Trung Quốc thay đổi chính sách một con: Vì sao nới nhưng không sốt?

Sau hơn 30 năm Trung Quốc thực thi chính sách một con, luật đã được nới lỏng trong năm 2013. Theo quy định mới, một cặp vợ chồng có thể sinh con thứ hai nếu vợ hoặc chồng là con một. Quy định mới cũng được thực hiện ngoại lệ cho người dân tộc thiểu số và các cặp vợ chồng ở nông thôn có một con là gái hoặc bị khuyết tật.
Trung Quốc thay đổi chính sách một con: Vì sao nới nhưng không sốt?

Sau hơn 30 năm Trung Quốc thực thi chính sách một con, luật đã được nới lỏng trong năm 2013. Theo quy định mới, một cặp vợ chồng có thể sinh con thứ hai nếu vợ hoặc chồng là con một. Quy định mới cũng được thực hiện ngoại lệ cho người dân tộc thiểu số và các cặp vợ chồng ở nông thôn có một con là gái hoặc bị khuyết tật.

Thế hệ phụ nữ Trung Quốc sinh con trong những năm 1970, đa số mỗi người cũng chỉ sinh một con, dù lúc đó họ đã có thể sinh nhiều con hơn nếu muốn vì chính sách một con chỉ trở thành luật vào năm 1979. Yếu tố chính là công việc của phụ nữ. Họ yêu công việc, họ muốn thành đạt, và họ sẵn sàng dành thời gian và năng lượng càng nhiều càng tốt nhằm đạt mục tiêu đó.

Dân số Trung Quốc hiện ổn định ở mức 1,4 tỷ, nhưng số người trên 60 tuổi hiện chiếm hơn 13% dân số và tỷ lệ người dưới 14 tuổi bị giảm 6% từ năm 2000 đến năm 2010, đến kỷ lục thấp mới 16,4% trong năm 2013. Sự sụt giảm nhanh chóng của tỷ suất sinh của Trung Quốc - giảm còn 1,6 con/phụ nữ, thấp xa dưới mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ - có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Dân số trong độ tuổi lao động ngày càng giảm sẽ không còn khả năng hỗ trợ cho dân số già ngày càng tăng.

Trung Quốc bị mất cân bằng giới tính lớn do truyền thống trọng nam khinh nữ. Ảnh: WP

Hơn nữa, trong một xã hội có truyền thống trọng nam khinh nữ, sự mất cân bằng giới tính đã trở thành một vấn đề thực sự, thai nhi nữ thường bị hủy bỏ để cha mẹ có thể tiếp tục tìm con trai do chính sách một con. Theo số liệu thống kê năm 2013, có 53% dân số dưới 30 tuổi là nam. Các chuyên gia dự đoán tỷ lệ này sẽ là 54% vào năm 2030. Nói cách khác, sẽ có hơn 30 triệu đàn ông trẻ độc thân vào lúc đó.

Dù có những áp lực xã hội và nhân khẩu học, những thay đổi với chính sách một con đã không gây sốt: Với các điều kiện nới lỏng mới, các cặp vợ chồng đủ điều kiện nhất Trung Quốc không lựa chọn để có thêm con. Như những phụ nữ sinh con trong những năm 1970, các cặp vợ chồng Trung Quốc hiện nay có vẻ hài lòng với một con.

Ví dụ, tại Bắc Kinh, chỉ có 6% số cặp vợ chồng đủ chuẩn đã nộp đơn xin sinh thêm con tính đến cuối tháng 9-2014, theo truyền thông Trung Quốc. Trên toàn quốc, trong năm 2014 số ca sinh chỉ nhiều hơn năm 2013 khoảng 470.000 ca, chưa bằng phân nửa con số 1 triệu ca sinh tăng thêm như dự báo của chính phủ.

Rõ ràng, nhiều người trẻ ở thành thị không còn theo quan điểm truyền thống là càng đông con càng hạnh phúc và an toàn hơn. Họ xem gia đình lớn như một trở ngại cho giấc mơ về cuộc sống trung lưu giàu có.

Trong một cuộc khảo sát không chính thức của Sina.com với người sử dụng Internet ở đô thị Trung Quốc trong năm 2013, gần phân nửa số người được hỏi cho biết họ không có kế hoạch sinh con thứ hai, do chi phí cao trong việc nuôi dưỡng một đứa trẻ và do áp lực cân bằng công việc và gia đình.

Một số nhà nhân khẩu học dự đoán rằng việc nới lỏng chính sách một con sẽ không dẫn đến một sự bùng nổ bất ngờ sinh con, vì rằng, người Trung Quốc, như bất kỳ người ở đâu, khi càng trở nên giàu có, họ càng muốn sinh ít con hơn.

Trong khi đó, một số người mong ước có thêm con, và có đủ khả năng làm điều đó, lại vẫn bị các hạn chế như cũ. Ví dụ, một phụ nữ 40 tuổi, đã có 1 con trai, mong muốn có thêm con khi mình còn trong độ tuổi sinh đẻ, nhưng đã bị từ chối đơn xin sinh con với lý do cả cô và chồng đều không phải là con một.

Trẻ em trai luôn áp đảo trong nhà trường Trung Quốc. Ảnh: AP

Tại sao Trung Quốc không loại bỏ hoàn toàn chính sách một con? Điều đơn giản là nhằm kiểm soát. Chính sách một con đã luôn là một trong những phương tiện kiểm soát dân số mạnh nhất của chính phủ. Với sự nới lỏng năm 2013, dù các dữ liệu mới cho thấy không có một sự bùng nổ sinh con, và thực sự nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc không muốn có thêm con, chính phủ vẫn muốn kiểm soát. Báo chí Trung Quốc cho biết chính phủ vẫn không chấp nhận chính sách 2 con.

Kiểm soát dân số không phải là một giải pháp cho sự mất cân bằng dân số. Giáo dục là phương tiện để mở rộng quan điểm của một phụ nữ, cho cô sự tự tin, giúp cô đánh giá cao sự sáng tạo và chất lượng cuộc sống của mình, và để làm cho cô nhận ra tầm quan trọng của phẩm giá và trách nhiệm xã hội. Đây là cách một chính sách kiểm soát dân số có hiệu quả”, nhà báo Dai Qing ở Bắc Kinh viết trên The New York Times trung tuần tháng 6-2015.*

TRÂN NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục