người dân thận trọng trước các thủ đoạn lừa đảo qua giao dịch ngân hàng. Nhằm phòng ngừa triệt để rủi ro từ tội phạm công nghệ cao và bảo vệ người dân, NHNN đề nghị Ban Dân vận Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, Sở TT-TT, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp phổ biến thông tin đến người dân về các thủ đoạn lừa đảo, các biện pháp nhận biết rủi ro và những giải pháp cần trang bị để bảo vệ tài sản của mình trong sử dụng công nghệ.

Mạo danh ngân hàng: Đối tượng lừa đảo mạo danh ngân hàng, nhân viên ngân hàng thông báo khách hàng nhận quà, trúng thưởng từ các chương trình ưu đãi. Các thông báo có giao dịch trừ tiền tài khoản ngân hàng, có giao dịch tiền về bị chặn, cần cung cấp thông tin. Cảnh báo tài khoản ngân hàng gặp lỗi/ sự cố có nguy cơ rủi ro mất tiền, hoặc gửi link trong tin nhắn điện thoại, yêu cầu kích hoạt dịch vụ. Từ đó các đối tượng yêu cầu người dùng cung cấp tin cá nhân (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP...) để đánh cắp thông tin và thực hiện giao dịch nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dùng.

Mạo danh cơ quan nhà nước: Đối tượng giả mạo cơ quan điều tra, thuế, bảo hiểm xã hội, công ty điện lực... gọi điện, nhắn tin thông báo nạn nhân liên quan đến đường dây tội phạm, nợ thuế, tiền điện... từ đó yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra, để thanh toán phí hoặc yêu cầu truy cập đường dẫn đến trang mạng giả mạo để lấy cắp thông tin cá nhân, qua đó lấy cắp toàn bộ tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Mạo danh người thân: Đối tượng lừa đảo sau khi chiếm được quyền đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook,...) của nạn nhân sẽ nhắn tin cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp... để hỏi mượn tiền và yêu cầu chuyển tiền gấp. Hoặc đối tượng lừa đảo sẽ dùng công nghệ cao giả mạo khuôn mặt, giọng nói bằng trí tuệ nhân tạo giả làm người thân của nạn nhân và yêu cầu chuyển tiền trong tình huống khẩn cấp.

Mạo danh công ty gửi quà tặng tri ân khách hàng, trúng thưởng: Đối tượng gọi điện cho khách hàng thông báo về món quà có giá trị mà khách hàng trúng thưởng. Thủ đoạn này đánh trúng vào tâm lý mong muốn trúng thưởng/nhận quà của người dùng và để nhận được quà, người dân phải đóng phí hoặc truy cập vào đường dẫn để xác nhận thông tin nhận quà.

Giả mạo các trang mạng: Các đối tượng thành lập các trang mạng giả mạo có giao diện giống với các trang mạng chính thống như: trang mạng của các ngân hàng, trang mạng các sàn thương mại điện tử, trang tuyển dụng nghề nghiệp... trong đó có liên kết thanh toán trực tuyến với các ngân hàng, khi người dân thực hiện các giao dịch trên trang mạng giả mạo này, các đối tượng lừa đảo sẽ lấy cắp được thông tin thẻ, tài khoản ngân hàng, qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dân.

Bảo mật thông tin cá nhân là bảo vệ tài sản của mình

NHNN chi nhánh TPHCM cũng lưu ý cho người dân các biện pháp để bảo vệ tài khoản ngân hàng. Trong đó, cơ quan này nhấn mạnh việc không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP, CMND...) cho bất kỳ ai vì bảo mật thông tin cá nhân là bảo vệ tài sản của mình.

Ngoài ra, người dân khi sử dụng các dịch vụ tại các ngân hàng và tổ chức tín dụng cần tăng cường ý thức về an ninh và bảo mật thông tin, tuân thủ quy trình giao dịch với ngân hàng. Tránh truy cập các đường link không rõ nguồn gốc, website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email mà không có địa chỉ, thương hiệu rõ ràng của ngân hàng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị kẻ xấu xâm nhập tài khoản.

Khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền, thanh toán điện tử phải chọn nguồn mạng uy tín, không sử dụng mạng công cộng; cẩn thận trước các tin nhắn, cuộc gọi giả, mạo danh nhân viên ngân hàng để phòng ngừa tối đa rủi ro mất cắp thông tin cá nhân.

Luôn cần chú ý đến lịch sử giao dịch, theo dõi chặt chẽ biến động số dư tài khoản qua tin nhắn của ngân hàng hoặc sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử để kiểm tra thường xuyên số dư tài khoản. Mỗi khi tài khoản có thay đổi, biến động nhận tiền từ tài khoản khác hoặc chuyển tiền cho bất kỳ ai hoặc thay đổi thông tin, chủ thẻ sẽ nhận được thông báo ngay lập tức khi giao dịch hoàn tất. Nếu không phải là người thực hiện giao dịch đó thì chủ tài khoản cần phải liên hệ ngay với ngân hàng để xác minh kịp thời, ngăn chặn hành vi lừa đảo.

Trường hợp có nghi ngờ hoặc phát hiện lừa đảo qua ứng dụng ngân hàng điện tử, người dân cần nhanh chóng khóa dịch vụ ngân hàng điện tử và liên hệ trực tiếp đến ngân hàng đang sử dụng dịch vụ để kịp thời xử lý, giảm thiểu mất mát tài sản.

Tin cùng chuyên mục