Khốn đốn vì ốc hương

Vài ngày qua, tình trạng mưa lũ trên địa bàn Nam Trung bộ đã dứt nhưng những thiệt hại do mưa lũ để lại thật nặng nề và dai dẳng. Hàng ngàn hộ dân nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt “làng vua” ốc hương ở thôn Xuân Mỹ, xã Ninh Thọ, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa nhiều “triệu phú” bỗng chốc lâm cảnh trắng tay.

Ốc chết, bốc “hương” nồng nặc

Ốc hương được biết đến như mặt hàng thủy hải sản cao cấp, giá bán trên thị trường không dưới 300.000 đồng/kg, còn giá xuất tại hồ từ 200.000 – 250.000 đồng/kg. Diện tích nuôi ốc hương trên địa bàn huyện Ninh Hòa 50 - 70ha, tập trung ở các xã Ninh Thọ, Ninh Hải, Ninh Phú, Ninh Ích, Ninh Hà…

Nhiều năm gần đây, người dân địa phương ăn nên làm ra cũng nhờ ốc hương. Thế nhưng, sau đợt lũ lụt vừa qua, chúng tôi về thôn Xuân Mỹ, xã Ninh Thọ, nơi có diện tích nuôi ốc hương nhiều nhất huyện Ninh Hòa người dân đang phải “gặm nhấm” sự thất bát đến đau lòng. Hàng chục hécta ốc hương trong đìa “le ngòi” trồi lên mặt bùn khiến nhiều người điêu đứng. Xác ốc chết được tấp vào bờ rào thành đống thành ụ, bốc mùi nồng nặc. Không khí nơi đây bỗng trở nên gấp gáp, máy nổ sục ôxy liên tục, người tất bật củng cố lượng nước mặn nhằm vớt vát vụ mùa… Khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp chuyện được với ông Nguyễn Văn Nho đang vớt ốc hương chết trên đìa của mình.

Ông Nho nói như mếu: “Hai hồ ốc này, tôi thả hơn 34 vạn con giống với giá 1,5 triệu đồng/vạn con, nhẩm tính sơ sơ mất hơn 500 triệu đồng. Chưa kể chi phí thức ăn, công người chăm sóc… đến nay đã gần 5 tháng, chuẩn bị thu hoạch nhưng ốc cứ chết dần chết mòn. Hàng ngày, tôi và người làm phải vớt ốc bị chết khoảng hơn 2 tạ, thấy mà đứt ruột…”.

Nặng nề hơn, anh Đỗ Hùng Minh ở xóm Quán, xã Xuân Mỹ, than thở: “Mưa lũ về gia đình lo ngay ngáy. 2ha đìa ốc hương đã đến giai đoạn xuất bán. Mưa quá lớn làm giảm độ mặn của nước biển trong ao nên ốc hương bị sốc nước, sau đó ốc nổi lên bờ mặt cát, thè vòi ra ngoài, lăn ra chết, bán đổ bán tháo mà thương lái cứ chần chừ không chịu mua, thiệt hại ước tính vụ này mỗi hồ trên 1 tỷ đồng”. Ngoài ra, Anh Minh cho hay: “Tôi thả 30 vạn con giống được gần 2 tháng để bán vụ xuân sang năm, vậy mà bây giờ ốc chết 40%/ngày, coi như trắng tay...”.

Rời xã Ninh Thọ, chúng tôi đến làng nuôi ốc hương Cát Lợi, xã Vĩnh Lương, thuộc địa bàn TP Nha Trang. Tại đây, cả làng đang chết lặng vì ốc hương. Bắt đầu nuôi trồng thủy sản từ năm 1986, ông Cao Tấn Phát được xem như lão làng trong lĩnh vực này và có tiềm lực kinh tế tương đối vững. Tuy nhiên, do đầu tư theo kiểu gối đầu, vụ sau nhiều hơn vụ trước nên sau 2 lần ốc hương “chết trắng”, vốn và lãi nhiều năm tích góp của ông Phát bỗng chốc bay theo… hương ốc.

Ông Trần Văn Sử, cán bộ phụ trách thủy sản xã Ninh Thọ, huyện Ninh Hòa cho biết: “Thôn Xuân Mỹ có gần 30ha đìa nuôi ốc hương, trong đó 10ha đìa có ốc bị chết với tỷ lệ 60%-70%, số diện tích còn lại tỷ lệ ốc chết cũng 30%-40%. Trung bình mỗi ngày lượng ốc chết trên 500kg lớn nhỏ, mức độ chưa từng xảy ra…”.

Nợ cũ chồng nợ mới

Mấy ngày nay, ngư dân nuôi trồng thủy hải sản ở Khánh Hòa gần như suy sụp hoàn toàn bởi chuyện ốc chết. Những tay nuôi ốc hương lão làng trong nghề cũng muốn bỏ làng vì ốc chết kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Qua đợt lũ vừa rồi, những người cả đời trung thành với nghề nước mặn, nay gầy gò hẳn đi, ánh mắt thêm trũng sâu và thâm quầng. “Tôi định xuất bán non với giá thấp chỉ 130.000 đồng/kg, giảm gần 100.000 đồng/kg so với mọi năm. Nếu không bán, để ốc chết sẽ nợ chồng nợ”, ngư dân Lưu Quang Trúng ở xóm Quán, xã Xuân Mỹ than thở.

Anh Trúng kể: “Hồi tháng 7, khi ốc bị dịch chết, tôi tự nhủ, vận xui không thể đến 2 lần và quyết định vay vốn ngân hàng để vệ sinh hồ, kiên cố đê đìa nuôi ốc hương tiếp nhằm gỡ lại chút ít trả nợ cũ. Nhưng đâu ngờ, lúc lứa ốc chuẩn bị thu hoạch thì bị cơn đại hồng thủy hất văng xuống biển…”. Nợ cũ nợ mới ngày càng đè nặng lên những đôi vai gầy kham khổ của ngư dân nơi đây. Giờ đây, nhiều hộ gia đình còn vay nợ ngân hàng mấy trăm triệu đồng nhưng không biết lấy đâu ra để trả...

Theo ông Trần Văn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ninh Hòa, hiện nay, nhiều bà con nuôi ốc hương phải đối mặt với hiện tượng ốc chết do sốc nước ngọt. Hiện tại nước ngọt trong các đìa nuôi còn nhiều, do đó bà con nên hạn chế thả nuôi. Mặt khác, huyện khuyến cáo nếu có hiện tượng ốc chết nên hạn chế cho ăn để ốc vùi dưới cát nhằm tránh ốc ngoi lên mặt nước, kết hợp với thay nước, bổ sung lượng nước mặn và ôxy thường xuyên để hạn chế thiệt hại…”. Hiện tại, tỉnh Khánh Hòa chưa thống kê được thiệt hại cụ thể, trong lúc nhiều bà con trắng tay, nợ nần do vay ngân hàng để nuôi ốc lên đến hàng tỷ đồng nhưng không có khả năng trả nợ.

NGUYỄN THI

Tin cùng chuyên mục