­­Thông tư 30 - Thử thách với cái mới

Với tinh thần giảm áp lực học hành, chạy đua theo điểm số và tạo điều kiện cho học sinh tiểu học có thêm thời gian vui chơi, học kỹ năng sống nhiều hơn, Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về đánh giá học sinh bằng nhận xét thể hiện sự tiến bộ, được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, thử thách với cái mới không dễ, đòi hỏi giáo viên phải thay đổi tư duy lối mòn, đặt cái tâm, cái tình trong từng lời nhận xét.
­­Thông tư 30 - Thử thách với cái mới

Với tinh thần giảm áp lực học hành, chạy đua theo điểm số và tạo điều kiện cho học sinh tiểu học có thêm thời gian vui chơi, học kỹ năng sống nhiều hơn, Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về đánh giá học sinh bằng nhận xét thể hiện sự tiến bộ, được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, thử thách với cái mới không dễ, đòi hỏi giáo viên phải thay đổi tư duy lối mòn, đặt cái tâm, cái tình trong từng lời nhận xét.

Không dễ nhưng phải làm

Sau hơn 1 tháng đánh giá học sinh bằng nhận xét, thay vì cho điểm số, cô Thu Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 4 ở một trường tiểu học bộc bạch: “Lúc mới làm thử áp lực ghê lắm, ai cũng toát mồ hôi hột, loay hoay tìm lời nhận xét học sinh sao cho phù hợp với năng lực từng em. Nếu nhận xét ngắn quá thì các em không thấy rõ chỗ nào cần phải cố gắng, điều chỉnh, ngược lại nhận xét dài thì không có thời gian. Còn bây giờ, mọi chuyện đã tạm ổn vì được ban giám hiệu tháo gỡ, cho phép nhận xét lần lượt theo từng tổ. Bên cạnh đó, học sinh nào có vấn đề khác thường, lực học yếu, không hoàn thành bài làm thì nhận xét bằng lời hoặc gặp trực tiếp phụ huynh để trao đổi, tìm cách giúp em đó học tốt hơn, kể cả phụ đạo tại trường”.

Theo Ban giám hiệu Trường Tiểu học Hòa Bình (Q.1, TPHCM), việc đánh giá bằng nhận xét đã dần đi vào nề nếp và không quá gây căng thẳng đối với giáo viên nhờ áp dụng cách chấm điểm theo tổ, lần lượt theo từng bộ môn, chứ không bắt buộc cứng nhắc. Đối với những học sinh có năng lực học tốt thì lời phê ngắn gọn súc tích, còn đối với học sinh có học lực yếu hơn, làm bài chậm, có sai sót thì thầy cô đưa ra lời nhận xét kỹ hơn, chú trọng những yêu cầu cần khắc phục để học tốt hơn.

Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Minh Đạo (Q.5, TPHCM) trong giờ thi học kỳ 2 môn tiếng Việt năm 2014. Ảnh: Mai Hải

Theo bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT quận 5, để giảm áp lực phải ghi nhiều lời nhận xét trong ngày, trong tuần cho giáo viên, các trường đã thống nhất nhận xét theo tổ và trong giờ học giáo viên cũng nhận xét bằng lời để học sinh biết rõ năng lực, cần cố gắng ở điểm nào. Tuy nhiên tâm lý chung thì học sinh vẫn thích được cho điểm số hơn là đọc lời nhận xét. Rồi các em sẽ quen dần và mỗi giáo viên sẽ tự điều chỉnh lời nhận xét phù hợp với năng lực, phẩm chất của từng em, khuyến khích học sinh ham học, thích đến trường.

Chưa thật “đả thông” với cách làm mới, một giáo viên tiểu học ở một quận ven bộc bạch: “Nhà trường đã cho phép mỗi ngày chỉ nhận xét 5 em nhưng giáo viên chúng tôi vẫn phải dò bài tập toán, tiếng Việt để phát hiện lỗi cho cả lớp 50 em. Việc không cho điểm số và chỉ đánh giá bằng nhận xét nếu thiếu trách nhiệm, thiếu cái tâm sẽ khiến học sinh lơ là, chất lượng học tập đi xuống”. Nhiều giáo viên môn phụ như thể dục, nhạc… than thở họ vẫn bị áp lực trước cả núi công việc với hàng chục cuốn sổ, sách phải nhận xét từng học trò. Một giáo viên dạy môn phụ ở một trường tiểu học nói: “Chẳng biết Bộ GD-ĐT tháo gỡ kiểu gì mà chúng tôi vừa nhận một đống sổ phải nhận xét học sinh ở các lớp phụ trách? Cứ tính mỗi lớp 45 em và chúng tôi phải nhận xét khoảng gần 1.000 học sinh thì không biết phải “sáng tác” câu từ như thế nào cho đúng với yêu cầu đánh giá năng lực học trò?”.

