Thị trường mỹ phẩm: Vàng thau lẫn lộn

Có một làn da trắng thu hút các ánh nhìn luôn là khao khát của chị em phụ nữ. Đa số phụ nữ thành thị đều có làn da trắng sáng ưa nhìn, cho thấy vai trò không thể phủ nhận của mỹ phẩm. Thế nhưng, chọn dùng loại nào cho tốt và an toàn giữa “ma trận” mỹ phẩm hiện nay quả là điều không đơn giản.
Thị trường mỹ phẩm: Vàng thau lẫn lộn

Có một làn da trắng thu hút các ánh nhìn luôn là khao khát của chị em phụ nữ. Đa số phụ nữ thành thị đều có làn da trắng sáng ưa nhìn, cho thấy vai trò không thể phủ nhận của mỹ phẩm. Thế nhưng, chọn dùng loại nào cho tốt và an toàn giữa “ma trận” mỹ phẩm hiện nay quả là điều không đơn giản.

Đường tới… mỹ phẩm

Dễ thấy, phụ nữ trung niên thành đạt và chịu khó làm đẹp thường có làn da “không có tuổi” bởi họ chi mạnh tay cho các sản phẩm dưỡng da cao cấp được mua từ cửa hàng chính hãng. L’Oréal, Shiseido, O Hui, Lancôme... là những dòng sản phẩm dưỡng da cao cấp có giá từ 600.000 đồng đến 30 triệu đồng một sản phẩm. Maybelline, Vichy… là các nhãn hàng có uy tín nhưng giá mềm hơn, phù hợp với nữ nhân viên văn phòng.

Nếu để ý các toa thuốc điều trị da, sẽ dễ dàng thấy Vichy và Eucerin là 2 dòng thường được các bác sĩ chỉ định dùng, nhờ vào thành phần không gây kích ứng da. Điều này được các nữ nhân viên văn phòng lưu ý và truyền tai nhau như một bảo chứng về sự an toàn của mỹ phẩm. Nhiều sinh viên được hỏi cho biết rất thích dùng Maybelline và Rohto, vì là nhãn hiệu có tên tuổi mà giá cả hợp lý, từ 100.000 đến 170.000 đồng.

Nguyễn Thúy H., một nạn nhân của kem trộn. Ảnh: LÝ QUYÊN

Nguyễn Thúy H., một nạn nhân của kem trộn.

                                                              Ảnh: LÝ QUYÊN

Trong các cách thức mua hàng thì hàng xách tay từ người thân được tin dùng hơn cả. Mua hàng xách tay từ người lạ chưa chắc đã an toàn. Bạn Thanh Thúy (23 tuổi, Q.Tân Phú, TPHCM) chia sẻ: “Trước đây, tôi từng tham gia một lớp làm đẹp và cũng tìm mua đầy đủ dụng cụ để học. Nhưng thay vì vào store (cửa hàng đại diện của hãng mỹ phẩm tại Việt Nam), các bạn trong lớp rủ cùng mua hàng xách tay của một nguồn quen với giá rẻ gần một nửa.

Mua được hàng chính hãng mà giá rẻ như vậy, lúc đó tôi cảm thấy sự lựa chọn của mình là thông minh. Nhưng sau đó, tôi sốc nặng khi biết toàn bộ hàng tôi mua đều hết hạn sử dụng. Thường ở nước ngoài, những mặt hàng tồn kho chỉ còn 2-3 tháng sử dụng sẽ được tung ra bán sale với giá giảm 50-75%. Một số người canh hàng khuyến mãi kiểu này để mua xách tay về bán trong nước. Đó là một kinh nghiệm cho tôi”.

