Nỗi ám ảnh không smartphone

Thật lạ khi không có smartphone, nghĩa là khi smartphone hết pin hoặc không biết nó ở đâu. Người ta cảm thấy như mất một cái gì đó. Cảm giác bị mất các mối liên hệ. Nỗi lo lắng bị cô lập với thế giới. Sợ bị ngắt kết nối với bạn bè và gia đình, với cả những người chưa bao giờ gặp... Nếu bạn có bất kỳ cảm giác lo lắng đó, bạn có thể có dấu hiệu của chứng bất ổn hiện đại: nomophobia.

Trước thời điện thoại di động, chúng ta cho thời gian và địa điểm một cuộc gặp và đảm bảo rằng chúng ta sẽ ở đó. Nhưng bây giờ khi lên kế hoạch, mọi người nói: “Tôi sẽ gọi cho anh khi tôi ở đó”. Và nỗi sợ hãi là “những gì sẽ xảy ra nếu tôi không thể gọi được?”.

Ngày càng nhiều người không thể hiểu cuộc sống sẽ như thế nào khi không có smartphone, vì nó là nguồn tiếp xúc với thế giới. Và với nhiều người, nỗi sợ mất liên lạc ngày càng tăng. Nỗi sợ đó có thể từ những cha mẹ lo lắng không thể nhận cuộc gọi từ trường học nếu con bị bệnh đến những người trẻ luôn muốn kết nối...

Nomophobia là “no mobile phone phobia” - nỗi ám ảnh không điện thoại di động. Nomophobia có thể xuất hiện bởi bất cứ gì, từ mất điện thoại đến điện thoại hết pin hay chỉ đơn giản là bị mất sóng. Thuật ngữ này lần đầu tiên được đặt ra trong nghiên cứu năm 2008 được ủy quyền bởi Bưu chính Anh - mà nghiên cứu ban đầu cho thấy hơn phân nửa số người dùng điện thoại di động có thể bị lo lắng khi bị tách khỏi thiết bị của họ, và các nghiên cứu sau đó đã báo cáo những kết quả tương tự hoặc tệ hơn. Nomophobia ngày càng đặc biệt phổ biến ở giới trẻ.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một cách đánh giá mức độ nghiêm trọng của nomophobia đối với một người. Nghiên cứu sinh tiến sĩ trong Chương trình Tương tác Máy tính Con người Caglar Yildirim và phó giáo sư Ana Paula-Correia, Đại học bang Iowa Mỹ, đã có nghiên cứu - công bố trên Computers in Human Behavior số tháng 8-2015 - cho thấy nomophobia là một hình thức mới của situational phobia - nỗi ám ảnh tình huống, tức một nỗi sợ hãi mãnh liệt bùng phát trong những tình huống cụ thể, trong trường hợp này là khi smartphone của một người không có (các ám ảnh tình huống đã được tâm thần học công nhận bao gồm sợ bay và sợ các cây cầu). Còn hiếm nghiên cứu về nomophobia nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng bảng câu hỏi mới sẽ hữu ích, đặc biệt để tìm ra những vấn đề tâm lý khác có xu hướng đi cùng nomophobia, và nhận diện các nhóm người dễ bị tổn thương nhất bởi nomophobia.

Trong một cuộc phỏng vấn của USA Today, Yildirim cho biết: “Mọi người ngày càng phụ thuộc và bị dính nhiều hơn vào smartphone của họ. Chúng tôi muốn tìm hiểu rõ hơn lý do và cách thức điều đó ảnh hưởng mọi người”. Theo Yildirim, sự phụ thuộc smartphone có thể ảnh hưởng sức khỏe tâm thần và tâm lý của người dùng vì smartphone làm suy yếu khả năng hoạt động. Ví dụ, người dùng không thể hoạt động bình thường ở nhà, tại nơi làm việc hay ở trường vì smartphone.

Các nhà nghiên cứu khảo sát các sinh viên đại học về cách họ cảm thấy khi xa smartphone và đã phát hiện 4 nguyên nhân cơ bản của sự lo lắng liên quan nomophobia:

1. Không thể giao tiếp: cảm thấy không an toàn khi không thể nhắn tin hoặc gọi cho bạn bè và gia đình.

2. Mất kết nối: cảm thấy bị ngắt kết nối khỏi nhận dạng trực tuyến.

3. Không thể truy cập thông tin: cảm thấy thiếu, ví dụ không thể tra Google tìm những câu trả lời hoặc tìm đường đi.

4. Bất tiện: cảm thấy khó chịu khi không thể hoàn thành những nhiệm vụ đơn giản, như lập kế hoạch hoặc đặt bữa tối, một cách dễ dàng mà không dùng smartphone.

Sau khi xác định nomophobia, các nhà nghiên cứu soạn bảng 20 câu hỏi để đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng này.

Nghiên cứu cho thấy phụ nữ có khả năng bị nomophobia cao hơn nam giới 3,6 lần nhưng các nhà nghiên cứu không hiểu lý do. “Có thể có một số cơ chế tâm lý nền tảng đóng vai trò trong khuynh hướng phụ nữ dễ bị nomophobia, nhưng chúng tôi vẫn đang nghiên cứu”, Yildirim nói.