Xóa bỏ rào cản quyền lực điểm số

Đúng như nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, thử thách với cái mới, thay đổi tư duy cũ bằng nhận thức mới, cách làm mới không dễ, đòi hỏi mỗi giáo viên phải lĩnh hội được tinh thần tiến bộ, nhân văn của việc thay dần điểm số bằng lời nhận xét, đánh giá trình độ, năng lực học sinh. Nếu cứ than khó than khổ, than cực… thì chẳng bao giờ đổi mới được nếp cũ, tư duy mòn theo hướng tiếp cận chuẩn giáo dục hiện đại. Và giấc mơ cải tổ nền giáo dục khó trở thành hiện thực.

Theo GS Hồ Ngọc Đại, tư duy sư phạm cũ và lối mòn quá nặng nề đang là rào cản đối với mục tiêu đổi mới giáo dục bậc tiểu học, lứa tuổi học mà chơi, chơi mà học là chính. Quyền lực điểm số duy trì nhiều năm qua đã gây hệ lụy, ăn sâu vào tiềm thức của giáo viên lẫn xã hội. Để chạy theo điểm số, bệnh thành tích, không ít giáo viên đã “o ép” học sinh học thêm, áp đặt cách học thuộc lòng, thụ động và thực trạng này khiến học trò phải bò ra học gồng mình để nhồi nhét kiến thức. Chính vì thế, muốn thay đổi tư duy đã ăn mòn vào người thầy lẫn phụ huynh và toàn xã hội về điểm số thì đòi hỏi chúng ta phải mạnh dạn làm, kiên quyết làm. Thử thách cần vượt qua là không chấm điểm nhưng học sinh vẫn ham học, ham đến trường và thực sự cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một niềm vui” thực thụ chứ không phải khẩu hiệu khô cứng thường được treo trang trọng trên tường.

Sau khi Bộ có hướng dẫn gỡ rối, cởi bớt áp lực, trao quyền chủ động cho giáo viên về cách làm, thời gian…, ông  Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD-ĐT khẳng định, cách làm mới này có lợi cho học trò nên đòi hỏi người thầy phải đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao kỹ năng sư phạm. Có như thế mới đưa ra những lời nhận xét có giá trị, phù hợp tâm sinh lý học sinh bậc tiểu học.

Phụ huynh cũng phải thay đổi tư duy

Theo cô Lê Ngọc Tường Khanh, Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Sư phạm TPHCM), phụ huynh cũng cần thay đổi nhận thức để đưa ra những câu hỏi quan tâm đến con  mình mà không gây áp lực học hành. Thay vì có thói quen hỏi thành tích học tập của trẻ như “Hôm nay con được điểm 10 không?” thì nên hỏi: “Hôm nay, con đi học có vui không? Con đã được làm gì ở trường? Con đã làm việc với bạn nào? Con giữ vai trò gì trong nhóm? Bài làm của con như thế nào?...

Rõ ràng, những thử thách, khó khăn ban đầu là khó tránh khỏi và để thực hiện đúng tinh thần của Thông tư 30 như nêu trên rất cần sự thay đổi cách nghĩ, cách làm của từng giáo viên lẫn phụ huynh. Vì quyền lợi của học sinh, vì mục tiêu đổi mới giáo dục bậc tiểu học, thay vì nêu khó, nêu khổ, trước tiên mỗi giáo viên cần cố gắng vượt qua chính mình, thể hiện tình yêu thương học trò bằng trách nhiệm, lương tâm nhà giáo. Song song đó, ngành GD-ĐT các cấp phải sớm chỉ đạo, hướng dẫn các trường giảm áp lực sổ sách và chạy theo phong trào thi đua không thực chất, nhằm tạo điều kiện cho giáo viên làm tốt công việc chuyên môn, đánh giá học trò đúng năng lực, phẩm chất từng em.  Hơn nữa, để giáo viên yên tâm với trọng trách, toàn tâm toàn ý với nghề “lái đò” đã chọn, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách lương bổng thỏa đáng. Đừng để họ phải trăn trở, xoay xở với cuộc sống túng thiếu và đối phó quy định cấm dạy thêm để có nguồn thu nhập chính đáng.

“Tuy đồng tình với chủ trương thay dần việc đánh giá bằng điểm số nhưng cuối học kỳ 1, học kỳ 2 và cả năm các trường vẫn đánh giá học sinh qua điểm số. Như thế, có nên duy trì hình thức khen thưởng cuối năm hay không để khuyến khích học sinh có nhiều cố gắng, đạt thành tích học tốt? Tuy Bộ chỉ đạo giao cho trường chủ động quyết định việc khen thưởng nhưng chúng tôi vẫn thấy băn khoăn và chờ hướng dẫn cụ thể”.

Võ Ngọc Thu
Trưởng phòng GD-ĐT quận 5

Diệu Anh

Tin cùng chuyên mục