Miền Trung đối mặt mùa mưa bão - Nỗi lo từ hạ nguồn

Người dân một số khu vực ven biển, dọc các sông miền Trung lại bắt đầu sống trong thấp thỏm, lo âu khi mùa mưa bão đến. Tính mạng, nhà cửa, đất sản xuất của họ đang nằm trong tầm biển liếm sông trôi. Dù có sự đầu tư, quan tâm của các cấp chính quyền nhưng hiểm họa vẫn còn đó khi mùa bão lũ về.
Miền Trung đối mặt mùa mưa bão - Nỗi lo từ hạ nguồn

Người dân một số khu vực ven biển, dọc các sông miền Trung lại bắt đầu sống trong thấp thỏm, lo âu khi mùa mưa bão đến. Tính mạng, nhà cửa, đất sản xuất của họ đang nằm trong tầm biển liếm sông trôi. Dù có sự đầu tư, quan tâm của các cấp chính quyền nhưng hiểm họa vẫn còn đó khi mùa bão lũ về.

  • Nơm nớp sợ biển “liếm”

“Không hiểu vì sao thời gian gần đây biển lại xâm thực vào đất liền nhanh đến thế”, ông Trần Đình Nhu, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) than thở. Những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2007, dù không có bão lớn nhưng mỗi năm biển lấn vào đất liền từ 50 - 70m. Bình quân mỗi năm xã này mất trắng từ 5 - 10ha, đó là chưa tính diện tích bị “biển hóa” do nhiễm mặn, cát bay… khiến hàng chục hécta đất sản xuất không thể gieo trồng.

Tương tự, khu vực ven lạch Cửa Sót mỗi năm bị xâm thực từ 5 - 10m. Xã Thạch Kim, xã liền kề với Thạch Bằng, cách đây 5 - 6 năm, tính từ bờ kè ra đến mép nước có khoảng cách bình quân từ 200 - 300m, nhưng hiện chỉ còn 30 - 50m. Tại bãi biển nghỉ mát Xuân Hải (xã Thạch Bằng), người dân phải làm lại các nhà hàng mới sâu bên trong đất liền, những nhà hàng cũ bây giờ tan hoang, nằm ngay mép nước biển.

Mới nhất, vào giữa tháng 7-2010, tại thôn Bắc Dinh (Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) triều cường đã làm sập 9 nhà dân. Người dân thôn này cho biết, biển đã lấy một nửa đất làng, trước đây có đường làng, giếng làng nhưng 5 năm trở lại đây đã bị biển cuốn trôi. Hiện có khoảng 100.000 dân sống dọc sông, dọc biển ở Quảng Bình đối diện với tình trạng sạt lở.

Còn tại Thừa Thiên - Huế, liên tục nhiều năm nay, bờ biển xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) luôn bị khoét sâu vào bờ, khiến hàng chục ngôi nhà xây kiên cố bị hà bá nuốt chửng. Gần hai năm nay, gia đình chị Ngô Thị Gái, làng An Dương phải sống trong sợ hãi bởi bị hà bá nuốt nhà đến lần thứ 3. “Giờ không còn đất dời nhà, bởi khu vườn đã bị biển nuốt gần hết. Ngôi nhà ni đã nứt toác, sụt lún không biết sập khi mô, không có chỗ ở, cả gia đình 5 người phải sống trong lo sợ. Mỗi khi có mưa gió, cả nhà run bần bật” - chị Gái tâm sự.

Tình trạng này cũng đang xảy ra tại khu vực thị trấn Thuận An, xã Phú Hải (huyện Phú Vang), xã Vinh Hải, cửa Tư Hiền (Phú Lộc), xã Phong Hải (Phong Điền), xã Quảng Công (Quảng Điền)…, đe dọa nhà cửa và đời sống của hàng trăm hộ dân.

Sông Gianh sạt lở, đất làng biến mất. ảnh: MINH PHONG

Sông Gianh sạt lở, đất làng biến mất. ảnh: MINH PHONG

  • Thấp thỏm ven sông

Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra đêm 5-10-2007 tại xã Nậm Giải (huyện Quế Phong, Nghệ An) còn ám ảnh nhiều người. 13 con người tại 2 bản Pục và bản Méo của xã bị lũ cuốn, đất vùi. Các ngôi nhà, ruộng lúa, trường học… ven sông bỗng chốc chỉ còn ngổn ngang đất đá. Dường như bài học nhãn tiền đó không được ai lưu tâm, bởi hiện còn tình trạng thi nhau đào bới sông hút cát, tìm vàng. Sông Hiếu đoạn chảy qua các xã Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hưng… (huyện Nghĩa Đàn) bị đào bới tan hoang khiến dòng chảy biến đổi.