Trước khi phán xét bất cứ ai về dính smartphone, nó không nhất thiết là một chứng xấu, các nhà nghiên cứu nói. Theo Yildirim: “Sự phụ thuộc và dính này không phải điều nên bị lên án, bị cấm. Vấn đề chỉ phát sinh khi nó bắt đầu tác động sức khỏe tâm thần và tâm lý của một người”.

Mobile Mindset Study là nghiên cứu do công ty an ninh mạng Lookout và hãng Harris Interactive tiến hành ở Mỹ phát hiện rằng một tư duy điện thoại di động mới đã xuất hiện: những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chúng ta bị ảnh hưởng bởi smartphone:

Smartphone rất cần thiết cho cuộc sống chúng ta:

Chúng ta liên tục kết nối: gần 60% số người được hỏi không để quá 1 giờ mà không kiểm tra điện thoại. Giới trẻ nghiện nhất: 63% phụ nữ và 73% nam giới lứa tuổi 18-34 không để quá 1 giờ mà không kiểm tra điện thoại. Kết nối của chúng ta không bao giờ ngủ: 54% kiểm tra điện thoại khi nằm trên giường (trước khi đi ngủ, sau khi thức dậy, thậm chí vào giữa đêm). Chúng ta cần truy cập ở mọi nơi: Gần 40% thừa nhận kiểm tra smartphone khi đang trong nhà vệ sinh.

Chúng ta đôi khi phá vỡ quy tắc nghi thức để duy trì kết nối:

Hành động thô bạo: 30% thừa nhận kiểm tra điện thoại trong bữa ăn với những người khác. Chấp nhận rủi ro: 24% kiểm tra điện thoại khi đang lái xe. Cư xử không đúng đắn: 9% kiểm tra điện thoại trong khi dự nghi lễ tôn giáo tại nhà thờ, chùa...

Chúng ta có các phản ứng cảm xúc và các mối quan tâm khi không có smartphone:

94% lo ngại việc mất điện thoại. 73% cảm thấy hoảng sợ khi bị mất điện thoại. 38% quan tâm chi phí và rắc rối của việc thay thế điện thoại bị mất.


Bạn bị nomophobia mức độ nào?

20 câu hỏi để đánh giá mức độ nghiêm trọng của nomophobia với bạn. Mỗi câu trả lời theo thang điếm 1 đến 7, với 1 là hoàn toàn không đồng ý và 7 là hoàn toàn đồng ý. Tổng điểm càng cao, bạn càng bị nomophobia nặng.

1. Tôi sẽ cảm thấy không thoải mái nếu không truy cập liên tục thông tin qua smartphone của mình.

2. Tôi sẽ bực mình nếu không thể tìm thông tin trên smartphone của mình khi tôi muốn làm điều đó.

3. Không thể có được tin tức (ví dụ những diễn biến, thời tiết...) trên smartphone của mình sẽ làm tôi lo lắng.

4. Tôi sẽ bực mình nếu không thể sử dụng smartphone của mình và/hoặc các khả năng của smartphone khi tôi muốn làm như vậy.

5. Hết pin smartphone sẽ làm tôi lo sợ.

6. Nếu tôi hết hạn mức hoặc đạt giới hạn dữ liệu hàng tháng của mình, tôi sẽ hoảng sợ.

7. Nếu không có tín hiệu 3G hoặc không thể kết nối Wi-Fi, tôi sẽ liên tục kiểm tra xem có tín hiệu chưa hoặc có thể tìm thấy mạng Wi-Fi nào không.

8. Nếu tôi không thể sử dụng smartphone, tôi sợ mình sẽ bị mắc kẹt ở đâu đó.

9. Nếu tôi không thể kiểm tra smartphone trong một thời gian, tôi sẽ cảm thấy mong muốn kiểm tra nó.

Nếu tôi không có smartphone bên mình:

1. Tôi sẽ cảm thấy lo lắng vì không thể ngay lập tức liên lạc với gia đình và/hoặc bạn bè.

2. Tôi sẽ lo lắng vì gia đình và/hoặc bạn bè của tôi không thể tiếp cận tôi.

3. Tôi sẽ cảm thấy lo lắng vì sẽ không thể nhận được tin nhắn và cuộc gọi đến.

4. Tôi sẽ lo lắng vì không thể giữ liên lạc với gia đình và/hoặc bạn bè.

5. Tôi sẽ lo lắng bởi vì không thể biết có ai đó đã cố gắng liên lạc với tôi.

6. Tôi sẽ cảm thấy lo lắng vì kết nối liên tục của tôi với gia đình và bạn bè bị phá vỡ.

7. Tôi sẽ lo lắng vì tôi sẽ bị ngắt khỏi danh tính trực tuyến của mình.

8. Tôi sẽ cảm thấy khó chịu vì không thể giữ cập nhật mạng xã hội và các mạng trực tuyến.

9. Tôi sẽ cảm thấy khó khăn vì không thể kiểm tra các thông báo cập nhật từ các kết nối và mạng trực tuyến của tôi.

10. Tôi sẽ cảm thấy lo lắng vì không thể kiểm tra email của mình.

11. Tôi sẽ cảm thấy không tự nhiên vì không biết phải làm gì.

GIA HY

Tin cùng chuyên mục