Nhà thầu Trung Quốc “Trùm mền” hàng loạt cầu tại ĐBSCL

Tuyến đường từ Cần Thơ về Cà Mau chỉ dài 180km nhưng từ đầu mùa mưa đến nay tài xế xe tải, xe khách phải chạy mất gần 5 giờ, vì vướng vô số “ổ voi” và kẹt xe liên tục tại hàng loạt cầu thuộc dự án khôi phục 16 cầu do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư.Ám ảnh kẹt xe
Nhà thầu Trung Quốc “Trùm mền” hàng loạt cầu tại ĐBSCL

Tuyến đường từ Cần Thơ về Cà Mau chỉ dài 180km nhưng từ đầu mùa mưa đến nay tài xế xe tải, xe khách phải chạy mất gần 5 giờ, vì vướng vô số “ổ voi” và kẹt xe liên tục tại hàng loạt cầu thuộc dự án khôi phục 16 cầu do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư.

Ám ảnh kẹt xe

Chỉ trong một tuần nay, cầu Xả Bảo đi qua địa bàn huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) bị kẹt xe đến 4 lần đều vào buổi sáng. Rạng sáng 31-7, hàng trăm xe tải, xe khách rồng rắn nối đuôi nhau chờ qua cầu kéo dài đến địa phận tỉnh Sóc Trăng.

Ông Nguyễn Văn Toàn, tài xế xe khách chạy tuyến Cần Thơ – Cà Mau buộc phải quay về vì chờ hơn một giờ vẫn chưa qua được cầu. Hai ngày trước, tại đây cũng bị kẹt xe làm hàng trăm ô tô phải nhích từng tí một.

Ông Trần Minh Trung, tài xế xe tải chở tôm đông lạnh ở Cà Mau, cho biết không chỉ cầu Xả Bảo, thời gian gần đây các cầu Cái Dầy, Xóm Lung, Láng Tròn cũng kẹt xe liên tục. Tuần trước ông Trung mất đến 6 tiếng mới “bò” qua được đoạn đường 80km từ Giá Rai (Bạc Liêu) lên Sóc Trăng. Ông Trung cho biết, không chỉ ám ảnh vì kẹt xe gây mất thời gian mà còn đau lòng chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông do cầu tạm trơn trượt, thủng sàn và đường vào một số cầu xuất hiện nhiều ổ voi như những cái bẫy.

Đội trưởng một đội thi công của nhà thầu Cienco 4, ông Nguyễn Minh Hà, cho biết, nguyên nhân xảy ra kẹt xe thường xuyên ở một số cầu tạm là do trời mưa gây chập điện làm mất tín hiệu giao thông. Bên cạnh đó, không ít tài xế thường xuyên cho xe vượt đèn đỏ gây kẹt cầu kéo dài.

Cầu tạm Phú Lộc bị thủng sàn rất nguy hiểm. Ảnh: HỒNG DÂN

Cầu tạm Phú Lộc bị thủng sàn rất nguy hiểm. Ảnh: HỒNG DÂN

Khởi động thi công

Dù khởi công xây dựng 9 cầu sớm hơn 7 cầu của nhà thầu Cienco 4 nhưng nhà thầu CSCEC chỉ xây được 3 cầu: Đầu Sấu, Cái Răng và Nàng Mau. 6 cầu còn lại của CSCEC nằm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng chỉ được thi công một thời gian ngắn rồi… “trùm mền”.

Để nhanh chóng hoàn thành dự án, Ban Quản lý dự án 2 thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tháo gỡ khó khăn bằng cách cho CSCEC thanh lý hợp đồng trước hạn để Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin ý kiến Chính phủ đấu thầu lại 6 gói thầu xây cầu Kinh Xáng, Nhu Gia, Phú Lộc, Nọc Nạng, Giá Rai và Hộ Phòng.

Hiện chủ đầu tư đã tìm được nhà thầu mới là Công ty CP Đạt Phương và Công ty CP Bê tông 620 Châu Thới nên 6 cầu này vừa được “tái khởi công” trở lại.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, cán bộ phụ trách dự án 16 cầu cho biết, 7 cầu của nhà thầu Cienco 4 dự kiến thông xe vào tháng 8-2010. Đối với 6 cầu vừa được tái khởi công theo kế hoạch hoàn thành sau một năm nhưng các nhà thầu đưa ra chỉ tiêu phấn đấu thông xe vào tháng 2-2011.

Dự án khôi phục 16 cầu được triển khai vào tháng 3-2007 khi quốc lộ 1A đã được nâng cấp. 3 năm qua, tuyến Cần Thơ – Cà Mau đường thông nhưng cầu chưa thoáng.

Những ngày đầu triển khai dự án, Tổng Công ty Xây dựng quốc gia Trung Quốc (CSCEC) – đơn vị trúng thầu rầm rộ khởi công 9 cầu: Đầu Sấu, Cái Răng (Cần Thơ); Nàng Mau (Hậu Giang), Kinh Xáng, Nhu Gia, Phú Lộc (Sóc Trăng); Nọc Nạng, Giá Rai, Hộ Phòng (Bạc Liêu). Đúng một năm sau, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) khởi công 7 cầu còn lại là Phụng Hiệp (Hậu Giang), Khánh Hưng (Sóc Trăng) Xả Bảo, Cái Dầy, Dần Xây, Xóm Lung, Láng Tròn (Bạc Liêu).

Theo kế hoạch, cả 16 cầu này hoàn thành vào tháng 3-2010 nhưng đến nay cầu lẫn đường vẫn chưa thông.

HỒNG DÂN

Tin cùng chuyên mục