Hàng cao cấp mua từ cửa hàng chính hãng đắt hơn nhiều, nhưng không hẳn là không có tai nạn. Chúng tôi được một nam nhân viên bán hàng tại một cửa hàng mỹ phẩm cao cấp của Hàn Quốc cho biết, có tình trạng một số nhân viên bán mỹ phẩm cao cấp hiện nay thỉnh thoảng hoán đổi sản phẩm nhái, giả trông tinh xảo, cũng dán tem trông y hệt tem chống hàng giả… để đổi lấy sản phẩm thật. “Hàng fake (nhái) tinh xảo lắm, tụi em còn chưa phân biệt nổi, làm sao khách hàng phát hiện được”, nam nhân viên này cho biết.

Một lần ghé cửa hàng Medicare, chúng tôi bắt gặp 2 vị khách chỉ vào sản phẩm Lamcosmé (Việt Nam sản xuất) được trưng bày trong tủ kính, rồi trầm trồ: “Hàng này xài tốt lắm nè! Hàng nổi tiếng Lancôme đó! Xem rồi mua về dùng thử”. Trường hợp nhầm tên sản phẩm với các thương hiệu cao cấp không phải hiếm, như sản phẩm tinh chất dành cho da mụn AcneCare dễ nhầm lẫn với AcnaCare không nổi tiếng bằng. Điều này cho thấy, nhiều người muốn làm đẹp, có ý thức chọn hàng uy tín nhưng chưa tinh ý trong việc phân biệt tên các dòng mỹ phẩm chứ đừng nói đến nguồn gốc.

“Kem cốt” và công thức “thần thánh”

Trong khi đó, một bộ phận lớn sinh viên, học sinh, công nhân, nhân viên văn phòng… đang phát sốt với một mặt hàng mỹ phẩm dưỡng da “nhiều không” - không bao bì nhãn mác, không thành phần, không nguồn gốc rõ ràng… - dưới cái tên “kem cốt”. Công thức làm kem được che đậy dưới 2 chữ “bí truyền” và thành phần của kem nghe qua rất kêu nhưng chung chung và không có ý nghĩa gì, như “cốt kem”, “siêu hoạt tính”, “dưỡng chất tái tạo da”…

Có hàng trăm loại kem, thuốc trắng da từ dạng khô, dạng keo cho đến dạng nước uống, với đủ thành phần từ sữa dê, ngọc trai, thảo dược, kem cốt Thái Lan…

Đến chợ Thái Bình (Q.1, TPHCM), không khó để tìm đến gian hàng của cô Năm bán kem cốt nổi tiếng nhất chợ. Tại đây, kem trắng da không bán theo lọ mà bán theo phần, mỗi phần gồm nhiều loại kem khác nhau trộn lại có giá 70.000 đồng. Theo lời cô Năm thì “kem sử dụng công thức thẩm mỹ viện, các chị làm văn phòng rất thích dùng”.

Khi chat để hỏi về thành phần của kem cốt, chúng tôi đều được các “bà chủ” cho biết là “không thể chia sẻ được”
Khi chat để hỏi về thành phần của kem cốt, chúng tôi đều được các “bà chủ” cho biết là “không thể chia sẻ được”

Không ít bạn gái trẻ hay bà nội trợ thường dành thời gian tìm hiểu mỹ phẩm trên Internet sẽ không khó thấy các loại kem cốt, kem sâm xuất xứ "Thái Lan", "Nhật Bản", "Hàn Quốc"... được bày như một “ma trận” với những lời chào mới có cánh và đều mang danh “bí quyết gia truyền”. Hầu hết “bà chủ” các cửa hàng mỹ phẩm online này đều là những cô gái xinh đẹp từ vóc dáng đến làn da, làm tăng sự tin tưởng của người mua vào sản phẩm. NaNa, Rem’s House, Ziang, S-White… là những loại kem cốt đang rất được ưa chuộng.

Thử chat hỏi về thành phần kem, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: “Công thức là bí quyết, nhưng chị cứ yên tâm dùng”. Có nhiều chỗ bán cam kết hoàn tiền gấp 5, 10 lần nếu da không trắng đẹp sau khi dùng hộp mỹ phẩm đầu tiên.

