Vịnh Hạ Long

San hô chết hàng loạt

San hô chết hàng loạt

Một trong những giá trị của vịnh Hạ Long là môi trường nước trong sạch và rạn san hô dày đặc. Nhưng đó chỉ là những giá trị của cách đây 15-20 năm. Còn bây giờ, thật đáng buồn là môi trường nước ở nơi đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, còn san hô thì đã gần như biến mất.

Vịnh Hạ Long bị “nhiễm bệnh”

San hô chết hàng loạt ảnh 1
Tình trạng quy hoạch, san lấp, lấn vịnh Hạ Long để xây dựng các khu du lịch và khu đô thị mới đã làm phát sinh những hậu quả đáng lo ngại về môi trường và cảnh quan của vịnh.

Tiến sĩ Đàm Đức Tiến, Trưởng phòng Thực vật biển thuộc Viện Tài nguyên và môi trường biển, vừa cùng các nhà khoa học tổ chức một cuộc điều tra về hiện trạng loài và rạn san hô của Việt Nam.

Khi lặn xuống đáy vịnh Hạ Long, ông thật buồn khi phát hiện các rạn san hô ở đây đã hầu như biến mất. “Thật không thể tưởng tượng nổi, bên dưới đáy biển, chúng tôi chỉ gặp những xác san hô chết”- ông bức xúc.

Theo tiến sĩ Nguyễn Huy Yết, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện KH-CN), cách đây 20 năm, khắp vịnh Hạ Long hầu như chỗ nào cũng có san hô phủ dày đặc. Thế nhưng đến năm 1998, khi trở lại để điều tra, các chuyên gia nhận ra rằng thảm san hô ở đây đang bị chết dần, chỉ còn lại 30%.

Mới đây, giữa tháng 6-2006, họ tiếp tục trở lại vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và Cô Tô (nơi gồm 15 đảo nhỏ và ba đảo lớn: Cô Tô lớn, Thanh Lân và Cô Tô con) để khảo sát, nhưng san hô đã gần như không còn nữa.

Tiến sĩ Yết khẳng định, san hô ở vịnh Hạ Long chết chủ yếu do môi trường nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trước đây, môi trường nước ở Hạ Long không thua kém gì Cát Bà, Côn Đảo. Nhưng nhiều năm nay, sự phát triển du lịch thái quá, không theo quy hoạch, đặc biệt là hoạt động lữ hành và lưu trú của các con tàu du lịch trên biển cũng như sự phát triển ồ ạt các khu đô thị, nhà hàng, sự xuất hiện các bãi tắm và khu công nghiệp, khai thác than, quặng, bến cảng ở quanh bờ vịnh... đã khiến vịnh Hạ Long nhanh chóng bị “nhiễm bệnh”.

Rất nhiều du khách nước ngoài đến Hạ Long và sau đó họ tỏ ra không hài lòng về cảnh chai lọ, túi nilông cùng hàng trăm loại rác rưởi khác trôi nổi khắp vịnh, đặc biệt là các váng dầu ở gần cảng vịnh.

Thậm chí mới đây, ông Chu Shiu Kee, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, cũng tỏ ra lo ngại cho môi trường của vịnh Hạ Long, đã gửi thư cho ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, bày tỏ mối quan ngại khi chính quyền của tỉnh này cho phép xây dựng 1 nhà máy xi măng công suất lớn nhất Việt Nam (2,3 triệu tấn/năm) ngay sát bờ vịnh Bái Tử Long, có thể làm ô nhiễm vịnh Hạ Long nghiêm trọng.

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Viện trưởng Viện Kinh tế và quy hoạch (Bộ Thủy sản), nguyên nhân khiến các rạn san hô không có cơ hội để sống ở vịnh Hạ Long là do nước ở đây đã đục ngầu, do việc lấn biển để xây khu đô thị mới, khu du lịch (đặc biệt là khu đảo Tuần Châu, khu đô thị mới Cái Dăm). Khi người dân tự phát phá rừng phòng hộ, phá rừng ngập mặn làm đầm nuôi tôm, đã làm mất “cái bẫy” chặn phù sa đổ từ thượng nguồn ra vịnh. Nước đục khiến san hô không thể quang hợp được và chết dần.

Theo tiến sĩ Chu Hồi, các rạn san hô lại chính là “cái tổ” để thu hút các loài tôm, cá tìm về sinh trưởng. “Nếu không có các rạn san hô thì dù chúng ta không khai thác, các loài tôm cá cũng bỏ đi nơi khác và đó là một nguy cơ suy giảm nguồn lợi thủy sản rất rõ”- ông Hồi nói.

Khẩn trương cứu san hô

Để cứu các rạn san hô của vịnh Hạ Long, ông Đàm Đức Tiến cho rằng, chỉ có một cách bền vững nhất là phải luôn đảm bảo chất lượng nguồn nước ở đây. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh phải đầu tư mạnh tay hơn cho các chương trình làm sạch môi trường nước ở quanh TP Hạ Long. Sớm thực hiện đồng loạt giải pháp bảo vệ nguồn nước của vịnh bằng cách quản lý chặt chẽ hoạt động xả nước thải, rác thải của các nhà hàng, khách sạn, khu đô thị mới, khu công nghiệp, đặc biệt là hệ thống tàu chở khách trên vịnh.

Còn ông Nguyễn Chu Hồi thì cho rằng, cần phải tổ chức “gieo cấy” lại các rạn san hô cho vịnh Hạ Long bằng các giá thể xi măng hoặc chính thảm san hô chết. Ngoài ra, có thể dùng các vật liệu bằng gỗ, bê tông, sắt, cao su... xử lý kỹ, loại bỏ hoàn toàn hóa chất rồi thả xuống vịnh để san hô bám và phát triển. Nếu kiên trì sau vài chục năm làm sống lại rạn san hô, Hạ Long có thể có thêm một loại hình du lịch mới: lặn xuống đáy biển xem san hô, đang rất hấp dẫn hiện nay. 

VĂN PHÚC HẬU 

Tin cùng chuyên mục