Chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Phải đồng lòng phản đối

Sau khi đọc loạt bài Quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Bao giờ dứt?  trên SGGP thứ bảy ngày 6-6-2015 và ý kiến phản hồi từ chuyên gia và bạn đọc trên số báo ngày 20-6-2015, nhiều bạn đọc tiếp tục gửi ý kiến chia sẻ về hiện tượng quấy rối tình dục (QRTD) ngày càng phổ biến với muôn hình muôn kiểu và kinh nghiệm phòng chống.

Sau khi đọc loạt bài Quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Bao giờ dứt?  trên SGGP thứ bảy ngày 6-6-2015 và ý kiến phản hồi từ chuyên gia và bạn đọc trên số báo ngày 20-6-2015, nhiều bạn đọc tiếp tục gửi ý kiến chia sẻ về hiện tượng quấy rối tình dục (QRTD) ngày càng phổ biến với muôn hình muôn kiểu và kinh nghiệm phòng chống.

Bảo Hân (33 tuổi): Phải thể hiện rõ quan điểm

Cách đây hơn chục năm, lúc mới tốt nghiệp, tôi được nhận vào làm ở một đơn vị nhà nước với công việc yêu thích, dù lương không cao. Khi đi xin việc, thông qua những thông tin trên các phương tiện truyền thông, thực tế bạn bè, chị em đi làm trước… tôi cũng tự trang bị cho mình nhiều kiến thức, kinh nghiệm đối phó nếu bị QRTD. Tuy nhiên, mỗi người mỗi cảnh, không ai giống ai… Khi đó, tôi nghĩ rằng mình thật may mắn khi vừa ra trường đã xin được một công việc khá thuận lợi với công việc yêu thích trong môi trường làm việc hòa đồng, giám đốc và nhân viên thân thiết nhưng chừng mực.

Sếp đã có gia đình, nhưng khá hài hước khi nói chuyện với nhân viên, thỉnh thoảng giữa sếp và các nhân viên nữ cũng hay nói chuyện đùa giỡn nhau. Thường mỗi khi đùa như thế, chị em trong phòng hay đối đáp lại với sếp, tôi là lính mới nên chỉ cười theo và không nghĩ gì sâu xa, cũng không tham gia đối đáp. Được vài tháng, một ngày nọ, do việc nhiều, chúng tôi phải ở lại làm việc buổi trưa. Sếp bảo tôi làm mấy công văn mang qua phòng cho sếp ký. Như thường lệ, sếp vừa xem, ký công văn, vừa nói chuyện, thỉnh thoảng chêm vài câu chọc ghẹo như kiểu hay đùa với chị em phụ nữ trong phòng làm việc của chúng tôi. Rồi sếp bảo tôi tắt đèn để tiết kiệm điện cho cơ quan, nói khẽ vì đang giờ nghỉ trưa sợ ảnh hưởng đồng nghiệp phòng bên cạnh… Nghĩ sếp tranh thủ nghỉ trưa nên tôi chào và quay ra tắt đèn, định mở cửa về phòng. Không ngờ, tôi chưa kịp mở cửa, sếp đã nhào đến ôm tôi và với tay bấm cửa. Tôi bất ngờ nhưng né được hành động ông ta định hôn tôi và giằng co thoát khỏi vòng tay ông ta. Tôi hét lên: “Ông làm gì vậy, không giỡn vậy được đâu” và lao ra mở cửa chạy về phòng trong lúc sếp sững người vì thái độ của tôi. Mọi thứ lúc đó trong tôi sụp đổ, định bụng sẽ kể cho mọi người nghe rồi nghỉ việc luôn. Nhưng sau đó, sếp nhắn tin xin lỗi, hứa không tái phạm. Tôi cũng nói rõ quan điểm của mình khi bình tĩnh nói chuyện nên không nghỉ việc như dự định. Nhờ vậy, sếp tôn trọng và không quấy rối tôi như vậy nữa.

Hà Lê (23 tuổi): Tránh để rơi vào tình thế nguy hiểm

Tôi mới đi làm được 1 tháng trong môi trường tuyệt vời. Một ngày nọ, sếp trực tiếp có việc gấp, kêu tôi trình công văn cho sếp lớn. Lần đầu tiên vào phòng làm việc của sếp lớn, tôi ngạc nhiên vì trong ấy ngoài một bộ bàn ghế làm việc, còn bộ salon và 1 bức bình phong ngăn khu vực làm việc và nghỉ ngơi của sếp. Sếp bảo tôi bấm cửa lại và ngồi ở salon đợi sếp xem công văn. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng nghĩ chắc đó là thói quen vì thấy nhân viên khác vào sếp cũng khóa cửa trong. Tôi vừa ngồi xuống, sếp vừa liếc công văn vừa bước lại ngồi cạnh tôi, bảo nói chuyện một chút. Tôi nói phải mang công văn đóng dấu gấp, sếp bảo lệnh của ông, muốn đóng lúc nào chẳng được. Vì là lính mới, tôi hầu chuyện sếp, sau những câu thăm hỏi xã giao, sếp đột nhiên ngồi gần tôi hơn, khoác tay lên vai tôi, tiếp tục hỏi chuyện. Tôi thấy lạ, nên né sang một bên, càng né, sếp càng tiến gần. Ông bảo ở lại ăn trưa cùng ông, tôi từ chối vì nhà gần nên về ăn cùng gia đình. Ông bảo muốn tôi ở lại ăn trưa, ông sẽ… massage cho tôi ngủ.