Nhiều bạn gái trẻ hiện rất cảnh giác với kem trộn có chứa corticoid gây hại da, nhưng lại tin dùng kem sâm, kem cốt. Một nữ sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng hồn nhiên: “Giờ ai còn xài kem trộn, có corticoid độc lắm. Tụi em toàn bôi kem cốt Thái Lan. Kem trộn bền bệt, rin rít khó chịu, kem cốt mềm dẻo, thấm nhanh. Em xài mới 2 tháng mà da trắng bóc”. Giá một hộp kem cốt Thái Lan từ 300.000-400.000 đồng, có loại tới 1 triệu đồng. Thử liên hệ một người tên Ng., số điện thoại 0164216…, chúng tôi được biết nếu mua sỉ, số lượng lớn thì giá 150.000-200.000 đồng/hũ. Và, để trở thành chi nhánh kinh doanh mặt hàng này, chỉ cần vốn 2-3 triệu đồng là có thể bắt đầu với tiền lời 80.000-200.000 đồng/sản phẩm.

Đẹp đâu không thấy…

Ngay ngày đầu tiên sử dụng hộp phấn trang điểm để mác “Essance” mua ở chợ đêm Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp, TPHCM) với giá 50.000 đồng, gương mặt chị Tâm (Q.Tân Phú, TPHCM) bị đỏ ửng rồi sưng tấy, nổi mẩn li ti khắp người. Nhập viện trong tình trạng tổn thương toàn thân, kèm bọng nước, lở loét, chị được chẩn đoán dị ứng mỹ phẩm, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm phổi, rối loạn điện giải…

Chị Nguyễn Thúy H. (Q.1, TPHCM) từng xài kem trộn suốt một thời gian dài và cuối cùng trở thành nạn nhân của kem trộn. Thời gian đầu sử dụng, da trắng mịn lên trông thấy nên chị H. phấn khởi quyết định gắn bó lâu dài với loại kem “không tên, không xuất xứ” này. Sau một thời gian sử dụng, da chị H. ngày càng mỏng, có thể thấy rõ những đường gân đỏ trên mặt mà trước đây không thấy, tiếp theo, da chị xuất hiện những nốt đỏ li ti, lan nhanh và ngày càng ngứa ngáy khó chịu. “Mình cũng đoán do kem trộn nên ngưng sử dụng, nhưng các nốt đỏ mới xuất hiện, các nốt cũ bị bong tróc, da rát, ngứa và các quầng đỏ mọc đầy mặt…”, chị H. kể.

Đến nay, sau 2 tháng điều trị tại Bệnh viện Da liễu, da chị H. cơ bản đã bình phục nhưng những vết nám chưa hết hẳn và xấu hơn làn da lúc chưa sử dụng kem trộn. Các bác sĩ cho biết, da chị H. đã bị nhiễm độc vì sử dụng mỹ phẩm chứa corticoid gây teo da nên cần thời gian để da tái tạo và phục hồi.

Theo các bác sĩ da liễu, hầu hết các thành phần trong kem trộn là corticoid, becozyme, hydroquinone, thủy ngân… gây bào mòn nên làm da trắng rất nhanh. Tuy nhiên, nếu bôi lâu ngày, corticoid sẽ làm teo da, giãn mạch. Sản phẩm chứa hydroquinone đã bị cấm bán ở Châu Âu, Nhật Bản và Úc vì gây ung thư. Thủy ngân nhiễm độc vào máu, tác dụng phụ là gây suy thận, gan, làm rối loạn tuần hoàn não, phát ban ở da, gây mất trí nhớ…

Có ý thức làm đẹp là tốt, vung tiền để làm đẹp cũng chẳng xấu mình hay xấu ai, nhưng làm đẹp một cách dễ dãi, thiếu hiểu biết khi liều lĩnh sử dụng các sản phẩm dưỡng da trôi nổi, không rõ nguồn gốc để rồi lãnh nhận trái đắng thì quả là điều đáng trách. Bởi trong thời đại thông tin rộng mở như hiện nay, không khó để mỗi người tìm hiểu kiến thức chăm sóc cho làn da của chính mình.

LÝ QUYÊN - QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục