Thiên tai diễn biến phức tạp ngay từ đầu năm

Bão tuyết lớn tại Bắc Mỹ và châu Âu, nắng nóng kỷ lục tại Australia ngay từ những ngày đầu năm báo hiệu năm 2018 có thể tiếp tục là năm của thiên tai. Điều đó cho thấy tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề với nhân loại.
Tuyết dày đặc ở thành phố Boston (Mỹ) trong mùa đông lạnh kỷ lục
Tuyết dày đặc ở thành phố Boston (Mỹ) trong mùa đông lạnh kỷ lục
Lạnh, nóng đều mức kỷ lục

Các hãng bảo hiểm phải chi 135 tỷ USD để bù đắp cho thiệt hại do thiên tai trong năm 2017; nếu tính cả phần thiệt hại không có bảo hiểm lên đến 330 tỷ USD. Con số này chỉ đứng thứ hai sau năm 2011 khi có trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản gây thiệt hại 354 tỷ USD.

Dự báo con số thiệt hại do thiên tai năm 2018 sẽ tiếp tục gia tăng. Ngay từ đầu năm 2018, Mỹ và Canada đã liên tục hứng nhiều trận bão tuyết với nhiệt độ tại nhiều bang bờ Đông nước Mỹ xuống dưới -20°C làm ít nhất 22 người chết và thiệt hại lớn về kinh tế.
Nhiệt độ tiếp tục giảm sâu xuống ngưỡng kỷ lục mới tại vùng bờ Đông nước Mỹ trong ngày 7-1. Nhiều địa điểm ở thành phố New York ghi nhận nhiệt độ xuống thấp kỷ lục.
Tại thành phố Boston thuộc bang Massachusetts, nhiệt độ ngày 7-1 xuống thấp dưới -19°C, bằng nhiệt độ đo được cùng thời điểm năm 1896. Bang này cũng đã ghi nhận các kỷ lục giá rét mới với mức -19°C và -21,7°C lần lượt tại thành phố Providence và Worcester, “xô đổ” kỷ lục năm 1912 và 1942.
Trong khi đó, tại Canada, nhiệt độ tại khu vực phía Bắc tỉnh Ontario và Quebec đã xuống -50°C. 

Ở châu Âu, kể từ tháng 12-2017 đến nay, đã có 4 cơn bão mùa đông. Cơn bão Eleanor là cơn bão mới nhất tràn vào châu lục này tuần qua sau khi càn quét Anh và Ireland, làm ít nhất 4 người chết.
Riêng ở Hà Lan, Eleanor đã gây ra thiệt hại khoảng 10 triệu USD, theo ước tính của công ty bảo hiểm Hà Lan. Toàn bộ bờ biển phía Bắc của Tây Ban Nha vẫn ở mức báo động “cam” - mức cao thứ hai trong thang 4 điểm - do nguy cơ gió mạnh và sóng lớn. 

Trong khi đó, tại Nam bán cầu, thành phố Sydney, Australia, ngày 7-1 trải qua một trong những ngày nóng nhất, với nhiệt độ ở mức cao nhất trong gần 80 năm, lên tới 47,3°C. Theo giới chức Australia, nhiệt độ 47,3°C đo được ở Penrith, khu vực ngoại ô phía Tây thành phố, trong khi nhiệt độ trên toàn khu vực miền Nam nước này đều đang tăng nhanh.
Theo báo cáo từ cơ quan thời tiết và khoa học quốc gia Australia, nhiệt độ trung bình tại Australia hiện đã tăng thêm 1°C so với năm 1910. Trong mùa hè năm 2017, hơn 200 kỷ lục về thời tiết đã bị “xô đổ” trên phạm vi toàn Australia, bao gồm những đợt sóng nhiệt lớn, cháy rừng và lũ lụt bắt đầu từ tháng 12-2016 đến tháng 2-2017.  

Cần hành động

Theo ước tính của các nhà khoa học, năm 2017, thế giới đã thải ra khoảng 37 tỷ tấn CO2, tăng 2% so với năm 2016. Trong lúc này, dư âm về việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu tiếp tục gây lo ngại. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giải tán ủy ban cố vấn liên bang về biến đổi khí hậu vào năm 2017 nhưng các nhà khoa học trong ủy ban  tiếp tục tham gia nghiên cứu tình trạng biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học Mỹ sẽ khảo sát khí hậu lần thứ 4, tập trung vào các tác động của địa cầu đến sự ấm lên của Trái đất.
Nỗ lực này dự kiến sẽ nhận được sự ủng hộ tài chính từ bang New York cũng như hỗ trợ hành chính của Hiệp hội Khí tượng học Mỹ, một nhóm chuyên nghiệp có trụ sở tại Boston. Báo cáo sẽ công bố vào tháng 6. 

Ngược lại với Tổng thống  Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giành được nhiều sự chú ý của dư luận trong tháng 6-2017 bằng cách thu hút các nhà khoa học Mỹ đến châu Âu nghiên cứu về tác hại của biến đổi khí hậu. Trước đó, ông Macron cho biết 13 nhà nghiên cứu Mỹ trong số 18 người đã được trao 70 triệu USD, khoản trợ cấp của Pháp dành cho nghiên cứu biến đổi khí hậu.

Tin cùng chuyên mục