 Đến lúc đó, tôi thật sự hoảng hốt, từ chối rằng không quen ngủ trưa và không có thói quen massage khi ngủ. Tôi đứng lên chào, ông bảo ngồi nói chuyện một lát, vừa nói, ông vừa vuốt ve bàn tay rồi cánh tay tôi. Tôi thật sự ghê tởm vì không ngờ mình đã từng kính trọng một người như ông. Đang nghĩ cách rút lui êm thấm và nếu tình huống “quá đà”, tôi định bụng sẽ hét toáng lên và bỏ chạy… thì điện thoại tôi reo liên hồi. Tôi như bắt được vàng, a lô và nói liền “Dạ tôi xuống liền, công văn ký xong rồi ạ!”. Sếp thấy tôi trả lời điện thoại, ông khựng lại, rồi như không có chuyện gì xảy ra, ông mỉm cười bảo lần sau lên nói chuyện lâu hơn nhé. Thực sự đó không phải điện thoại của sếp phòng tôi mà là của một người bạn. Tôi cầm công văn đi thẳng về phòng, đưa cho sếp phòng tôi xong, tôi chạy vội ra cửa òa khóc! Lúc đó tôi nghĩ chắc mình sẽ nghỉ việc. Nhưng rồi tôi quyết ở lại làm, tự nhủ phải cẩn thận hơn và luôn đề phòng không để mình rơi vào tình thế nguy hiểm tương tự.

Thủy Điệp (28 tuổi): Nếu cần thiết phải “la làng”

Công ty tôi vốn đông người, nên chỉ những phòng, ban gần nhau mới nói chuyện với nhau nhiều, còn không thì chỉ biết mặt. Phòng của tôi vốn là nơi các bậc tiền bối, gặp gỡ, giao lưu uống trà lúc nghỉ trưa, hoặc sáng sớm trước giờ làm. Thường đám con gái chúng tôi chỉ phụ rót trà mời mỗi khi phòng có khách, ít nói chuyện. Khi tôi chuyển qua bộ phận khác, một ngày nọ, đang làm việc trong phòng vào đầu giờ sáng, tôi giật mình thấy có người lao vào ôm choàng vai tôi, bảo hôm nay đi cà phê với anh nhé.

Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì đã thấy anh ta lao ra khỏi cửa, sau đó điện thoại tôi tít tít dòng tin nhắn: Anh rất quý em, anh thích em, đi uống cà phê với anh nhé. Đó là người làm cùng công ty, không cùng bộ phận, tôi gần như không biết nhiều về anh ta, chỉ cười chào khi gặp nhau. Chưa hết bất ngờ với thái độ lúc nãy, lại thêm tin nhắn rủ rê, tôi nhắn tin trả lời bận không đi được. Sau đó, anh ta nhắn tin liên tục, với những lời lẽ đưa tôi lên mây, rồi chuyển qua hay mình đi nhà hàng…

Sau vài lần mời tôi không đi, anh ta nhắn tôi rằng em đừng thấy anh quan tâm mà chảnh, có nhiều cô gái xinh đẹp hơn em gấp nhiều lần đang xếp hàng chờ anh mời đi ăn uống, thấy em thùy mị nết na mà xem ra không như vậy! Thế nhưng, gặp tôi là anh ta cứ từ phía sau lao lên, khoác vai nói nhỏ đi uống cà phê nhé! Tôi thấy lạ cho đàn ông vì biết tôi đã có gia đình mà vẫn rủ rê khiếm nhã và quá sỗ sàng. Tôi đã có chồng và có chút kinh nghiệm đối phó nên đã nói thẳng rằng anh ta thật bất lịch sự và vô duyên khi buông những lời khiếm nhã như thế…

Qua thực tế bản thân và từ nhiều bạn bè nữ bị QRTD nơi làm việc như mình, tôi rút ra một điều, ngoài những lý do khách quan, hiện tượng QRTD nơi làm việc xảy ra thường xuyên hơn, tinh vi hơn không phải hoàn toàn do phía đàn ông, mà có thể do vô tình hoặc cố ý xuất phát từ chị em phụ nữ. Nhiều chị em vô tư, vui vẻ, cũng nói chuyện hài hước, đùa giỡn theo cách nói “phô” của các đồng nghiệp nam đã vô tình tạo đà cho những người có ý đồ QRTD nhấn ga. Dễ dàng thấy cảnh đồng nghiệp nam đi ngang vuốt tóc, vỗ vai, nựng mặt đồng nghiệp nữ ở nhiều nơi, nhưng nếu chị em không cho phép làm điều đó thì chưa hẳn các đồng nghiệp nam có thể có những hành động đó. Tuy nhiên, ở đây, tôi muốn nói đến những trường hợp bị QRTD một cách trắng trợn và lộ liễu. Dù được trang bị và thông tin nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhưng do tâm lý e ngại, mắc cỡ, lại nghĩ tự mình đã giải quyết được chuyện cá nhân nên chị em thường im lặng sau mọi chuyện.

Tuy nhiên, cách để hạn chế những trường hợp tương tự xảy ra, theo tôi là chị em cần phải tỏ rõ thái độ dứt khoát từ chối với đối tượng, cần thiết thì “la làng” để mọi người cùng biết về việc làm sai trái của đối tượng. Bảo vệ nhau, không tạo cơ hội cho đồng nghiệp nam QRTD bằng những câu chuyện đùa giỡn quá trớn…

>> Quấy rối tình dục nơi làm việc: Bao giờ dứt?

>> Quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Người trong cuộc chia sẻ

>> Giảng viên Doãn Thi Ngọc: Bộ quy tắc là bước tiến bộ trong nhận thức của xã hội

Tin cùng chuyên mục