Trận lũ lớn tháng 10-2009, xã Nghĩa Thịnh bị nước cuốn, cát sỏi bồi lấp mất 44 ha đất sản xuất. Còn tại xã Nghĩa Hưng, trong đợt lũ đó bị mất 10 ha đất mía, 15 ha bị cát sỏi bồi lên không canh tác được. Việc khai thác cát sỏi đã gây nên sạt lở nghiêm trọng tại tuyến sông Lam, đoạn qua xã Ngọc Sơn (huyện Đô Lương) chỉ 2,2km nhưng 100% đều bị sạt lở, lấn sâu vào đất canh tác trên 50m, 34 hộ dân phải di dời vào mùa mưa bão.

Tại Quảng Bình, sạt lở diễn biến phức tạp trên 5 hệ thống sông với khoảng gần 500km bờ sông bị xâm thực. Nguy hiểm nhất là sông Gianh đi qua các xã Thạch Hóa, Thuận Hóa, Mai Hóa, Châu Hóa. Tại Quảng Ngãi, đến mùa mưa bão, các huyện miền núi, đặc biệt là huyện Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà… lại nơm nớp lo sợ núi nứt và sạt lở. Làng Hót, thôn Trà Lạc (xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng) có hơn 60 hộ dân với 308 nhân khẩu đang sống trong cảnh thấp thỏm, bởi tại núi Cà Bót lại xuất hiện một vết nứt mới với chiều dài 70m, rộng có nơi lên đến 1m. Già làng Đinh Văn Nho cho biết: “Núi nứt từ mấy năm trước, sợ lắm, nhưng chưa biết trốn đi đâu, nên cứ ở tạm vậy thôi, chờ Nhà nước”.

Nhiều hộ dân ở xã Phú Thuận, Thừa Thiên-Huế sống bên miệng tử thần. Ảnh: PHAN LÊ
Nhiều hộ dân ở xã Phú Thuận, Thừa Thiên-Huế sống bên miệng tử thần. Ảnh: PHAN LÊ
  • Sống chung và chờ

Xã Hưng Nhân (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) nằm hoàn toàn ngoài đê sông Lam. Xã chỉ có 646 ha đất tự nhiên, nhưng mỗi năm bị sông “lấn” mất 5 ha đất sản xuất. Cứ vào mùa mưa lũ, hàng trăm hộ phải di dời. Để sống chung với lũ, người dân nơi đây có nhiều cách, trong đó có sáng kiến xây “cồn tự cứu”. “Cồn tự cứu” được xây trên nhà trệt đã có sẵn, sau đó cơi nới lên thêm 2 gác thô sơ bên trên. Khi có bão lũ thì trâu bò được dắt lên gác 2, còn người, lúa gạo, đồ dùng… ở gác 3. Tuy nhiên, muốn xây được cần có ít nhất 25 triệu đồng, một món tiền khá lớn so với người dân nơi đây.

Không chỉ ở Hưng Nhân, những điểm có nguy cơ trong mùa mưa bão, việc đưa ra giải pháp chỉ mang tính điểm nhấn. Như việc giải quyết tình trạng biển “liếm” tại Thạch Bằng chỉ đơn giản vận động người dân trồng nhiều phi lao ven biển. Biện pháp tiếp theo là… xin ý kiến các cấp, ngành có liên quan quan tâm nghiên cứu, sớm có phương án khống chế xâm thực.

Còn tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), người dân vùng biển “liếm” đang dài cổ chờ tái định cư. UBND xã Phú Thuận đã nhiều lần lập danh sách hộ sạt lở, trình lên huyện, tỉnh đề xuất phương án di dời, tái định cư cho người dân, nhưng đến nay mọi việc vẫn rơi vào im lặng. Tại Quảng Ngãi, để giải quyết tình trạng sạt lở, nứt núi, Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 10 tỷ đồng để xây dựng mới và hoàn thiện 8 điểm tái định cư bố trí cho 253 hộ dân ở các vùng thiên tai. Tuy nhiên, do một số lý do nên kế hoạch phải đến tháng 9-2010 mới hoàn thành. Nhiều địa phương khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự, thế nên người dân các vùng sạt lở, núi nứt đe dọa vẫn đang như ngồi trên ổ kiến lửa

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục