Ai lấy mất mùa hè của con?

Thế nào là “giỏi”?

Câu trả lời là: Người lớn chúng ta, gồm cả những người trong hệ thống giáo dục và cả các bậc phụ huynh, đã phối hợp để lấy mất không chỉ mùa hè hàng năm mà lấy luôn cả tuổi thơ của con trẻ, bằng cách bắt trẻ học ngày học đêm, học thêm, học trước chương trình, học để đi “chọi” trong các cuộc thi… mà báo chí đã phản ánh rất nhiều. Ở đây tôi chỉ nói về một trong những nguyên nhân của hiện trạng này đến từ quan niệm của người lớn.

Thế nào là “giỏi”?

Người lớn lấy mất tuổi thơ của trẻ nhỏ vì chúng ta muốn con em mình phải trở thành giỏi theo ý riêng của mình. Sự giỏi được đánh đồng bởi điểm số cao, bởi giấy khen trong logic và cung bậc của “thi đua khen thưởng”. Cuộc đua này được cả hệ thống giáo dục tổ chức lâu ngày và thường xuyên trong mọi cấp và đã ăn sâu bám rễ trong não trạng chung của cả xã hội, chi phối và quy định cách tư duy và hành động của người lớn chúng ta.

Vấn đề là liệu cách hiểu về khái niệm “giỏi” mà chúng ta áp đặt lên con trẻ như vậy có đúng không? Tôi nghĩ nó có nhiều vấn đề.

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra trẻ nhỏ ngay từ trong bụng mẹ đã tỏ ra là một chủ thể khác biệt có tính bẩm sinh và duy nhất: các trẻ khác nhau về tâm tính, về tình trạng thể lý, về năng khiếu, sở thích, khuynh hướng. Trẻ nhỏ nào cũng thông minh, nhưng ngay cả sự thông minhcũng có nhiều loại, Howard Gardner, giáo sư Đại học Harvard đã xếp thành 7 loại: thông minh về logic, về ngôn ngữ, về không gian, về cơ thể, về âm nhạc, về nội tâm và về sự tương tác với người khác.

Ấy vậy mà người lớn đã cào bằng tất cả, áp đặt chung cho hàng triệu trẻ em cùng một cách thức thi cử và căn cứ vào điểm số để phân biệt giỏi hay không giỏi bất chấp sự khác biệt của từng trẻ. Thi thố vốn là đặc điểm trong lĩnh vực thể thao, nhưng ngay trong thể thao cũng chẳng có ở đâu lại nỡ bắt mọi người cùng phải tham gia một hình thức thi đấu với cùng những nguyên tắc luật lệ bất chấp sự khác biệt như trong giáo dục hiện nay.

Chúng ta vẫn hay nói đến giáo dục toàn diện, nghĩa là mục tiêu của giáo dục là làm cho trẻ nhỏ tự phát triển cân bằng mọi mặt về trí tuệ, tình cảm, sức khỏe, có khả năng hội nhập tốt vào đời sống xã hội, nghề nghiệp, khả năng tự giải quyết những vấn đề của bản thân và của cộng đồng. Nói như UNESCO là học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tồn tại. Như vậy, chuyện điểm số thành tích nói trên cùng lắm chỉ liên quan khía cạnh “biết”, mà chưa chắc điều này lại có thể giúp phát triển trí tuệ của trẻ về lâu dài. Cái biết mà chúng ta hàng ngày nhồi nhét cho con em mình chỉ là những kiến thức sách vở, trong khi cuộc sống, tương lai của trẻ lại không chỉ có như thế.

Như vậy, cái lỗi của người lớn là chỉ lấy một khía cạnh trong nhiều khía cạnh của khái niệm giỏi, chỉ lấy một cách hiểu về trí thông minh trong nhiều loại hình thông minh và áp đặt lên con trẻ, bắt trẻ dồn toàn lực vào đó để thỏa mãn kỳ vọng của mình, đến nỗi lấy luôn cả mùa hè, cả tuổi thơ của trẻ, những điều hết sức cần thiết cho sự phát triển toàn diện của các công dân tương lai.

Kinh nghiệm một số nước phát triển

Phần Lan, đất nước có hệ thống giáo dục phổ thông phát triển bậc nhất thế giới đã có một điều luật áp dụng trong năm học với nguyên tắc “khối lượng bài tập/công việc của học sinh được điều chỉnh sao cho thời gian để các em nghỉ ngơi, sáng tạo và vui chơi phải nhiều hơn thời gian ngồi trên ghế nhà trường, đi lại từ nhà đến trường và làm bài tập về nhà” (Luật Giáo dục Cơ bản Phần Lan, Phần 24, Điều 1). Trẻ em Phần Lan bắt đầu học lớp 1 vào lúc 7 tuổi, thời lượng học sinh từ 7-14 tuổi học ở trường tại quốc gia này là thấp nhất trong khối các nước thuộc tổ chức OECD (Sahlberg, 2010, tr. 62-63)… Lý do là người lớn để cho những chủ thể đang “tuổi ăn tuổi chơi” được hưởng tuổi thơ trọn vẹn.

Còn học sinh Pháp cứ học 5 tuần lại nghỉ 2 tuần trong năm học. Vào mùa hè, học sinh được nghỉ trọn hai tháng để vui chơi, cùng cha mẹ đi tham quan đây đó, hay cùng bạn bè trang lứa thỏa thích khám phá trong các chuyến đi được tổ chức bởi các trung tâm dã ngoại…

Trẻ em ở các nước phát triển học ít chơi nhiều thì đất nước của các em vẫn luôn phát triển, còn trẻ em chúng ta học thật nhiều, học mất cả mùa hè, bỏ cả tuổi thơ, vất vả như thế nhưng đất nước vẫn nghèo, vẫn chậm tiến bộ mặc dầu “học sinh giỏi” theo cách hiểu của chúng ta là không thiếu… Phải chăng, đây là hậu quả của một cách tư duy không đúng của người lớn Việt Nam chúng ta?

Nguyễn Khánh Trung
Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED)

Tin cùng chuyên mục