Hơn 20.000 học sinh tham gia cuộc thi Tôi yêu khoa học lần 1

Hơn 20.000 học sinh tham gia cuộc thi Tôi yêu khoa học lần 1

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, 50 học sinh trên địa bàn TPHCM đã tham gia chung kết cuộc thi Tôi yêu khoa học lần 1 do đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp báo Khăn Quàng Đỏ tổ chức.

Lần đầu tiên diễn ra, cuộc thi đã thu hút hơn 20.000 học sinh đến từ TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác như Hà Nội, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Cần Thơ, Đồng Nai, Cà Mau…

Chung cuộc, giải Nhất thuộc về em Nguyễn Quang Thành (lớp 8/3, Trường THCS Đặng Công Bỉnh, huyện Hóc Môn, TPHCM). Ba giải Nhì thuộc về: Nguyễn Trương Uyển Nhi (Trường THCS Lê Anh Xuân, Q.Tân Phú, TPHCM), Đinh Sơn Hoàng (Trường THCS Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, TPHCM) và Đoàn Huỳnh Ngọc Ánh (Trường THCS Hồ Văn Long, Q.Tân Bình, TPHCM). Em Hoàng Phạm Trung (Trường THCS Hai Bà Trưng, Q.3, TPHCM) đoạt giải Ba. Các giải Khuyến khích thuộc về: Trần Minh Hiếu (Trường THCS Bình Tân, Q.Bình Tân, TPHCM), Nguyễn Trần Xuân Thảo (Trường THCS Vân Đồn, Q.4, TPHCM), Lê Đỗ Thụy Uyên (Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1, TPHCM).

Em Nguyễn Quang Thành, (lớp 8/3 Trường THCS Đặng Công Bỉnh,huyện Hóc Môn, TPHCM), đoạt giải Nhất cuộc thi Tôi yêu khoa học

Tôi yêu khoa học là cuộc thi dành cho học sinh từ 15 tuổi trở xuống. Cuộc thi xoay quanh 5 nội dung kiến thức cơ bản về động vật - môi trường, vật lý - hóa học, sức khỏe, con người và vũ trụ. Ban giám khảo là những chuyên gia, nhà khoa học quốc tế đến từ OUCRU. Trước đó, hội thi đã trải qua vòng loại trắc nghiệm trực tuyến trong 5 tuần tương ứng 5 đợt thi từ ngày 14-5 đến 17-6. Mỗi tuần, thí sinh làm bài thi trắc nghiệm trên trang web muctim.com.vn của báo Mực Tím điện tử. Sau mỗi đợt thi, BTC công bố 10 thí sinh có điểm cao nhất tuần đó lọt vào vòng chung kết. Sau khi kết thúc 5 đợt của vòng loại, 50 thí sinh cao điểm nhất được chọn vào thi chung kết xếp hạng.

Rất nhiều thí sinh đạt điểm tối đa và lọt vào bảng xếp hạng 10 thí sinh xuất sắc nhiều tuần liền như thí sinh Lê Trung Hải (Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1, TPHCM), Nguyễn Đình Xuân Thảo (Trường THCS Vân Đồn, Q.4, TPHCM), Phùng Thế Nhiên (Trường THCS Bình Tân, Q.Bình Tân, TPHCM), Trần Quốc Khánh (Trường THCS Hồ Thị Kỷ, TP Cà Mau), Đỗ Hà Phương Uyên (Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, Q.1, TPHCM), Vũ Hồng Thanh Duy (Trường THCS Duy Tân, P.Thống Nhất, Biên Hòa, Đồng Nai)… Trong đó, Lê Trung Hải và Nguyễn Đình Xuân Thảo lọt vào Top 10 của 5 tuần, Trần Minh Hiếu lọt vào Top 10 của 4 tuần, Đỗ Hà Phương Uyên lọt vào Top 10 của 3 tuần… Ngoài ra, có 2 chị em song sinh tích cực dự thi nhiều tuần liền và cả hai đều lọt vào chung kết là Lê Vũ Ngân Trúc và Lê Vũ Ngân Lam (Trường THCS Trần Quang Khải, Q.Tân Phú, TPHCM). Tại vòng chung kết, thí sinh trả lời câu hỏi của Ban giám khảo bằng cách viết đáp án trực tiếp lên bảng thi do Ban tổ chức cung cấp. Thí sinh phải rời khỏi đấu trường khi trả lời sai. Tuy nhiên, trong phần thi “Ngược dòng”, thí sinh vẫn có cơ hội trở lại thi đấu tiếp tục.

Ban tổ chức trao thưởng cho các thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi Tôi yêu khoa học

Em Nguyễn Quang Thành, thí sinh đoạt giải Nhất cuộc thi, cho biết: “Thật sự, trước đây em không thích khoa học vì cách dạy các môn này ở trường rất khô khan, khó hiểu. Sau này, bằng cách đọc nhiều sách, xem nhiều chương trình khoa học trên tivi, internet… em nhận thấy khoa học có rất nhiều điều lý thú và tình yêu của em với khoa học dần lớn lên. Em thường làm giàu thêm kiến thức bằng cách đi thực tế ở các bảo tàng, sở thú, đọc thêm nhiều sách, báo viết… Cuộc thi “Tôi yêu khoa học” em biết qua internet và thấy rất phấn khích khi tham gia”.

Tiến sĩ Mary Chambers, Giám đốc Đào tạo và gắn kết khoa học với công chúng - OUCRU Việt Nam chia sẻ: “Đây là một trong những chương trình gắn kết các hoạt động khoa học tại các trường THCS Việt Nam. Tôi vô cùng phấn khích khi thấy nhiều trẻ em tham gia chương trình này. Khó khăn lớn nhất khi muốn thực hiện công tác truyền cảm hứng khoa học đến các em chính là vấn đề tài chính. Chúng tôi muốn có nguồn kinh phí tốt nhất để có thể tài trợ cho 42 triệu trẻ em ở Việt Nam. Khó khăn thứ hai là đội ngũ giáo viên dành riêng cho môn khoa học rất bận rộn. Nhóm nhà khoa học của chúng tôi tại Việt Nam rất nhỏ nên không thể giúp cho cả đội ngũ giáo viên lớn tại Việt Nam. Dự kiến tháng 9 tới, chúng tôi sẽ giới thiệu dự án mới về website dành cho khoa học, nơi các em có thể trao đổi thắc mắc với các giáo sư, chuyên gia của chúng tôi”.*

THỦY NGÂN - VÕ THẮM 

Tin cùng chuyên mục